Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Tuyên Quang: Hiệu quả từ Chương trình cho vay nhà ở xã hội

Tiến Mạnh - 11:23, 26/06/2023

Những năm qua, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) tỉnh Tuyên Quang đã triển khai hiệu quả Chương trình cho vay nhà ở xã hội theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ. Từ nguồn vốn này, nhiều cán bộ, công chức, người lao động thu nhập thấp đã hiện thực hóa mong ước an cư lạc nghiệp, ổn định cuộc sống.

Từ nguồn vốn Chương trình cho vay nhà ở xã hội, nhiều cán bộ, công chức, người lao động thu nhập thấp trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã hiện thực hóa mong ước an cư lạc nghiệp
Từ nguồn vốn Chương trình cho vay nhà ở xã hội, nhiều cán bộ, công chức, người lao động thu nhập thấp trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã hiện thực hóa mong ước an cư lạc nghiệp

Chương trình vay nhà ở xã hội (NƠXH) theo Nghị định 100 của Chính phủ thông qua Ngân hàng CSXH tỉnh Tuyên Quang được triển khai từ năm 2019. Các đối tượng được vay vốn theo chương trình gồm: Người có công với cách mạng; người thu nhập thấp, hộ nghèo, cận nghèo tại khu vực đô thị; người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, chuyên môn kỹ thuật, quân nhân chuyên nghiệp công nhân trong các cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân, Công an nhân dân; cán bộ, công chức, viên chức được vay vốn ưu đãi để mua, thuê mua NƠXH; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở.

Cụ thể, người vay vốn để mua, thuê mua NƠXH được cho vay tối đa bằng 80% giá trị hợp đồng mua, thuê mua NƠXH; đối với trường hợp xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở mức vốn cho vay tối đa là 500 triệu đồng và không vượt quá 70% giá trị tài sản bảo đảm tiền vay, 70% giá trị dự toán hoặc phương án vay vốn. Thời hạn vay vốn tối đa lên đến 25 năm, lãi suất do Thủ tướng Chính phủ quy định từng thời kỳ, hiện nay là 4,8%/năm.

Ông Vũ Thế Anh - Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh Tuyên Quang cho biết, để thực hiện chương trình hiệu quả, đơn vị đã phối hợp với các tổ chức chính trị, xã hội tăng cường tuyên truyền, phổ biến các văn bản hướng dẫn để người dân biết, tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách. Đơn vị tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, gửi văn bản đến công đoàn các sở, ngành để cán bộ hiểu hơn và có cơ hội tiếp cận nguồn vốn; treo niêm yết công khai thông tin về chương trình tại điểm giao dịch các xã, phường, thị trấn. Trên danh sách các đối tượng đăng ký, các hội, đoàn thể bình xét, chính quyền phê duyệt, cán bộ ngân hàng sẽ thẩm định, hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ vay vốn, bảo đảm công khai, minh bạch, đúng quy định.

Nhờ nguồn vốn vay Chương trình nhà ở xã hội, nhiều ngôi nhà khang trang đã được xây dựng tại địa phương
Nhờ nguồn vốn vay Chương trình NƠXH, nhiều ngôi nhà khang trang đã được xây dựng tại địa phương

Ngoài ra, Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh Tuyên Quang còn triển khai nhiều chương trình cho hộ nghèo, khó khăn về nhà ở được vay vốn để làm mới, sửa chữa nhà ở theo Nghị quyết 28 và Quyết định 176, Quyết định 33 của Chính phủ. Đến hết tháng 6/2023, tổng dư nợ các chương trình là 111,8 tỷ đồng với 4.211 khách hàng còn dư nợ. Qua đó, giúp người dân được tiếp cận nguồn vốn của Nhà nước với lãi suất ưu đãi, tránh tình trạng người dân tìm đến nguồn vay tín dụng đen tiềm ẩn nhiều rủi ro.

"Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai chương trình cho vay NƠXH trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp những khó khăn do chưa có dự án NƠXH nào được mở bán; một số trường hợp có nhu cầu vay để xây, sửa nhà nhưng khi tiếp cận với ngân hàng để hướng dẫn hồ sơ thì không đủ điều kiện vay, như: Người muốn vay vốn không có tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do được cha mẹ tặng, cho đất nhưng chưa sang tên chính chủ hoặc không đáp ứng đủ điều kiện khác theo quy định của chương trình vay vốn", ông Vũ Thế Anh cho biết thêm.

Thời gian tới, Ngân hàng CSXH tỉnh sẽ chủ động phối hợp với chính quyền địa phương, các sở ngành, đơn vị có liên quan để tháo gỡ những khó khăn, hỗ trợ tối đa cho người dân có nhu cầu vay vốn. Trên cơ sở đó, Ngân hàng CSXH sẽ tiếp tục triển khai, tăng trưởng nguồn vốn cho vay, đáp ứng nhu cầu cấp thiết về nhà ở cho người có thu nhập thấp, bảo đảm an sinh xã hội, thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển. Qua đó, góp phần hiện thực hóa ước mơ cho nhiều người có thu nhập thấp về những căn nhà khang trang, kiên cố, giúp họ an cư lạc nghiệp, và có động lực hướng tới một cuộc sống tốt đẹp hơn. 

Tin cùng chuyên mục
Cà Mau: Chú trọng thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG 1719

Cà Mau: Chú trọng thực hiện hiệu quả Chương trình MTQG 1719

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; giai đoạn I: Từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) đã và đang phát huy hiệu quả trên nhiều lĩnh vực về đời sống kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS tỉnh Cà Mau. Minh chứng như việc triển khai hiệu quả Dự án 1 của Chương trình, đã góp phần giải quyết cơ bản việc thiếu đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt trong vùng đồng bào DTTS ở địa bàn khó khăn.