Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Chính sách dân tộc

Từ xã 135 trở thành xã nông thôn mới

PV - 10:27, 19/02/2019

Định Hòa (huyện Gò Quao, Kiên Giang) là xã đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135 của Chính phủ, có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống (chiếm 63,5%). Sau hơn 7 năm xây dựng NTM, nhiều con đường, công trình mới được xây dựng khang trang đưa vào phục vụ đời sống dân sinh; người dân ngày càng năng động và sáng tạo trong cách nghĩ, cách làm để phát triển kinh tế gia đình...

Bà Nguyễn Thị Nguyệt ở ấp Hòa Thạnh, xã Định Hòa (huyện Gò Quao) chăm sóc hàng rào cây xanh, góp phần xây dựng tuyến đường xanh, sạch, đẹp. Bà Nguyễn Thị Nguyệt ở ấp Hòa Thạnh, xã Định Hòa (huyện Gò Quao) chăm sóc hàng rào cây xanh, góp phần xây dựng tuyến đường xanh, sạch, đẹp.

Từ khi mới bắt tay vào triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về Xây dựng NTM, Định Hòa tích cực tuyên truyền, vận động, cán bộ, đảng viên và quần chúng Nhân dân hiểu rõ xây dựng NTM phải dựa vào nội lực là chính, đặc biệt là phát huy tính tự chủ, ý thức tự lực, tự cường, thay đổi tập quán sản xuất… Nhờ đó, người dân đã tích cực tham gia xây dựng NTM, không chỉ đóng góp tiền của, ngày công lao động mà còn sẵn sàng hiến đất để làm các công trình phúc lợi.

Theo ông Phạm Thanh Hải, Chủ tịch UBND xã Định Hòa cho biết: Một thành công trong xây dựng NTM ở Định Hòa là việc lồng ghép các nguồn vốn, huy động sức mạnh từ doanh nghiệp và Nhân dân đóng góp. Trong tổng số 321 tỷ đồng đầu tư xây dựng NTM, vốn lồng ghép các chương trình chiếm gần 105 tỷ đồng, Nhân dân đóng góp trên 89,3 tỷ đồng, doanh nghiệp tài trợ 74,3 tỷ đồng.

Đến nay, Định Hòa được công nhận xã NTM, có trên 80% diện tích được bơm tưới tập thể, trên 95% diện tích sử dụng giống chất lượng cao, góp phần tăng năng suất từ 9,1 tấn lên 12,8 tấn/ha/năm; phát triển một số mô hình kinh tế tập thể mang lại hiệu quả cao: mô hình trồng nấm rơm; nuôi heo sinh sản, nuôi cá; trồng màu... đem lại lợi nhuận cao cho người dân. Hiện Định Hòa trên 3.200 hộ có hàng rào, cột cờ, treo ảnh Bác Hồ nơi trang trọng (chiếm 83,6%), có 100 hộ xây lò đốt rác gia đình và vận động các hộ còn lại đào hố đốt rác để xử lý rác thải gia đình, không vứt rác bừa bãi gây ô nhiễm môi trường.

Trước khi bắt tay xây dựng NTM, thu nhập bình quân đầu người của xã Định Hòa chỉ đạt 10,2 triệu đồng/năm, đến nay đã tăng lên 39,5 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 12,7% (năm 2009) xuống còn 4,6% (xét hộ nghèo theo hướng đa chiều)...

Từ một vùng quê nghèo khó, nông thôn Định Hòa hôm nay đang bừng lên sức sống mới, diện mạo mới. Bà Nguyễn Thị Nguyệt ở ấp Hòa Thạnh, xã Định Hòa (Gò Quao) phấn khởi: “Nhờ Đảng, Nhà nước quan tâm, nông thôn Định Hòa mới có điện thắp sáng, đường sá vào mùa mưa không còn lầy lội, xe 2 bánh chạy về đến tận nhà, người dân có nơi khám, điều trị bệnh rất thuận tiện, con em có trường học khang trang để học hành, và nhất là nông dân có điều kiện vươn lên làm giàu chính đáng”.

Nông thôn mới ở Định Hòa đã mở ra cơ hội cho nhiều hộ nông dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Điển hình là gia đình ông Danh Việt, ấp Hòa Mỹ. Ông Việt kể: “Trước đây gia đình tôi nghèo lắm, nợ nần nhiều. Từ khi được Trung tâm Khuyến nông–Khuyến ngư Kiên Giang hỗ trợ cặp bò, gia đình ông bắt tay xây dựng mô hình VAC. Phân bò tận dụng để nuôi trùn (giun) quế cho cá, đất trống trồng nấm rơm; rơm mục và chất thải của trùn lại được tận dụng trồng rau màu. Chỉ tính riêng tiền bán rau mỗi tháng gia đình có 3-4 triệu đồng. Hiện nay, trong các phum, sóc của người Khmer, các căn nhà xây vài trăm triệu đồng đã không còn là hiếm”.

Còn gia đình anh Danh Sơn, ngụ ấp Hòa Mỹ, xã Định Hòa cũng đang phấn khởi vì sắp thu hoạch 20 công khoai lang, mà giá khoai đang khá cao, thương lái vào hỏi mua với mức 780.000 đồng/tạ. Anh Sơn phấn khởi: “Nếu khoai lang cầm giá như hiện nay, thì tôi thu hoạch khoai cầm chắc bỏ túi trên 100 triệu đồng. Ngoài ra, tôi còn trồng 5 công cà tím, trồng lúa sang trồng rẫy tuy có cực công chăm sóc nhưng lợi nhuận cao gấp 3–4 lần trồng lúa, đời sống khá hơn”.

Có thể nói, xây dựng NTM ở xã Định Hòa đã làm thay đổi tập quán sản xuất, nâng cao ý thức tự lực, tự cường của nhân dân. Từ đó, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân không ngừng được cải thiện, nâng cao.

PHƯƠNG NGHI