Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Tuổi trẻ và Covid-19 – Câu chuyện về sự sáng tạo để phục hồi ở Ấn Độ

Duy Ly (biên dịch theo Unicef) - 17:43, 13/08/2021

Những người trẻ tuổi của Ấn Độ đang dẫn đầu trong cuộc chiến chống lại Covid-19, thông qua những hành động thiện chí và các hoạt động hỗ trợ gia đình và xã hội. Trải qua thời kỳ khó khăn nhất của dịch bệnh, những bạn trẻ này, đã trở thành những người nghiên cứu, nhà vận động, đổi mới và truyền thông trên tuyến đầu chống dịch. Lòng dũng cảm và quyết tâm không ngừng của họ khi giúp đỡ những người xung quanh, là mình chứng, là lời nhắc nhở về cách tạo ra một thế giới an toàn, bình đẳng và khoẻ mạnh hơn.


“Thư viện hai bánh” của cô trò Usha Dubey và Mahima Singh
“Thư viện hai bánh” của cô trò Usha Dubey và Mahima Singh

Tuyên truyền bằng ngôn ngữ địa phương

Có thể nói việc truyền thông đúng và sử dụng những phương tiện truyền thông phù hợp, có khả năng lan toả thông điệp đến nhiều người là hoạt động vô cùng quan trọng trong thời kỳ đại dịch.

Ashwathy Murali, một phát thanh viên kiêm nhà sản xuất nhỏ tuổi dân tộc Paniyar (dân tộc thiểu số ở Ấn Độ), đã giúp phá vỡ sự do dự về việc tiêm vắc xin Covid-19 tại đây. Và kết quả là toàn bộ người dân trong làng nơi cô sinh sống đã được tiêm chủng đầy đủ vào tháng 7 vừa qua.

Wayanad, Kerala là nơi sinh sống của hơn 3.000 bộ lạc chủ yếu, thuộc cộng đồng người Paniyar. Đa số người dân trong cộng đồng bày tỏ sự sợ hãi và lo lắng về việc tiêm chủng. Để gạt bỏ nỗi sợ hãi và quan niệm sai lầm về đại dịch Covid-19; cũng như việc chủng ngừa, cùng với Phái đoàn Y tế Quốc gia (NHM), Ashwathy Murali đã được giao thực hiện một chương trình trên Đài phát thanh Mattoli (đài phát thanh địa phương). Bằng kỹ năng và sự sáng tạo của mình, Ashwathy đã lên kế hoạch cho các chương trình phát thanh bằng tiếng địa phương cho người dân Paniya, giúp họ có được những hiểu biết chính xác về tầm quan trọng và sự cần thiết của việc tiêm vắc xin phòng Covid-19.

Ashwathy Murali cho biết: “Trước tiên tôi muốn tạo ra nhận thức đúng đắn, xây dựng niềm tin và giảm thiểu nỗi sợ hãi ở người Paniya thông qua các chương trình phát thanh. Tôi đã dịch các bài giảng của các bác sĩ chuyên môn về dịch bệnh Covid-19, việc tiêm chủng và các nguyên tắc phòng dịch sang tiếng Paniya và phát chúng dưới dạng các chương trình phát thanh”.

Lữ đoàn xanh trong một hoạt động tình nguyện tại bang Chhattisgarh (Ấn Độ)
Lữ đoàn xanh trong một hoạt động tình nguyện tại bang Chhattisgarh (Ấn Độ)

Thư viện “hai bánh”

Có thể sẽ xuất hiện nhiều hơn những “làn sóng” Covid-19 mới, có thể trường học sẽ phải đóng cửa trong thời gian dài và việc học trên trường lớp bị gián đoạn, nhưng việc học với “Thư viện hai bánh” (thư viện di động trên xe máy) tại Singrauli ở bang Madhya Pradesh  thì không như vậy. Bộ đôi giáo viên - học sinh Usha Dubey và Mahima Singh quyết tâm rằng, sẽ không trẻ em nào bị tước đi quyền tiếp cận giáo dục và học tập.

Trong thời gian đóng cửa thành phố, nhiều trẻ em ở Singrauli’s Baidhan không có cơ hội học trực tuyến như các vùng phát triển khác. Vì vậy, ý tưởng “thư viện hai bánh” ra đời, nhằm tiếp cận và giúp đỡ những học sinh khó khăn, với những cuốn sách được gắn trên chiếc xe máy của cô. Cùng với Mahima, rất nhiều cô gái trẻ khác trong vùng cũng đang bận rộn mỗi ngày nhằm đưa sách đến gần hơn với trẻ em địa phương.

“Chúng tôi ‘đi du lịch’ hàng ngày trên chiếc xe tay ga của mình, với thư viện ngay trên xe. Tôi mong đợi được tham gia hành trình này mỗi ngày cùng giáo viên của mình. Tôi hy vọng những việc nhỏ mình làm, sẽ giúp cho các bạn nhỏ tiếp tục đảm bảo việc học”, Mahima Singh chia sẻ.

Ashwathy Murali tại phòng thu âm địa phương với các bài phát thanh bằng tiếng dân tộc tuyên truyền về phòng chống dịch Covid-19
Ashwathy Murali tại phòng thu âm địa phương với các bài phát thanh bằng tiếng dân tộc tuyên truyền về phòng chống dịch Covid-19

Lữ đoàn xanh

“Chúng tôi là ‘The Blue Brigade’(Tạm dịch: Lữ đoàn xanh) Đây là những câu chuyện của chúng tôi về niềm tin, quyết tâm và sự phục hồi. Chúng tôi giúp đỡ phụ nữ và trẻ em ở khu vực nông thôn và thành thị của Chhattisgarh (một bang miền đông Ấn Độ), giúp họ tiếp cận các dịch vụ thiết yếu và hạn chế tác động tiêu cực của Covid-19 để cùng vượt qua các thách thức”- một tình nguyện viên của Lữ đoàn Xanh chia sẻ.

Những nỗ lực của khoảng 25.000 thanh niên tham gia sáng kiến ​​Lữ đoàn Xanh của UNICEF Ấn Độ và Chương trình Dịch vụ Quốc gia (NSS) đã tiếp cận được một triệu người trên khắp Chhattisgarh. Họ vận động các gia đình có con dưới 5 tuổi được chủng ngừa đầy đủ các mũi tiêm cần thiết, hỗ trợ phụ nữ mang thai tiếp cận với dịch vụ khám thai và sinh đẻ an toàn tại cơ sở y tế gần nhất. Tổ chức các buổi chia sẻ về dinh dưỡng cho trẻ em, thanh thiếu niên và cả phụ nữ. Họ hỗ trợ trẻ em tiếp tục việc học ngay cả khi trường học đóng cửa, đồng thời nâng cao nhận thức về an toàn và bảo vệ trẻ em.

Còn rất nhiều những gương thanh thiếu niên tiêu biểu tại Ấn Độ, với những đóng góp của mình đã phần nào hỗ trợ đất nước đứng vững trước đại dịch. Khi những bạn trẻ này đang tích cực thể hiện khả năng thích ứng và phục hồi của họ trong thời gian đầy thử thách này, thì có một điều quan trọng không kém đó là, chúng ta - những người trưởng thành cần phải công nhận, hỗ trợ và ủng hộ các hoạt động và sự phát triển kỹ năng xã hội của các bạn trẻ để thúc đẩy họ, tạo nên một thế hệ tiềm năng trong tương lai.

Tin cùng chuyên mục
Độc đáo chợ phiên Pu Nhi

Độc đáo chợ phiên Pu Nhi

Bản tin tổng hợp của Báo Dân tộc và Phát triển, ngày 20/9, có những thông tin đáng chú ý sau: Nhân lên tình người vượt mưa lũ. Phát triển du lịch thông qua sản phẩm lưu niệm. Già làng Alăng Đàn làm cầu treo cho dân. Cùng các tin tức thời sự khác trong vùng đồng bào DTTS và miền núi.