Giải đấu được tổ chức tại Nga và màn trình diễn của Trần Khánh Linh đã nhận được sự cổ vũ nồng nhiệt từ các khán đài. “Nhưng tiếng hô đầy tự hào “Việt Nam” vang lên trong suốt phần thi của Linh khiến chúng tôi vô cùng tự hào. Sau khi con thi đấu xong, báo chí còn phỏng vấn. Nhiều cổ động viên còn chụp ảnh với con và xin chữ ký. Khoảnh khắc đó chúng tôi không thể quên được”, chị Trịnh Trang, mẹ của VĐV Trần Khánh Linh kể.
Theo chị Trang, trước đây với chị, trượt băng nghệ thuật là một khái niệm còn rất xa lạ: “Chúng tôi chỉ được xem trượt băng nghệ thuật qua tivi và rất ngưỡng mộ những nữ vận động viên xinh đẹp, đang di chuyển như những thiên thần trên sân băng. Sau này khi Hà Nội có sân băng, tôi đưa con tới sân với mong muốn cho con gái có thêm một bộ môn để rèn thể lực và sức khỏe. Nhưng rồi con gái say mê trượt băng và xem đó là niềm đam mê lớn nhất nên tôi bắt đầu tìm hiểu về bộ môn này”.
Từ đam mê của con, chị Trang bắt đầu tìm hiểu các tài liệu liên quan đến trượt băng nghệ thuật. Nhà đang ở khu Thành Công (Hà Nội), chị Trang quyết định chuyển nhà về đường Nguyễn Trãi ngay cạnh sân băng trong khu Royal City để con có thể dễ dàng tập luyện hằng ngày. Tuy nhiên, đây là môn thể thao khá tốn kém, ngay cả với các VĐV châu Âu. Toàn bộ trang phục, giày, phụ kiện thi đấu đều phải mua từ nước ngoài. Riêng giày tập cũng từ 1.500- 2.000 USD/đôi, váy thi đấu cũng từ 500-700 USD. Muốn con có thể nâng cao kỹ năng thi đấu, chị Trang và một nhóm phụ huynh có con đam mê trượt băng nghệ thuật cũng phải thuê HLV nước ngoài, với mức giá chung là từ 80-100 USD/giờ học trực tiếp hoặc online.
Khi đó do môn trượt băng nghệ thuật còn quá mới mẻ và thể thao Việt Nam cũng không có điều kiện phát triển nên mọi việc đều do các phụ huynh có con đam mê tự mày mò. Được sự hỗ trợ của Tổng cục TDTT và các đơn vị chức năng, Liên đoàn Trượt băng và Roller Việt Nam, với nòng cốt là nhóm phụ huynh có con đang theo trượt băng nghệ thuật được thành lập. Liên đoàn có nhiệm vụ chính là phát triển phong trào và là cơ sở pháp lý cho vận động viên Việt Nam có thể đăng ký tham gia thi đấu tại các giải quốc tế.
Tuy nhiên, đây là môn hoàn toàn xã hội hóa nên để con đi thi đấu, chị Trang phải thuê HLV với mức 600 USD/ngày cùng toàn bộ các chi phí về ăn, ở, vé máy bay, di chuyển. “Khi chúng tôi thuê HLV Arnaud Muccini người Pháp, sau khi tập huấn cùng con, vị HLV này còn chủ động giảm học phí để giúp chúng tôi tiết kiệm chi phí. Đây là vị HLV đã từng huấn luyện nhiều vận động viên vô địch thế giới, Olympic nhưng khi tiếp xúc và thấy được niềm đam mê, quyết tâm của con, HLV Arnaud Muccini đã giúp con có nhiều tiến bộ về kỹthuật để có thể vững vàng ở các đấu trường lớn của thế giới”, chị Trang chia sẻ.
Để có thể trở thành vận động viên trượt băng hàng đầu, đi tiên phong của trượt băng nghệ thuật Việt Nam, cô bé Trần Khánh Linh đã phải hy sinh cả tuổi thơ được vui chơi như chúng bạn. Đến với trượt băng từ khi mới 8-9 tuổi từ các sân băng nghiệp dư trên sân nhà, Linh đã phải rất khó khăn để có thể trở thành vận động viên chuyên nghiệp trong điều kiện sân băng còn nhỏ, với nhiều thành phần cùng chơi. Đến với sân băng thế giới, Linh như từ sông ra biển, trả lời phỏng vấn Báo Văn Hóa khi đang tập luyện trên sân băng đủ điều kiện thi đấu Olympic tại Ostrava, Cộng hoà Séc, Linh cho biết, em đang điều chỉnh kỹthuật từ sân băng nhỏ sang chơi ở sân băng lớn. “Khi tập luyện trên sân Olympic, có kích thước lớn gấp rưỡi sân băng ở nhà em thấy tốc độ bị đuối và chậm hơn. Vì thế em đang dốc sức tập luyện để có thể thi đấu tốt hơn tại giải vô địch thế giới dành cho lứa tuổi thanh thiếu niên sắp tới”, Khánh Linh cho biết.
Để có thể đoạt được tới gần 20 huy chương trong nước và quốc tế, 5 năm liền vô địch Giải trượt băng nghệ thuật Việt Nam, Khánh Linh đã trải qua những tháng ngày tập luyện đầy khó nhọc, những giây phút bật khóc vì nhớ gia đình và những bài tập căng thẳng, kéo dài 10 tiếng tập trong 1 ngày. Nhưng niềm đam mê đã giúp em vượt qua tất cả. Sinh năm 2005, cô gái 17 tuổi, với vốn tiếng Anh tốt (Ielts 7.5), lòng đam mê, hết mình với môn thể thao đầy tính nghệ thuật giờ đã có thể tự tin đi thi đấu, tập huấn nước ngoài một mình.
Với Khánh Linh, việc được gia đình đầu tư, được nhà nước tạo điều kiện để theo đuổi đam mê, được nghe tên Tổ quốc xướng lên trên các đấu trường lớn nhất của trượt băng nghệ thuật quốc tế là niềm hạnh phúc vô bờ bến: “Ước mơ của em là được đại diện cho trượt băng nghệ thuật Việt Nam thi đấu tại các đấu trường lớn nhất thế giới”, Khánh Linh nói đầy hạnh phúc khi cô đang ở Nice (Pháp) tập huấn và chuẩn bị thi đấu tại Giải trượt băng nghệ thuật thanh thiếu niên thế giới, tổ chức tại Séc từ 1 - 3.9.
Năm nay không chỉ có mình Linh đại diện cho Việt Nam, giải đấu còn có thêm sự tham gia của 4 đồng đội nữa. “Như thế là sẽ có 5 lần tên Tổ quốc được reo lên khi BTC gọi tên các VĐV Việt Nam. Chúng tôi, những phụ huynh đã đồng hành cùng các con cũng có chung niềm tự hào vô bờ bến của người Việt Nam. Đặc biệt khi các con thi đấu ở nước ngoài, luôn nhận được sự cổ vũ nhiệt tình của các Kiều bào ta ở nước ngoài. Đó là sự động viên lớn cho các con thi đấu hết mình vì màu cờ, sắc áo của Tổ quốc”, chị Trịnh Trang chia sẻ./.