Theo thông báo của Cơ quan Quản lý Chương trình Vũ trụ có người lái của Trung Quốc (CMSA) nêu rõ: Theo kế hoạch dự án chuyến bay thám hiểm Mặt Trăng có người lái, người Trung Quốc sẽ đặt chân lên Mặt Trăng lần đầu tiên trước năm 2030.
Mục tiêu của chương trình là triển khai cuộc khảo sát khoa học và các thí nghiệm kỹ thuật liên quan Mặt trăng, đột phá và làm chủ các công nghệ cốt lõi như đưa người đi về giữa Trái đất và Mặt trăng, lưu trú ngắn hạn trên bề mặt Mặt trăng, thăm dò chung giữa con người và thiết bị; đồng thời, hoàn thành nhiều nhiệm vụ "đổ bộ, tuần tra, lấy mẫu, nghiên cứu và trở về", hình thành năng lực thám hiểm Mặt trăng có người lái độc lập.
Trong chuyến bay này, 2 phi hành gia sẽ điều khiển tàu thám hiểm Mặt Trăng có người lái để nghiên cứu khoa học. Cơ quan này khẳng định Trung Quốc đang triển khai nghiên cứu và phát triển những thiết bị thế hệ mới nhằm phục vụ tham vọng chinh phục Mặt Trăng.
Thông báo đã chính thức hóa mốc thời gian mà các nhà khoa học Trung Quốc đã đặt ra trước đó giữa lúc Bắc Kinh và Washington tăng cường cuộc đua trong không gian.
Hiện nay, Văn phòng Chương trình Hàng không vũ trụ có người lái Trung Quốc đã triển khai toàn diện các công tác nghiên cứu, chế tạo và xây dựng phục vụ nhiệm vụ đưa người lên Mặt trăng, bao gồm phát triển tên lửa đẩy chở người thế hệ mới (Trường Chinh 10), tàu vũ trụ có người lái thế hệ mới, tàu đổ bộ Mặt trăng, trang phục cho phi hành gia và các sản phẩm khác; đồng thời xây dựng các công trình, trang thiết bị thử nghiệm phóng...