Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Sơn La có gần 20.000ha trồng cây xoài, tập trung chủ yếu ở các huyện: Yên Châu, Mai Sơn, Mường La và Sông Mã. Tuy nhiên, năng suất không ổn định, chất lượng sản phẩm chưa cao. Vì vậy, Dự án Khuyến nông Trung ương giai đoạn 2020-2022 đã hỗ trợ kinh phí thực hiện Dự án mô hình “Thâm canh xoài theo tiêu chuẩn VietGAP” tại các huyện Mai Sơn, Yên Châu. Mô hình đã thực hiện trên quy mô 10ha với 7 hộ tham gia.
Tham gia mô hình, các hộ được chuyển giao kỹ thuật thâm canh xoài theo quy trình VietGAP như: kỹ thuật tỉa cành tạo tán, quản lý dinh dưỡng và cải thiện chất lượng quả thông qua kỹ thuật bao quả. Ngoài hỗ trợ, tư vấn kỹ thuật, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp huyện Yên Châu và Mai Sơn cấp phát phân bón, túi bao quả và thuốc bảo vệ thực vật cho các hộ tham gia mô hình. Trung tâm cũng đã tổ chức các buổi tập huấn quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP) cho quả tươi an toàn, hoàn thiện quy trình và hỗ trợ giấy chứng nhận VietGAP.
Anh Nguyễn Thành Đô (bản Phát, xã Chiềng Mung, huyện Mai Sơn) là một trong 4 hộ tham gia mô hình, quy mô 0,5 ha chia sẻ, trước đây chưa biết và chưa sử dụng bao quả nên quả bị bệnh thán thư, ghẻ xẹo, ruồi vàng tấn công và hỏng nhiều. Sau khi tham gia mô hình, bắt đầu áp dụng kỹ thuật bao quả, chất lượng và mẫu mã quả xoài tốt hơn, sản lượng tăng từ 10 - 20% so với năm trước.
Còn anh Hà Văn Khánh (bản Nà Hạ 2, xã Chiềng Mung) cho biết, sau 2 năm tham gia mô hình, gia đình anh được hướng dẫn cách làm mới. Gia đình anh bắt đầu có sổ sách ghi chép nhật ký sản xuất, tiến hành bao quả từ giai đoạn sớm và bón phân cung cấp dinh dưỡng cho cây theo đúng quy trình kỹ thuật. Vườn xoài Đài Loan của gia đình anh phát triển tốt, chất lượng quả tốt. Vụ xoài năm 2021, gia đình anh thu hoạch trên 20 tấn/1ha.
Vào tháng 6/2021 vừa qua, 25 tấn xoài tượng da xanh của huyện Mai Sơn đã được Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Rồng Đỏ (TP.Hồ Chí Minh), Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Trường Mai (Mai Sơn) thu mua, đóng gói xuất khẩu sang thị trường Australia. Việc xuất khẩu sang Australia đã khẳng định chất lượng sản phẩm xoài của Sơn La, là tiền đề để xuất khẩu sang nhiều thị trường khác.
Còn tại huyện Yên Châu, mô hình “Thâm canh xoài theo tiêu chuẩn VietGAP” có 3 hộ tham gia với quy mô 5ha. Các mô hình triển khai bước đầu đã định hình được quy trình sản xuất và được cấp giấy chứng nhận sản xuất xoài an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP.
Ông Nguyễn Đình Hẹn - thành viên HTX hoa quả Quyết Tâm (bản Pha Cúng, xã Lóng Phiêng) chia sẻ: “Áp dụng kỹ thuật trồng và chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP, tôi thực hiện ghi chép sổ sách đầy đủ, bao trái, chủ động trong việc chăm sóc, phòng ngừa sâu bệnh hại. Vì vậy, năng suất và chất lượng xoài cao hơn. Năm nay năng suất đạt khoảng 30 tấn, tăng 30% so với năm trước”.
Bà Cầm Thị Thắm, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Chủ nhiệm Dự án cũng đã đánh giá: Sau 2 năm thực hiện mô hình “Thâm canh xoài theo tiêu chuẩn VietGAP”, các hộ đã chuyển đổi phương thức chăm sóc truyền thống sang áp dụng quy trình chăm sóc có ghi chép nhật ký sản xuất, tăng cường sử dụng phân hữu cơ, phân vi sinh trong sản xuất, sử dụng các thuốc bảo vệ thực vật đúng cách và bao quả từ giai đoạn sớm. 100% diện tích mô hình được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, năng suất tăng trên 15% so với ngoài mô hình.
Thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng triển khai chương trình quảng bá, giới thiệu sản phẩm xoài, như: Tổ chức hội nghị, hội thảo tham quan nhằm tuyên truyền, tiêu thụ sản phẩm xoài; liên kết giới thiệu với các tổ chức cá nhân, đầu mối tiêu thụ các sản phẩm xoài đạt tiêu chuẩn chất lượng VietGAP.
Sau khi thu hoạch quả, tiếp tục tuyên truyền các hộ tham gia mô hình, chăm sóc xoài theo tiêu chuẩn VietGAP; hướng dẫn các hộ đốn tỉa, tạo tán và chăm sóc xoài để đạt năng suất, chất lượng và hiệu quả cho vụ sau. Từ đó, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống cho bà con nông dân trồng xoài trong tỉnh.
(Bài viết thuộc chuyên đề Khuyến nông với đồng bào DTTS)