Lứa U19 của Công Phượng, Văn Toàn, Tuấn Anh và sau này có thêm Bùi Tiến Dũng, Phan Văn Đức, Quang Hải... thi đấu đến đâu đều tạo ra cơn sốt trong phòng vé, từ Cúp từ hùng ở sân Thống Nhất (TP. Hồ Chí Minh) đến Giải U19 Đông Nam Á tại sân Mỹ Đình (Hà Nội)... Trong 2 năm ra mắt, lối đá “thêu hoa dệt gấm” của họ đẹp đến nỗi người hâm mộ Việt Nam đề nghị Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) đưa lứa U19 thay đội tuyển quốc gia dự AFF Cup 2014.
Gần 1 thập niên phát triển, lứa cầu thủ “kỳ hoa dị thảo” của HLV Guillaume Graechen (thầy Giôm) năm nào, nay đã trở thành ngôi sao đương thời của bóng đá Việt Nam. Họ cùng nhau viết nên tuổi xuân rực rỡ với ngôi Á quân U23 châu Á 2018, tốp 4 ASIAD 2018, vô địch AFF Cup 2018, tốp 8 Asian Cup 2019…
Vẫn là U19 Việt Nam, nhưng vào năm 2016, cú ra chân của Trần Thành vào lưới U19 Bahrain tại tứ kết Giải U19 châu Á đã mang tấm vé thông hành đến vòng chung kết U20 World Cup 2017 cho thầy trò HLV Hoàng Anh Tuấn. Lịch sử ghi lần đầu tiên và duy nhất đến hiện tại, bóng đá nam Việt Nam có một đội tuyển sân lớn góp mặt ở ngày hội bóng đá thế giới. Từ sân chơi U19 này, đương kim Quả bóng Vàng Hoàng Đức, Văn Hậu, Đình Trọng, Tiến Linh, Tấn Tài (đã lên U19 Việt Nam vào năm 2014) hay Đức Chinh bước ra dưới ánh đèn “sân khấu”.
Gần nhất có Vũ Tiến Long và Phan Tuấn Tài, nhà vô địch SEA Games 31, vừa cùng U23 Việt Nam lọt vào tứ kết U23 châu Á 2022 từng được “thử lửa” ở sân chơi U19 Đông Nam Á. Nhắc lại chuyện cũ để khẳng định, U19 cực kỳ quan trọng, định hình tương lai cho các tài năng trẻ. Ở độ tuổi gần chạm đến ngưỡng sân chơi chuyên nghiệp (có cơ hội thi đấu ở Giải hạng Nhất), các bạn trẻ cần được sự đầu tư, “chăm sóc” đặc biệt về mặt nghiệp vụ. Còn với các cầu thủ U19, thành công của thế hệ đàn anh đi trước chính là kiểu mẫu để họ học tập, tiếp thêm động lực trên con đường “quần đùi áo số”.
Sau 9 năm, U19 Việt Nam lại đến Indonesia dự Giải U19 Đông Nam Á. Một lứa cầu thủ mới toanh được rèn dũa dưới bàn tay của HLV lão làng Đinh Thế Nam, người cách đây vài tháng đã đưa U23 Việt Nam vô địch sân chơi khu vực. Xét trên trường châu Á, Đinh Thế Nam hay Hoàng Anh Tuấn là những HLV nội xuất sắc nhất, chí ít đã có dấu ấn ở các giải trẻ khu vực và châu lục. Gửi gắm những “viên ngọc thô” vào thầy giỏi, VFF hy vọng sẽ tương lai của bóng đá Việt Nam sẽ được nâng tầm.
Trong cuộc chuyện trò với chuyên gia Đoàn Minh Xương tại vòng chung kết U23 châu Á mới đây, ông nhấn mạnh đến các giải trẻ là cơ hội cho nền bóng đá sàng lọc, kiếm tìm và phát hiện những “viên ngọc thô” để mài dũa và bổ sung cho đội tuyển quốc gia về sau. Đúng vậy! Với AFC, tiêu chí tổ chức các giải trẻ nhằm tạo sân chơi để các cầu thủ cọ xát, tích lũy kinh nghiệm hướng đến tương lai.
Tuổi 19, điểm khởi đầu cho một thế hệ đến với bóng đá đỉnh cao. Hy vọng các học trò của HLV Đinh Thế Nam “chân cứng đá mềm” trên đất Indonesia vốn cuồng nhiệt bóng đá.