Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Ứng phó với biến đổi khí hậu: Tầm nhìn cho vùng hạn, mặn?

Sỹ Hào - 09:34, 26/02/2020

Biến đổi khí hậu (BĐKH) đang tác động ngày càng tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Trong khi đó, các nỗ lực ứng phó với BĐKH của các địa phương trong vùng mới chỉ là giải pháp trước mắt và ở tầm ngắn hạn, chưa tạo ra sự đột phá và bền vững.

ĐBSCL thường xuyên đối diện với hạn mặn
ĐBSCL thường xuyên đối diện với hạn mặn

Thiệt hại đã được cảnh báo

Theo thống kê từ 13 tỉnh ĐBSCL, do hạn hán, xâm nhập mặn, hiện toàn vùng đã có khoảng 82 nghìn hộ dân thiếu nước sạch sinh hoạt; dự báo thời gian tới (hết tháng 4), con số này sẽ tăng lên khoảng 158 nghìn hộ. Số hộ thiếu nước sạch sinh hoạt tập trung tại các tỉnh Bến Tre, Sóc Trăng, Kiên Giang, Cà Mau và Tiền Giang.

Hạn, mặn cũng đã gây thiệt hại nặng nề đến sản xuất lúa ở các địa phương. Theo số liệu của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, hiện đã có gần 29.700ha vụ mùa 2019 và Đông - Xuân 2019 - 2020 ở ĐBSCL bị thiệt hại, đứng trước nguy cơ mất trắng. Dự báo, thời gian tới, toàn vùng sẽ có thêm khoảng 332.000ha lúa Đông - Xuân, 136.000ha cây ăn quả khả năng bị ảnh hưởng.

Tác động của hạn mặn không chỉ gây thiệt hại về kinh tế, mà còn làm mất sinh kế của người dân trong vùng. Không sống được từ nghề nông, số lượng nông dân bỏ quê lên thành phố tìm kiếm việc làm ngày càng gia tăng. Theo một nghiên cứu mới đây của Trường Đại học Cần Thơ, từ năm 2010 - 2018, ĐBSCL đã có khoảng 1,7 triệu lao động di cư đến các thành phố lớn để tìm sinh kế.

Thực tế, hạn, mặn không còn là câu chuyện mới ở ĐBSCL. Đặc biệt, vào mùa khô 2015 - 2016 (tháng 12/2015 - 4/2016), ĐBSCL đã hứng chịu một đợt hạn mặn lịch sử chưa từng có, gây thiệt hại nặng nề cho 9/13 tỉnh ven biển, ước tính lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng. Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng - Thủy văn quốc gia, mùa khô năm 2020, tình trạng hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn sẽ trầm trọng hơn mùa khô năm 2015 - 2016.

Tình trạng hạn, mặn đã được dự báo từ giữa năm 2019. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cùng các địa phương khu vực ĐBSCL cũng đã vạch ra kế hoạch đối phó với tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn được dự báo sẽ gay gắt và kéo dài. Nhưng để vượt qua một cách an toàn và hiệu quả là điều không hề dễ dàng.

Cần “đơn thuốc” hiệu quả hơn

Để “né” hạn mặn, những giải pháp ngắn hạn và “tầm nhìn tương lai” đang được đặt ra, từng bước thực hiện để thích nghi với điều kiện bất lợi của thiên nhiên. Ở một số tiểu vùng bị hạn mặn nghiêm trọng, thời gian qua vẫn có nhiều nông dân “né” được hạn mặn nhờ chủ động lịch thời vụ, sử dụng giống ngắn ngày, có những rẫy màu chủ động nước tưới, tránh được thiệt hại.

Ở tầm vỹ mô, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 120/NQ-CP ngày 17/11/2017 về việc ĐBSCL chủ động thích ứng BĐKH, phát triển bền vững. Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP, hiện toàn vùng đã gia cố được hơn 580km bờ bao, đắp 207 đập ngăn lũ; các địa phương cũng chủ động xả lũ lấy nước vào ô bao để lấy phù sa, vệ sinh đồng ruộng, với diện tích trên 141.351ha. Trong năm 2020, Bộ NN&PTNT tiếp tục bố trí kinh phí 5.157 tỷ đồng để thực hiện 20 dự án phòng, chống hạn mặn ở ĐBSCL.

Việc đầu tư xây dựng các công trình phòng chống hạn mặn là hết sức cần thiết, nhưng cũng chỉ là giải pháp trước mắt. Bởi công trình hạ tầng có tuổi thọ nhất định; còn ứng phó với hạn mặn là câu chuyện không phải ngày một ngày hai mà giải quyết được.

Xây dựng công trình là cần thiết, nhưng để phòng chống hạn mặn ở ĐBSCL thì thêm những giải pháp “phi công trình” khác. Trong đó, không thể không tiếp tục nghiên cứu vận động người dân sử dụng hiệu quả kinh nghiệm “sống chung với lũ, vượt lên đỉnh lũ” của người dân ĐBSCL đã tích lũy bao năm nay để đưa vùng trở thành “vựa lúa” của cả nước.

Ngoài giải quyết việc nước ngọt, cần xem trọng việc nghiên cứu nước mặn, lợ cũng là tài nguyên phát triển kinh tế biển, ven biển, qua đó góp phần từng bước đưa ĐBSCL vượt qua khỏi cái bóng của nông nghiệp lúa nước truyền thống.

Tin cùng chuyên mục
Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Nhằm thúc đẩy đồng bào các DTTS phát triển toàn diện trên các lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội, trong nhiều năm qua, việc nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực… cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An được các cấp, các ngành trong tỉnh rất quan tâm. Đặc biệt, từ khi triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I: từ năm 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) nội dung này càng được thực hiện bài bản, quyết liệt hơn nhờ nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Chương trình.