Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Trường Cao đẳng Lào Cai: Nỗi niềm của thầy trò Khoa Văn hóa-Nghệ thuật

PV - 18:15, 21/05/2019

Khoa Văn hóa-Nghệ thuật thuộc Trường Cao đẳng Lào Cai được biết đến, là nơi đào tạo nghệ thuật cho con em các dân tộc trong và ngoài tỉnh, góp phần bảo tồn và phát huy những nét đặc sắc trong kho tàng văn hóa của đồng bào các DTTS. Tuy nhiên, điều kiện cơ sở vật chất phục vụ cho sinh hoạt, giảng dạy và học tập của hơn 100 thầy và trò ở đây hiện đang xuống cấp trầm trọng.

Dù khó khăn thầy và trò vẫn đang cố gắng vượt qua để hoàn thành chương trình đào tạo. Dù khó khăn thầy và trò Trường Cao đẳng Lào Cai vẫn đang cố gắng vượt qua để hoàn thành chương trình đào tạo.

Dẫn chúng tôi đi thăm khu ký túc xá của khoa, cô Hà Thị Minh Chính, Phó Trưởng Khoa Văn hóa-Nghệ thuật cho biết: Khu ký túc này trước đây thuộc Trường Cao đẳng Sư phạm Lào Cai xây dựng đã hơn 20 năm mà chưa được sửa chữa nên đã xuống cấp, hư hỏng rất nhiều. Tại các phòng ở của học sinh hầu hết đã bị thấm dột, cả khu ký túc có hơn 50 phòng thì hiện chỉ có khoảng 40 phòng còn tạm sử dụng được, còn lại đều bỏ trống vì không bảo đảm an toàn nên khoa không dám bố trí cho học sinh vào ở. Từng mảng tường bị bong tróc, nứt nẻ, trên các mái nhà, rêu xanh, cỏ mọc um tùm chẳng khác nào những khu nhà hoang.

“Hiện, tại cả khoa có 117 em học sinh, sinh viên đang theo học, thì chỉ có 74 em được bố trí ở trong ký túc còn lại các em phải thuê trọ ngoài, gặp rất nhiều khó khăn cả về điều kiện kinh tế cũng như bảo đảm an toàn”, cô Chính bày tỏ lo lắng.

Em Giàng A Súa, ở xã Cán Cấu, huyện Si Ma Cai đang học thanh nhạc năm thứ nhất Khoa Văn hóa-Nghệ thuật bộc bạch: Rất nhiều lần khi đang ngủ, trời mưa các em phải chạy sang ở nhờ các phòng bên cạnh do phòng bị dột. Nhiều hôm đang nấu cơm thì mất điện, mất nước, bạn nào có tiền thì đi ăn cơm bụi ở ngoài, bạn nào hoàn cảnh gia đình khó khăn thì đành nhịn đói.

“Chúng em cũng hỏi các thầy cô thì được nhà trường cho biết, không có tiền để sửa chữa. Chúng em chỉ mong sớm có được nơi ở và học tập bảo đảm an toàn để yên tâm học tập”, em Súa bộc bạch.

Khu ký túc xã đã vậy, còn khu giảng đường phục vụ cho công tác dạy và học của thầy trò trong khoa cũng chẳng khá hơn là mấy. Tại sàn học múa dân gian cách đây hơn 1 tháng khi cả lớp đang học thì nửa phần trần phòng học sập xuống, rất may không có thầy cô và em học sinh nào bị thương. “Để khắc phục tạm, chúng tôi phải mua bạt ni-lông đóng làm trần tránh bụi cho các em học”, cô Chính thông tin.

Cũng theo cô Chính, với đặc thù đào tạo của khoa thì nhiều môn học các em phải được học trong các phòng cách âm, nhưng hiện tại cả khu giảng đường không có nổi một phòng cách âm. Trang thiết bị dạy học như đàn bầu, đàn tính, trống… cũng hỏng rất nhiều nhưng cũng không có kinh phí để mua bổ sung…

Qua tìm hiểu được biết, Khoa Văn hóa-Nghệ thuật, Trường Cao đẳng Lào Cai tiền thân trước đây là Trường Trung cấp Văn hóa-Nghệ thuật và Du lịch tỉnh Lào Cai với chức năng “Đào tạo và liên kết đào tạo cán bộ trung cấp và bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ thuộc các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật và du lịch cho tỉnh Lào Cai và các tỉnh lân cận..”. Trong quá trình tổ chức lại hệ thống các trường chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh, trường giải thể và chỉ còn 2 khoa đó là khoa Du lịch và Khoa Văn hóa-Nghệ thuật. Qua rất nhiều cơ quan chủ quản, đến nay Khoa Văn hóa-Nghệ thuật được đưa về Trường Cao đẳng Lào Cai quản lý.

Ông Hoàng Quang Đạt, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Nhà trường cũng đã nhận được rất nhiều đơn của cán bộ giáo viên trong khoa phản ánh, tuy nhiên, Trường Cao đẳng Lào Cai là đơn vị mới được tổ chức lại và sáp nhập các trường chuyên nghiệp trên địa bàn tỉnh (Trường Trung học y tế, Trường Cao đẳng cộng đồng) nên cũng rất khó khăn về tài chính, “nhà trường cũng chỉ cố gắng bố trí nguồn kinh phí rất hạn chế để khoa có thể sửa chữa tạm. Còn sửa chữa toàn bộ cơ sở hạ tầng phải hàng chục tỷ đồng”, ông Đạt cho hay.

Cũng theo ông Đạt, để tháo gỡ khó khăn về chỗ ở cho học sinh của khoa, thời gian qua, nhà trường phải động viên các em năm thứ 3 ra ngoài thuê ở trọ nhường chỗ cho các em năm nhất mới nhập trường.

Thực tế này khiến cho công tác đảm bảo chất lượng trong đào tạo và học tập gặp rất nhiều khó khăn, ông Đạt cho hay.

TRỌNG BẢO

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.