Cùng dự buổi Lễ có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê Kđăm; Trung tướng Lê Đức Thái, Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Bộ đội Biên phòng; Ủy viên Dự khuyết Trung ương Đảng, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Y Vinh Tơr - Trưởng Ban Chỉ đạo Lễ Tuyên dương; Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Nông Thị Hà; cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương; các thầy cô giáo và 125 em học sinh, sinh viên, thanh niên (HSSVTN) DTTS được tuyên dương.
Năm 2024 là năm thứ XI, Ủy ban Dân tộc (UBDT) chủ trì, phối hợp cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức Lễ Tuyên dương HSSVTN DTTS xuất sắc, tiêu biểu. Báo Dân tộc và Phát triển là đơn vị tổ chức.
Tại kỳ tuyên dương này có 125 HSSVTN thuộc 33 thành phần dân tộc (trong đó có 12 HSSVTN thuộc 11 dân tộc thuộc nhóm dân tộc có khó khăn đặc thù và DTTS rất ít người) đến từ 39 tỉnh, thành phố trên cả nước được tuyên dương.
Trong đó có 29 em đạt giải Nhất, Nhì, Ba trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm học 2023 - 2024; 8 em học sinh đạt giải Nhất, Nhì trong cuộc thi Khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia, quốc tế; 54 em trúng tuyển vào các trường đại học, học viện có tổng số 28 điểm trở lên theo tổ hợp 3 môn xét tuyển đại học (không tính điểm ưu tiên); 11 em học sinh thuộc các dân tộc có khó khăn đặc thù và DTTS rất ít người trúng tuyển vào đại học; 12 em đạt Huy chương Vàng, Bạc, Đồng trong các kỳ thi đấu thể thao cấp quốc gia, quốc tế; 11 thanh niên đạt thành tích xuất sắc, tiêu biểu trên các lĩnh vực.
Phát biểu khai mạc Lễ Tuyên dương, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh cho biết: Giáo dục và đào tạo là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân; là cơ sở quan trọng để thực hiện chính sách “Bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp đỡ nhau cùng phát triển giữa các dân tộc”. Những năm qua, với sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước, giáo dục dân tộc đã có bước phát triển mạnh mẽ. Mạng lưới trường lớp vùng đồng bào DTTS và miền núi ngày càng được củng cố, phát triển từ mầm non, phổ thông đến cao đẳng, đại học, tạo điều kiện cho con em đồng bào DTTS cơ hội tiếp cận với các kiến thức văn hóa, khoa học, kỹ thuật; công tác bảo tồn, phát triển tiếng nói, chữ viết DTTS đang được quan tâm triển khai.
Hệ thống trường chuyên biệt được củng cố và phát triển, từng bước hoàn thiện đáp ứng nhu cầu học tập cho học sinh vùng đồng bào DTTS và miền núi. Cả nước hiện có 318 trường phổ thông dân tộc nội trú tại 48 tỉnh/thành phố và 1.213 trường phổ thông dân tộc bán trú ở 29 tỉnh/thành phố; tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt 58,8%. Hệ thống các trường chuyên biệt đã và đang làm thay đổi chất lượng giáo dục ở vùng đồng bào các DTTS và miền núi. Năm học 2023 – 2024, tỷ lệ học sinh khá giỏi trong hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú, phổ thông dân tộc bán trú đạt trên 60%; trên 97% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở; có nhiều em đỗ thẳng vào đại học, cao đẳng.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh cho biết, đất nước chúng ta đang chẩn bị đón mùa Xuân mới năm 2025, dân tộc ta đang đứng trước thời điểm lịch sử mới, khởi đầu của kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, đích đến của kỷ nguyên là dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, sánh vai với các cường quốc năm châu. Ưu tiên hàng đầu trong kỷ nguyên mới là thắng lợi các mục tiêu chiến lược, để tiến đến năm 2030 Việt Nam trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, đến năm 2045 trở thành nước công nghiệp phát triển có thu nhập cao.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh nhấn mạnh: “Trước yêu cầu lịch sử đó, vai trò của thế hệ trẻ càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết, bởi đây là lực lượng đông đảo, đóng vai trò là người chủ tương lai của đất nước, có vị trí quan trọng trong việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Vì vậy, thế hệ trẻ cả nước nói chung, thế hệ HSSVTN DTTS nói riêng cần ý thức rõ về trách nhiệm, nhiệm vụ của mình là lưc lượng đi đầu trong học tập, rèn luyện, không ngừng phấn đấu vươn lên để làm chủ khoa học, công nghệ, xây dựng hoài bão lớn, tự tin bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Nhân dịp này, thay mặt UBDT và các cơ quan đồng chủ trì tổ chức Lễ Tuyên dương, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh đã trân trọng cảm ơn Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành, cả hệ thống chính trị và toàn xã hội đã quan tâm, chăm lo cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi nói chung, sự nghiệp giáo dục đào tạo nói riêng.
Đồng thời, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT cũng bày tỏ lòng cảm ơn chân thành tới các thầy cô giáo, nhất là các thầy cô giáo đang công tác ở vùng đồng bào DTTS và miền núi, vùng biên giới, địa bàn đặc biệt khó khăn; ngày đêm bám trường, bám lớp, vượt qua những khó khăn vì sự nghiệp giáo dục đào tạo vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Tại Lễ tuyên dương, các đại biểu đã xem phóng sự về sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Uỷ ban Dân tộc và các bộ, ngành đối với sự nghiệp giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực người DTTS; kết quả đạt được trong lĩnh vực giáo dục dân tộc và những nỗ lực vươn lên của HSSVTN DTTS trên con đường học tập, rèn luyện, lập thân, lập nghiệp.
Phát biểu tại Lễ Tuyên dương, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình cho biết, những năm gần đây xuất hiện ngày càng nhiều những HSSV đoạt giải cao trong các cuộc thi học sinh giỏi quốc gia, các cuộc thi về khoa học kỹ thuật, văn hóa, nghệ thuật, thể thao cấp quốc gia và khu vực. Trong số đó, có nhiều HSSVTN thuộc các dân tộc rất ít người, có khó khăn đặc thù.
Tại buổi Lễ Tuyên dương hôm nay, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ vui mừng được biết có 125 em xuất sắc, tiêu biểu được tuyên dương, đại diện cho hàng triệu HSSVTN DTTS trên khắp mọi miền Tổ quốc hội tụ về Thủ đô. Đặc biệt, trong đó có 12 em thuộc các dân tộc có khó khăn đặc thù và dân tộc rất ít người. Các em đến từ những vùng đất xa xôi, nơi điều kiện học tập còn hạn chế, đã không ngừng phấn đấu để theo đuổi ước mơ và làm giàu tri thức của mình. Thành tích của các em là niềm tự hào, niềm vui của gia đình, thầy cô, của dân tộc mình và của toàn xã hội.
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình khẳng định: “Trên cả nước đã có hàng nghìn câu chuyện đẹp và xúc động về nỗ lực vươn lên của HSSVTN DTTS. Đối với các cháu, đường đến trường xa xôi, gập ghềnh, trắc trở; hành trang đến trường không chỉ có sách vở mà còn có gạo, mắm, muối, chăn bông; thời gian bắt đầu đi bộ đến trường khi gà mới gáy. Trong hoàn cảnh đó, để đi học đều và lên lớp như bạn bè đã là cố gắng vượt bậc. Nhưng để trở thành học sinh giỏi, đạt giải quốc gia hay thủ khoa đại học đòi hỏi nỗ lực phi thường. Các em đã thực sự là tấm gương sáng về nghị lực và khát vọng vươn lên”.
Thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình biểu dương và nhiệt liệt chúc mừng nỗ lực học tập, rèn luyện của 125 HSSVTN DTTS xuất sắc, tiêu biểu năm nay; biểu dương tinh thần tận tâm, trách nhiệm và đóng góp rất hiệu quả của các thầy cô giáo, các bậc phụ huynh, các cấp chính quyền, ban, ngành, đoàn thể đã động viên, chăm lo cho các em trong suốt quá trình học tập để đạt được thành tích rất đáng tự hào.
Để tiếp tục duy trì và phát triển thành tích đã đạt được, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình mong muốn các em HSSVTN giữ vững ý chí và khát vọng, hãy luôn nhớ rằng thành công hôm nay chỉ là bước đầu. Đồng thời, nuôi dưỡng khát vọng lớn lao, luôn cố gắng học tập không ngừng, sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn, thử thách phía trước; rèn luyện tinh thần tự giác và kỷ luật; học tập rất cần sự tự giác và kỷ luật, tự giác đến mức đam mê; sắp xếp thời gian hợp lý giữa học tập, vui chơi và rèn luyện kỹ năng sống; trân trọng và giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc; trong hành trình học tập và phát triển, dẫu sau này có tiến bộ đến đâu cũng không bao giờ được quên gốc rễ của mình; hãy tự hào về bản sắc văn hóa dân tộc và trở thành người gìn giữ, lan tỏa, trao truyền những giá trị văn hóa tốt đẹp của quê hương…
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình cũng biểu dương và hoan nghênh UBDT đã kịp thời tham mưu cho Chính phủ ban hành và triển khai thực hiện nhiều chính sách phát triển vùng dân tộc, miền núi, trong đó có chính sách phát triển giáo dục và đào tạo. Ghi nhận, đánh giá cao sự cố gắng của UBDT đã chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức sự kiện quan trọng này.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cho biết, Đảng và Nhà nước đã đặc biệt quan tâm chăm lo cho đồng bào DTTS bằng cách ban hành, triển khai nhiều chủ trương, đường lối, chính sách đầu tư, hỗ trợ trên tất cả các lĩnh vực; đặc biệt là Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Chúng ta đang khẩn trương đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành những nhiệm vụ quan trọng này. Đây là mệnh lệnh của trái tim.
Để chính sách dân tộc tiếp tục đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả trong thực tiễn, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình mong muốn các bộ, ngành, địa phương nắm chắc tình hình, khai thác tiềm năng địa phương, đổi mới sáng tạo, triển khai thực hiện quyết liệt chính sách dân tộc ở cơ sở, hướng tới mục tiêu giảm nghèo nhanh, thu hẹp khoảng cách về mức sống và thu nhập với cả nước. Sự đồng lòng của các cấp chính quyền và cộng đồng là chìa khóa quyết định để những chính sách ưu việt đó mang lại lợi ích thiết thực cho đồng bào DTTS, góp phần vào sự phát triển chung của đất nước.
Thời gian tới, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đề nghị các cấp, các ngành, đặc biệt là Ủy ban Dân tộc, Bộ Giáo dục và Đào tạo tập trung triển khai có hiệu quả nhiệm vụ phát triển giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng DTTS, đầu tư phát triển hệ thống trường, lớp, cơ sở giáo dục phù hợp với điều kiện ở vùng đồng bào DTTS và miền núi. Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các chính sách về phát triển giáo dục. Đào tạo đội ngũ giáo viên tâm huyết, sẵn sàng gắn bó với vùng cao.
Đồng thời, duy trì và mở rộng các trường dân tộc nội trú; cung cấp các khoản tài trợ như sách giáo khoa, đồng phục, bữa ăn học đường. Thiết kế các chương trình giảng dạy lồng ghép với văn hóa dân tộc, giúp các em vừa tiếp cận tri thức hiện đại, vừa giữ gìn bản sắc. Tăng cường dạy song ngữ để các em bảo tồn ngôn ngữ dân tộc mình. Triển khai các chương trình hướng nghiệp, giúp các em định hướng nghề nghiệp phù hợp với bản thân và nhu cầu của quê hương. Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, giải quyết việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp đối với thanh niên DTTS…