“Thuận thiên”Vài năm trở lại đây, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề do BĐKH, đặc biệt là tình trạng xâm nhập mặn ngày càng diễn biến phức tạp. Theo kịch bản BĐKH của Bộ Tài nguyên và Môi trường, đến năm 2100 nhiệt độ trung bình của ĐBSCL sẽ tăng từ 2,5-3,7 độ C, nước biển dâng cao 0,8-1m. Hệ quả là, sẽ có khoảng 40% diện tích của ĐBSCL (khoảng gần 2 triệu ha) bị nước biển “nuốt gọn”.
Để “cứu” khu vực này, ngày 17/11/2017, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 120/NQ-CP về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH. Tinh thần chỉ đạo chung của Nghị quyết xem nguồn nước mặn là tài nguyên và phát triển khu vực ĐBSCL trên nguyên tắc “thuận thiên”. Trong lĩnh vực sản xuất, Nghị quyết ưu tiên 3 trụ cột của ĐBSCL là thủy sản-cây trồng khác-lúa gạo.
Mặc dù nguồn nước mặn đã được xem là tài nguyên, việc phát triển bền vững ĐBSCL phải dựa trên nguyên tắc “thuận thiên” nhưng nhiều dự án ngăn mặn vẫn được thực hiện ở khu vực này, một số dự án khác cũng đã được phê duyệt chờ triển khai. Kỳ vọng “ngọt hóa” ĐBSCL đã không thành hiện thực, kéo theo một nguồn lực lớn bị lãng phí.
Có thể kể đến sự thất bại của Dự án “ngọt hóa” bán đảo Cà Mau được triển khai từ đầu những năm 1990. Dự án có tổng vốn đầu tư 1.400 tỷ đồng từ vốn vay của Ngân hàng Thế giới. Theo tính toán của ngành Nông nghiệp, với hàng trăm công trình cống đập, đê biển, đê sông ngăn mặn, giữ ngọt cùng gần 10.000km kênh thủy lợi nội đồng, Dự án sẽ giúp cho 70.000 ha đất của tỉnh Bạc Liêu, 50.000 ha của Cà Mau và 66.000 ha của Kiên Giang trở nên trù phú từ cây lúa.
Nhưng do chỉ độc canh cây lúa nên đời sống của nông dân bán đảo Cà Mau rất bấp bênh. Hơn nữa, hệ thống công trình của Dự án “ngọt hóa” đã đi chệch quy luật tự nhiên của các dòng sông ở ĐBSCL, mùa vụ liên tục thất bát. Vì thế, từ giữa năm 1998, nhiều nông dân ở Cà Mau, Kiên Giang, Bạc Liêu, Hậu Giang,… đã tự ý phá dỡ, đập bỏ các công trình ngăn mặn để nuôi tôm.
Đến năm 2000, Chính phủ đã ra Nghị quyết 09/NQ-CP cho phép khu vực này chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản. Điều này cũng đồng nghĩa giấc mơ “ngọt hóa” ĐBSCL tan vỡ; 1.400 tỷ đồng bị cuốn trôi theo dòng nước.
Tại sao cứ phải ngọt hóa?Sự phá sản của Dự án “ngọt hóa” ĐBSCL là bài học kinh nghiệm để hoạch định phát triển bền vững khu vực ĐBSCL. Nghị quyết 120/NQ-CP là một sự tiếp thu có chọn lọc để đưa khu vực này thích ứng có hiệu quả với BĐKH. Nhưng lạ là, trong khi người nông dân hứng khởi trước tương lai phát triển những mô hình kinh tế phù hợp với BĐKH thì một số dự án cố gắng “ngọt hóa” ĐBSCL vẫn được phê duyệt để đầu tư xây dựng.
Kỳ vọng “ngọt hóa” ĐBSCL đang gây nhiều tranh cãi nhất hiện nay là việc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình và được Chính phủ phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi Cái Lớn-Cái Bé nằm trọn trong vùng bán đảo Cà Mau. Trong đó, mục tiêu của Dự án vẫn nặng về ứng phó với nước biển dâng, xâm nhập mặn; trong đó, đáng chú ý Dự án sẽ xây dựng hai cống Cái Lớn, Cái Bé nhằm kiểm soát mặn từ biển Tây. Chung quy lại, Dự án vẫn nhằm mục đích ngăn mặn.
Điều này khiến dư luận đặt câu hỏi: Liệu rằng Dự án đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi Cái Lớn-Cái Bé có đi ngược chủ trương của Nghị quyết 120/NQ-CP; không tuân theo nguyên tắc “thuận thiên” trong phát triển bền vững ĐBSCL? Bài học từ Dự án “ngọt hóa” bán đảo Cà Mau hàng chục năm trước vẫn còn nguyên giá trị, vậy vì sao vẫn cứ phê duyệt dự án này?
Những câu hỏi này thiết nghĩ cần được các nhà hoạch định chính sách của ngành Nông nghiệp sớm có câu trả lời. Còn trên thực tế, giấc mơ “ngọt hóa” ĐBSCL là hoàn toàn không phù hợp thực tiễn. Vốn dĩ, nước mặn là nguồn nguyên liệu cho người dân ĐBSCL sản xuất. Bao đời nay, con người cũng như các loại giống cây trồng, vật nuôi đã thích ứng với môi trường nước mặn, sau đó lại được “lau dọn” mỗi khi mùa lũ về. Vậy tại sao cứ phải triển khai một dự án đi ngược với quy luật của tự nhiên như vậy?
Thiết nghĩ, thay vì triển khai xây dựng dự án, các cấp chính quyền từ địa phương tới Trung ương cần tập trung nghiên cứu xây dựng hệ thống dẫn, phân luồng nước mặn giúp người dân phát triển nuôi trồng thủy sản cho tốt hơn. Cùng với đó là tập trung đẩy mạnh nghiên cứu các loại giống, cây con, phù hợp với điều kiện phát triển của khu vực ĐBSCL nhằm tận dụng lợi thế về điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của khu vực này, giúp người dân làm giàu bền vững.
Do chỉ độc canh cây lúa nên đời sống của nông dân bán đảo Cà Mau rất bấp bênh. Hơn nữa, hệ thống công trình của Dự án “ngọt hóa” đã đi chệch quy luật tự nhiên của các dòng sông ở ĐBSCL, mùa vụ liên tục thất bát. Vì thế, từ giữa năm 1998, nhiều nông dân ở Cà Mau, Kiên Giang, Bạc Liêu, Hậu Giang,… đã tự ý phá dỡ, đập bỏ các công trình ngăn mặn để nuôi tôm.
SỸ HÀO