Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Tương lai nào cho nạn nhân của tội phạm mua bán người?

PV - 14:51, 29/01/2018

Suốt nhiều năm qua, dù các ngành chức năng quyết liệt ngăn chặn nhưng tình hình tội phạm mua bán người ở nước ta vẫn diễn biến phức tạp. Hậu quả là không ít người vô tội bị lừa bán qua biên giới. Đối với các nạn nhân được giải cứu, di chứng tâm lý cũng rất nặng nề khi họ khó tái hòa nhập với cộng đồng...

Phải trải qua rất nhiều khó khăn, nguy hiểm, các nạn nhân mới thoát ra được vòng vây của bọn buôn người trở về quê hương, gia đình. Thế nhưng, do những rào cản xã hội nên không ít người vẫn bị lạc lõng trên chính quê hương của mình.

Khó hòa nhập cộng đồng

Cà Thị Q. sinh năm 1978, quê ở Thuận Châu, Sơn La là một trong những nạn nhân của nạn buôn bán người. Tuy nhiên, sau hơn 10 năm sống xa xứ khi quay về quê hương chị không còn “đường nào để đi”. Chị Q tâm sự, chị sinh ra ở một gia đình đông anh em, nên khi mới 17 tuổi chị đã bươn chải kiếm sống ở khắp các vùng biên giới. Năm 2008, chị và chồng sang Trung Quốc để lấy hàng về bán. Chị không thể ngờ được, gã chồng nghiện cờ bạc của mình đã lên sẵn một kế hoạch đẩy chị cho kẻ buôn người.

Những ngày tháng ở bên xứ người, chị bị bán hết nhà thổ này đến nhà thổ khác, và cuối cùng chị phải lấy người đàn ông bằng tuổi cha mình làm chồng, sống một cuộc sống cùng cực. Người thân của chị tưởng chị đã chết, họ lập bàn thờ cho chị. Đến khi chị trốn thoát quay trở về, chị Q. trở thành kẻ vô gia cư, bởi đất cát ở quê bố mẹ đã chia cho các anh, em khác. Chị không biết làm gì. Thậm chí, một số người xung quanh biết chị từ Trung Quốc trở về, họ còn nghi ngờ dị nghị, đủ thứ.

2 nạn nhân của tội phạm buôn bán người ở Lai Châu vẫn mang tâm lý tự ti mặc cảm. 2 nạn nhân của tội phạm buôn bán người ở Lai Châu vẫn mang tâm lý tự ti mặc cảm.

 

Tình trạng này cũng đang diễn ra ở một số địa phương có nhiều nạn nhân của nạn buôn bán người, nhất là ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới. Chia sẻ về điều này, anh Lò Văn Thăng, Trưởng công an xã Nậm Xe, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu cho biết, từ đầu năm 2013 đến nay, trên địa bàn xã đã xảy ra hơn 10 vụ buôn bán người, trong đó 4 người đã trở về. Trong số các nạn nhân có 3 người quay về nơi ở cũ. Tuy nhiên, từ khi trở về địa phương, họ rất ngại tiếp xúc với người khác. Khi chính quyền đến tìm hiểu hoàn cảnh, nắm bắt tâm tư nguyện vọng, các nạn nhân đều cố tình tránh mặt. Nghiêm trọng hơn, còn có 1 đối tượng là nạn nhân, sau khi về lại địa phương, do không có việc làm, cuộc sống khó khăn nên đã tham gia vào đường dây buôn bán người. Từ nạn nhân họ đã trở thành tội phạm.

Ông Lê Đức Hiền, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) cho biết: Số nạn nhân trong các vụ buôn bán người trở về được rất ít. Trong khi đó, con đường tái hòa nhập cộng đồng của họ gặp rất nhiều gian nan.

Theo thống kê, từ 2011 đến nay, lực lượng chức năng Việt Nam khám phá hơn 3.200 vụ, đưa ra xét xử 2.000 vụ, với trên 3.500 bị cáo liên quan mua bán người. Trong đó, 80% số vụ mua bán người rồi đưa qua Trung Quốc, Lào, Campuchia với các thủ đoạn xuất cảnh lao động, bán phụ nữ làm vợ, ép bán dâm, xuất cảnh bằng du lịch, thăm thân nhân rồi bán sang nước thứ 3…Tính trong 10 năm qua, số lượng người bị mua bán ở Việt Nam lên gần 4.000 người. Tuy nhiên, trong số đó mới có hơn 1000 người trở về.

Hiện nay, các nạn nhân của nạn buôn bán người vẫn rất khó khăn trong vấn đề tái hòa nhập cộng đồng. Thậm chí, nhiều đối tượng nảy sinh các tiêu cực như mắc các bệnh trầm cảm, sang chấn tâm lý thậm chí tự tử. Một số đối tượng khác lại có dấu hiệu tội phạm hóa.

Những rào cản cần tháo dỡ

Lý giải về tình trạng các nạn nhân của nạn buôn bán người khó hòa nhập cộng đồng, bà Nguyễn Vân Anh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới-Gia đình-Phụ nữ và Vị thành niên cho biết, nguyên nhân lớn nhất của tình trạng này chính là tâm lý các nạn nhân, đặc biệt là các nạn nhân bị mua bán tình dục. Họ mang tâm lý lo sợ và e ngại nên nhiều trường hợp không ra khai báo hoặc không hợp tác với các cơ quan có thẩm quyền. Hơn nữa, trong xã hội Việt Nam vẫn còn nhiều định kiến với các nạn nhân, khiến họ khó hòa nhập cộng đồng.

Bên cạnh rào cản về tâm lý, thì hiện nay, các biện pháp hỗ trợ cho nạn nhân của nạn buôn bán người còn rất hạn chế. Ông Lê Đức Hiền nhấn mạnh, thời gian qua, dựa trên các chính sách về phòng chống mua bán phụ nữ và trẻ em, các cơ sở bảo trợ xã hội đã được thành lập ở một số địa phương nhằm hỗ trợ cho các nạn nhân bị mua bán. Tuy nhiên, các cơ sở này còn nhiều bất cập do điều kiện phục vụ nơi ăn ở, sinh hoạt, y tế, các trang thiết bị sinh hoạt… không đảm bảo nhu cầu.

Hiện tại ở cấp Trung ương, Việt Nam mới thành lập chính thức được 3 cơ sở tạm lánh ở các thành phố lớn, trong đó có 1 cơ sở dành riêng cho nạn nhân của nạn buôn bán người. Ở các sở Lao động-Thương binh và Xã hội mặc dù có trung tâm bảo trợ xã hội nhưng với nhiều đối tượng khác nhau, chưa phân loại được các nạn nhân để có thể hỗ trợ họ một cách toàn diện.

Đặc biệt, có chính sách đào tạo nghề cho các nạn nhân, nhưng chưa thật sự được các địa phương chú trọng. Vì thế, các nạn nhân không có cuộc sống ổn định, không có thu nhập đảm bảo, cuộc sống bấp bênh, khó hòa nhập cộng đồng.

HIẾU ANH

Tin cùng chuyên mục
Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Nhằm thúc đẩy đồng bào các DTTS phát triển toàn diện trên các lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội, trong nhiều năm qua, việc nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực… cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An được các cấp, các ngành trong tỉnh rất quan tâm. Đặc biệt, từ khi triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I: từ năm 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) nội dung này càng được thực hiện bài bản, quyết liệt hơn nhờ nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Chương trình.