Cứ nghĩ rằng ở nước ta trong thời đại ngày nay, tư duy cát cứ sẽ không còn chỗ để tồn tại. Bởi từ sau năm 1975, dân tộc được giải phóng, đất nước thống nhất, núi sông đã liền một dải, chúng ta cũng đã và đang vững vàng xây dựng chủ nghĩa xã hội, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Ở cấp Trung ương, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa có đầy đủ các cơ quan lập pháp (được lập ra do bầu cử công khai theo hình thức phổ thông đầu phiếu), tư pháp, hành pháp phối hợp hoạt động thông qua vai trò của các cơ quan chức năng. Ở cấp địa phương có hệ thống chính quyền Nhân dân các cấp (được tổ chức chặt chẽ thông qua bầu cử phổ thông đầu phiếu) thay mặt Nhà nước làm công tác quản lý, điều hành mọi hoạt động của xã hội, với mục tiêu xây dựng nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Với cách tổ chức như trên, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã phát huy được vai trò làm chủ của Nhân dân, không ngừng mở rộng dân chủ, do đó đã huy động được sức mạnh của toàn dân tộc hướng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Thế nhưng mấy năm gần đây, có một số linh mục cực đoan đã liên tục đăng đàn (thông qua thuyết giảng, làm lễ trong giáo xứ, thông qua mạng xã hội) để xuyên tạc tình hình đất nước, xuyên tạc hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đối với xã hội, sự lãnh đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp ở địa phương.
Một số linh mục còn tự cho mình cái quyền được “thay chính quyền cấp cơ sở” điều hành các hoạt động trong giáo xứ. Họ kêu gọi, kích động Nhân dân, nhất là các giáo dân trong giáo xứ do họ đảm nhiệm vai trò mục vụ không chấp hành các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, không thực hiện các quy định của địa phương, vận động giáo dân sang nhượng, hiến đất trái phép, rồi tự ý xây dựng, mở rộng khuôn viên nhà thờ, tu viện; tự huy động lực lượng, phương tiện san lấp mặt bằng, lấn chiếm đất đai do chính quyền địa phương quản lý để thực hiện cái gọi là “phục vụ lợi ích của giáo dân”...
Hành vi vô pháp
Qua theo dõi cho thấy, từ tháng 5-2021 đến nay, trên địa bàn các tỉnh miền Trung như: Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế... đang xảy ra hiện tượng một số linh mục tuyên truyền, xúi giục giáo dân tụ tập đông người, huy động máy móc, phương tiện san lấp mặt bằng trái phép để xây dựng, mở rộng khuôn viên và xây dựng các công trình cho nhà thờ. Chẳng hạn, ngày 7/5, Hội đồng mục vụ Giáo xứ Mục Sơn (Thanh Hóa) đã tổ chức cho giáo dân tập kết vật liệu để xây tường bao quanh khu đất nông nghiệp rộng khoảng 3.000m2 cạnh nhà thờ giáo xứ để tiến hành mở rộng khuôn viên. Đến ngày 25/6, linh mục Nguyễn Văn B. đã chỉ đạo giáo dân thuê phương tiện, tổ chức san lấp trái phép khoảng 300m2 đất.
Cũng trong ngày 7/5, linh mục Đặng Ch. (Thừa Thiên Huế) huy động khoảng 20 đan sĩ ra đồi Đức mẹ do Lâm trường Tiền Phong quản lý tổ chức cầu nguyện, nhằm từng bước khẳng định khu đất này là của đan viện. Ngày 19-6, linh mục này tiếp tục huy động 65 đan sĩ và giáo dân ra vị trí này để tổ chức cầu nguyện. Hoặc ngày 5/6, linh mục Nguyễn Anh T. (Nghệ An) chỉ đạo giáo dân huy động phương tiện san lấp mặt bằng trái phép trên khu đất nông nghiệp rộng 2.100m2. Cùng ngày, linh mục Nguyễn Duy Kh. (Nghệ An) cũng huy động giáo dân san lấp trái phép khoảng 2.800m2 đất nông nghiệp để mở rộng khuôn viên nhà thờ. Ngày 8/6, linh mục Trần Trọng H. (Bình Thuận) huy động giáo dân dựng trái phép 41 cột bê tông xung quanh mảnh đất rộng khoảng 1.200m2 (thuộc khu đất đã được chính quyền địa phương quy hoạch xây dựng khu du lịch sinh thái) với mục đích là để mở rộng khuôn viên nhà thờ. Mới đây, ngày 30/6, linh mục Lê Văn Kh. (Quảng Bình) đã huy động giáo dân thuê phương tiện san lấp trái phép khu đất rộng gần 12.000m2 để mở rộng khuôn viên giáo xứ... bất chấp sự tuyên truyền, vận động của cấp ủy, chính quyền địa phương, thậm chí một số giáo dân quá khích còn lao vào giằng co, cố ý chống lại lực lượng chức năng khi họ thực thi công vụ.
Điểm qua một số vụ việc để thấy, dường như việc tổ chức lấn chiếm đất đai để mở rộng khuôn viên nhà thờ, xây dựng các công trình của giáo xứ là công việc khá “thường xuyên” của một số linh mục. Khi các linh mục thực hiện hành vi nêu trên, bao giờ họ cũng núp dưới danh nghĩa “vì giáo xứ, vì giáo dân”. Nhưng thực chất, đây là một hành động coi thường pháp luật, được tiến hành bài bản, có tổ chức, bất chấp sự tuyên truyền, vận động, khuyến cáo, ngăn chặn của lực lượng chức năng và chính quyền địa phương.
Có thể gọi hành động của một số linh mục nêu trên là “vô pháp, vô thiên”. Họ muốn khẳng định trước giáo dân trong giáo xứ rằng mình có thể “muốn làm gì cũng được”, từ đó hòng gây thanh thế, tạo dựng uy tín cá nhân, lôi kéo, kích động giáo dân làm những việc trái quy định của pháp luật. Điều này đã từng xảy ra trên địa bàn giáo phận Vinh vào năm 2016, khi một số tỉnh ven biển miền Trung bị ô nhiễm môi trường biển do nhà máy Formosa xả thải gây ra. Tại thời điểm này, một số linh mục cực đoan đã kêu gọi giáo dân tụ tập đông người, ngăn chặn quốc lộ gây ách tắc giao thông và rối loạn về an ninh trật tự ở địa phương... Còn hiện nay, những hành vi trái pháp luật, trái đạo đức xã hội, trái với những điều quy định của giáo hội mà một số linh mục đã thể hiện qua việc lấn chiếm đất công đang tạo những hệ lụy xấu tại các địa phương.
Giả danh yêu nước, xúi giục giáo dân
Hẳn nhiều người còn nhớ vào dịp tháng 4/2017, khi người dân cả nước tưng bừng kỷ niệm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước thì một số linh mục trên địa bàn giáo phận Vinh đã đăng đàn diễn thuyết với những lời nói hết sức bậy bạ, xuyên tạc, phủ nhận thành quả cách mạng của cả dân tộc trong suốt các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ. Họ cho rằng cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là “cuộc nội chiến”, rồi xuyên tạc việc sử dụng bạo lực cách mạng để tiến công lực lượng phản cách mạng, giải phóng miền Nam là "sự lựa chọn sai lầm” của Đảng, họ coi ngày 30/4 là “ngày đen tối” của dân tộc...
Ngay sau khi nội dung thuyết giảng của các linh mục này tán phát lên mạng xã hội đã gây ra sự phẫn nộ trong các tầng lớp Nhân dân, nhất là đối với các cựu chiến binh đã từng hy sinh xương máu trong các cuộc kháng chiến giành độc lập, tự do cho dân tộc. Các linh mục này sau đó đã bị xử lý theo đúng quy định của giáo hội và quy định của pháp luật, có linh mục đã bị cho nghỉ mục vụ.
Không chịu rút kinh nghiệm từ những sai phạm của một số linh mục, những ngày gần đây, trên địa bàn một số tỉnh miền Trung tiếp tục xuất hiện một vài linh mục đăng đàn xuyên tạc tình hình chính trị, kinh tế-xã hội của đất nước. Chẳng hạn ngày 11/5, linh mục Nguyễn Văn S. (Nghệ An) đã lợi dụng lễ thường nhật, tập trung khoảng 350 giáo dân, tuyên truyền, xuyên tạc về diễn biến dịch Covid-19 và tình hình chống dịch ở các địa phương. Ngày 6-6, linh mục Nguyễn Ngọc Ng. (Nghệ An) lợi dụng việc giảng đạo cho khoảng 450 giáo dân tại nhà thờ xứ đã tuyên truyền, xuyên tạc việc các tổ chức, cá nhân đang hưởng ứng ủng hộ kinh phí cho công tác phòng, chống dịch và cho rằng đó là do “chính phủ huy động tiền của dân để mua vaccine của Trung Quốc”, rồi hô hào, kêu gọi giáo dân “tẩy chay” vaccine.
Đây là hành động rất thiếu hiểu biết và phi khoa học, thể hiện sự suy diễn, nhận định chủ quan, ấu trĩ của một số linh mục. Rồi linh mục Phan Văn A. (Thừa Thiên Huế) thì cho rằng việc cơ quan chức năng khởi tố vụ án hình sự đối với các thành viên Hội thánh truyền giáo Phục Hưng là “không có căn cứ”, vu cáo chính quyền “đàn áp tôn giáo”. Trong khi đó hành động tụ tập đông người làm phát tán dịch bệnh của Hội thánh truyền giáo Phục Hưng là có thật. Những hành động của các linh mục nêu trên đã được một số linh mục cực đoan khác hùa theo, cổ xúy hòng tạo ra làn sóng dư luận để nâng cao uy tín, tạo thanh thế cá nhân của các linh mục.
Có một điều đáng chú ý là ngoài việc tuyên truyền, kích động, xuyên tạc về mọi lĩnh vực từ tình hình kinh tế, chính trị... đến văn hóa, lịch sử của đất nước, các linh mục cực đoan luôn cho rằng mình mới là “người yêu nước”, mình mới là người dám nói ra những điều hạn chế, tiêu cực trong xã hội. Họ tự khoác lên mình cái danh “yêu nước, vì cộng đồng, vì giáo dân”, nhưng nhìn lại thì thấy toàn bộ những hành động, lời nói của họ đều hướng vào sự chia rẽ, gây mất đoàn kết giữa đồng bào theo đạo và đồng bào không theo đạo, gây nên sự rối ren về an ninh trật tự ở cơ sở, đồng thời lôi kéo một số giáo dân vào con đường vi phạm pháp luật.
Điều nguy hiểm là họ muốn tách các giáo xứ thành một không gian riêng, trong đó họ tự coi mình như một “ông vua”. Thật đáng tiếc là hiện nay đang có một số giáo dân thiếu sự tỉnh táo, mê muội trước những lời thuyết giảng của một số linh mục cực đoan, hùa theo sự xúi bẩy, kích động của họ để gây rối ở địa phương. Vấn đề này rất cần cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục tuyên truyền, giáo dục để các giáo dân có nhận thức đầy đủ về luật pháp, tuân thủ đúng phương châm của giáo hội là “kính Chúa, yêu nước, sống phúc âm trong lòng dân tộc”.
Bên cạnh việc giáo dục, thuyết phục, cũng cần phải nói rõ rằng: Tất cả các nước trên thế giới đều xây dựng hệ thống luật pháp để quản lý xã hội và bảo vệ lợi ích quốc gia. Đối với nước ta, hệ thống luật pháp ngày càng được hoàn thiện, bao trùm, điều chỉnh mọi lĩnh vực, mọi hành vi trong đời sống xã hội. Việc duy trì luật pháp dựa trên nguyên tắc mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Các linh mục, giáo dân ở Việt Nam cũng đều là công dân, do đó phải có nghĩa vụ và bổn phận chấp hành luật pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam như mọi công dân khác.
Vì vậy, việc một số linh mục cực đoan tự cho mình cái quyền “đứng trên pháp luật, đứng ngoài pháp luật”, phát ngôn bừa bãi, xúi bẩy giáo dân lấn chiếm đất đai trái phép, hành động bất chấp các quy định của pháp luật là điều không thể chấp nhận. Hành vi của các linh mục cực đoan đứng phía sau kích động, giật dây cho một số giáo dân thiếu hiểu biết làm những điều sai trái như đã nêu ở trên cần phải được các cơ quan chức năng làm rõ, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật để giữ vững kỷ cương, phép nước./.