Mới đây, chúng tôi được tham dự buổi phổ biến pháp luật của Bộ CHQS tỉnh Trà Vinh cùng với hơn 200 đồng bào phật tử Khmer tại chùa Kompông Chrây (chùa Hang), huyện Châu Thành.
Trong không khí nghiêm túc nhưng không kém phần sôi nổi, bởi các câu hỏi thảo luận tìm hiểu pháp luật của đồng bào, ông Thạch Khiêm, khóm 4, thị trấn Châu Thành chia sẻ: Tôi thường xuyên tham dự các buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật. Từ những kiến thức học được từ bộ đội, chính quyền địa phương về các mô hình sản xuất, pháp luật của Nhà nước, tôi đã giáo dục cho con cháu, rồi vận động cả bà con trong phum cùng thực hiện. Bà con bây giờ cũng hiểu biết pháp luật hơn hồi trước rất nhiều.
Cũng như gia đình ông Thạch Khiêm, gần 3.000 phật tử của chùa Kompông Chrây cũng thường xuyên được tham gia các lớp phổ biến pháp luật tại chùa. Các lớp này được tổ chức theo từng đợt và lồng ghép vào các buổi sinh hoạt, thuyết pháp của Sư cả tại chùa để tạo điều kiện thuận lợi bà con phật tử đến dự. Đây là một trong những cách làm mới được Bộ CHQS tỉnh Trà Vinh thực hiện, mang lại hiệu quả cao.
Tại chùa ArunRanSây ChacKrôn ở ấp Đại Trường, xã Phú Cần, huyện Tiểu Cần, ngoài lồng ghép vào các buổi thuyết pháp cho bà con phật tử, thanh thiếu niên người dân tộc Khmer được nhà chùa bổ sung kiến thức pháp luật vào các chương trình học tiếng Pali. Nhờ vậy, thời gian qua, hầu hết các phong trào ở địa phương luôn được bà con hưởng ứng nhiệt tình, nhất là phong trào xây dựng nông thôn mới và phong trào giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn.
Thượng tọa Thạch Thưa, trụ trì chùa Arunrănsây Chacakrôn, cho biết: Nhà Chùa có nhiều hoạt động, nhưng trong các ngày lễ, ngày rằm, hàng tháng đều dành thời gian tuyên truyền cho bà con những kiến thức cần thiết về nông thôn mới, về chính sách dân tộc mà bà con đang thụ hưởng, nhằm hướng cho bà con có lòng tin tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước.
Những năm trước đây, xã Phú Cần còn xảy ra nhiều tệ nạn xã hội, gây rối trật tự, thanh niên tham gia tụ tập ở các điểm ăn chơi, đá gà (chọi gà) thì nay họ đã chí thú làm ăn. Đời sống bà con vì thế cũng khấm khá hơn. Đặc biệt, cùng chính quyền địa phương chung tay xây dựng NTM, bà con ở ấp Đại Trường đã chủ động hiến hơn 4.000m2 đất để làm tuyến đường bê tông nối liền 2 xã Phú Cần và Long Thới, và rất nhiều công trình khác có sự chung tay của đồng bào.
Với sự phối hợp hiệu quả của Bộ CHQS tỉnh Trà Vinh trong công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và cùng đồng bào xây dựng NTM, đã đưa Phú Cần trở thành xã đầu tiên của huyện Tiểu Cần được công nhận xã nông thôn mới vào năm 2014.
Đại tá Phạm Hoàng Hân, Chủ nhiệm Chính trị, Bộ CHQS tỉnh Trà Vinh cho biết: Bên cạnh hình thức tuyên truyền pháp luật tại chùa, đơn vị cũng triển khai cùng lúc với nhiều hình thức tuyên truyền lồng ghép khác như, thông tin trên các phương tiện truyền thông, tủ sách pháp luật, sân khấu hóa tuyên truyền pháp luật… để người dân hiểu và chấp hành tốt chủ trương chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước.
Thực tế cho thấy, với sự đa dạng, sáng tạo trong cách thức tuyên truyền hướng đến các đối tượng cụ thể, là một trong những yếu tố quan trọng củng cố tiềm lực tinh thần trong nhân dân, qua đó góp phần xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh Trà Vinh ngày càng vững chắc, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân an tâm phát triển sản xuất, xây dựng cuộc sống ấm no.
HẠNH NGUYÊN