Đây là Công viên địa chất toàn cầu thứ hai của Việt Nam được UNESCO công nhận. Năm 2016, Cao Nguyên đá Đồng Văn (tỉnh Hà Giang) đã nhận danh hiệu này.
Theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam-Trưởng đoàn Việt Nam, việc công nhận của Hội đồng Chấp hành UNESCO có ý nghĩa rất lớn. Ngoài các tiêu chí về cảnh quan, địa chất với những đặc điểm đặc biệt, Công viên địa chất toàn cầu Non Nước còn có yếu tố nổi bật về mặt lịch sử, văn hóa, xã hội như đời sống của cộng đồng, dân cư cùng với khu vực địa chất đó.
Trên thế giới mới có hơn 100 địa điểm, hoặc địa phương, được UNESCO trao cho danh hiệu công viên địa chất toàn cầu. Ở khu vực Đông- Nam Á cho đến nay chỉ có hai nơi được công nhận gồm có ở Malaysia và ở Đồng Văn của Việt Nam. Danh hiệu công viên địa chất toàn cầu được công nhận lần này là ghi nhận của UNESCO về cảnh quan rất đa dạng, điều kiện địa chất rất đặc biệt của đất nước Việt Nam cùng với đời sống văn hóa, tinh thần, xã hội rất đa dạng.
Là một tỉnh nằm ở phía đông bắc của Việt Nam, Cao Bằng có bề dày về lịch sử, văn hóa, cách mạng, và có nhiều lợi thế về phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt là du lịch. Với những lợi thế như vậy, tỉnh Cao Bằng xác định đây là trọng tâm phát triển để sớm trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương. Xuất phát từ yêu cầu này, tỉnh đã phối hợp với Viện Địa chất Khoáng sản triển khai các bước để xây dựng công viên địa chất Non Nước, để có thể trở thành công viên địa chất toàn cầu. Công viên địa chất Non Nước bắt đầu được triển khai từ năm 2015, với diện tích trên 3 nghìn km2 với 9 huyện và 130 điểm di sản địa chất.
Đến tháng 11/2016, tất cả hồ sơ và ba tuyến du lịch trong công viên địa chất này cũng được hoàn thiện và đệ trình lên UNESCO. Đến tháng 7/2017, nhóm chuyên gia của UNESCO đã đến Cao Bằng để thẩm định.
Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Hoàng Xuân Ánh cho biết: Nhóm tư vấn đã đánh giá rất cao công tác chuẩn bị của Cao Bằng, cũng như hồ sơ đăng ký. Đến tháng 9/2017, trong khuôn khổ Hội nghị mạng lưới công viên địa chất châu Á-Thái Bình Dương được tổ chức tại Trung Quốc, Hội đồng chuyên gia UNESCO đã chính thức thông qua hồ sơ công viên địa chất Non Nước để trở thành công viên địa chất toàn cầu. Tại Khóa họp Hội đồng Chấp hành UNESCO lần thứ 204 ở Paris, hồ sơ đã được Hội đồng Chấp hành thông qua và công nhận.
Theo các nhà nghiên cứu, Công viên địa chất non nước Cao Bằng có những nét hoàn toàn khác biệt so với Cao Nguyên đá Đồng Văn. Quá trình các-tơ (hiện tượng phong hóa đặc trưng của miền núi đá vôi) trên Cao nguyên đá Đồng Văn chủ yếu còn đang ở giai đoạn trẻ thì ở Cao Bằng đã ở giai đoạn “trưởng thành” và “già”. Quá trình các-tơ hóa sâu rộng đã sản sinh ra nhiều diện tích đất màu mỡ, phì nhiêu, cộng với điều kiện khí hậu khá ôn hòa, ít xảy ra thiên tai, hạn hán, lụt lội, sạt lở…
DT