Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Trồng mít Thái thế nào để có hiệu quả kinh tế cao?

Như Ý - 10:06, 03/06/2021

Mít Thái là một loại quả giàu chất dinh dưỡng như vitamin A, C, canxi, sắt, kali, ma-giê... rất có lợi cho sức khỏe người dùng. Đặc điểm nổi bật của cây mít Thái là dễ trồng, năng suất cao, đậu trái quanh năm. Từ lúc trồng đến lúc cho thu hoạch lứa đầu chỉ mất khoảng 12-15 tháng. Tuy nhiên, để trồng thành công cây mít Thái mang lại hiệu quả kinh tế cao thì bà con cần lưu ý một số kỹ thuật sau:

Mít thái là loại cây dễ trồng dễ chăm sóc và múi mọng và giòn ngọt
Mít thái là loại cây dễ trồng dễ chăm sóc và múi mọng và giòn ngọt

1. Chọn giống

Không nên nhân giống mít Thái bằng hạt vì bị lai giống và cây lâu cho trái. Nên sử dụng cây ghép có đường kính gốc ghép từ 1 – 1,5cm, cành ghép cao 20 – 30cm (kể từ vết ghép), cây khỏe mạnh, sạch bệnh nhưng phải là dòng F1 thuần chủng thì mới đảm bảo về năng suất và chất lượng. Nên chọn cây có bộ rễ phát triển mạnh; lá đang giai đoạn già; vết ghép tiếp hợp tốt.

Thời vụ và cách trồng:

Thời vụ trồng: Để cây sinh trưởng và phát triển có hiệu quả nhất, nên trồng vào đầu mùa mưa, nghĩa là từ tháng 5 đến tháng 7 dương lịch.

Khoảng cách trồng: Trước khi trồng mít Thái cần làm đất và đắp mô cao từ 50 – 70cm. Sau đó trồng cây lên mô đất. Do mít Thái có khả năng cho trái sớm nên có thể trồng theo mật độ dày, khoảng 3,5m x 3,5m hoặc 4 m x 4m. Sau khi thu hoạch mít từ 5 – 7 năm, có thể loại bỏ cây ở giữa, đảm bảo mật độ giữa các cây mít luôn thông thoáng, giúp cây phát triển và đậu trái tốt hơn.

Trồng và chăm sóc:

Cách trồng: Móc lỗ sâu và to hơn bầu cây đôi chút. Dùng dao, kéo cắt đáy bầu và cắt bỏ đuôi chuột (rễ cọc) bị xoắn lại. Đặt bầu vào lỗ đã móc sẵn và rút nhẹ túi đựng bầu ra bỏ và lấp đất lại, không làm vỡ bầu, đứt rễ. Nếu đất khô phải tưới cho cây ngay, dùng rơm, rạ, cỏ rác... đậy xung quanh bầu để giữ ẩm. Nếu cây cao, ốm yếu dùng cọc cắm cố định cho cây khỏi ngã đổ.

 Tưới nước: Tháng đầu sau khi trồng, nếu khô hạn phải tưới thường xuyên 2-3 ngày/lần. Sau đó, có thể tưới 4-5 ngày/lần. Từ năm thứ hai về sau, tưới cho cây vào giai đoạn mới bón phân và những tháng quá khô hạn. Mít Thái rất sợ úng nên vào mùa mưa lũ, phải kiểm tra kênh mương cống rãnh và có kế hoạch chống úng.

Bón phân:

+ Đối với cây 1 năm tuổi: mỗi tháng bón phân một lần bằng nước phân chuồng hoai pha tỷ lệ 1: 3 (tức 1 phần phân : 3 phần nước), tưới 10 – 15 lít/cây hoặc đạm urê 1% để tưới.

+ Cây 2 – 3 năm tuổi: mỗi cây nên bón 1,5 kg vôi bột, 30 – 50 kg phân chuồng hoai; 0,5 kg urê; 0,5 – 1 kg lân; 0,3 – 0,5 kg kali. Chia làm 4 lần để bón: sau khi thu hoạch, bắt đầu ra hoa, sau khi đậu trái 1 tháng, sau khi đậu trái 2,5 tháng.

+ Cây từ 4 năm tuổi trở lên: lượng phân tăng so với năm trước 0,5 - 1,0 kg/cây. Trong thời gian trái đạt trọng lượng tối đa sử dụng phân bón gốc Kali sulphate (K2SO4), bón mỗi gốc 400-500 g giúp trái chín tập trung, màu thịt trái vàng hơn, mùi vị thơm ngon hơn.

+ Cách bón: Xới rãnh xung quanh theo đường kính tán cây, rắc phân rồi lấp đất, tưới ẩm. Bón càng nhiều phân chuồng hoai thì mít Thái càng sai và chất lượng trái càng ngon.

Tỉa cành, tỉa trái:

Tỉa cành: Tỉa những cành sâu bệnh để cây thông thoáng nhằm tăng năng suất và mang tính thẩm mỹ. Tiến hành tỉa cành khi cây cao khoảng 1 m trở lên, cây còn nhỏ tỉa cành tạo tán 2-3 lần/năm. Cây lớn mỗi năm một lần khi thu hoạch trái xong. Cách tỉa cành mít như sau:

+ Cắt bỏ các cành gần sát mặt đất (từ 40 cm trở xuống).

+ Tỉa bỏ bớt các cành cấp 2, cấp 3... cho cây vừa đẹp vừa thoáng.

+ Giữ lại cành cấp 1 cách gốc khoảng 40 cm trở lên, chọn các cành mọc theo các hướng khác nhau, cành trên cách cành dưới khoảng 40 – 50 cm, tạo thành tầng không quá 5 cành cấp 1.

Tỉa trái: Tỉa bớt trái xấu, trái sâu bệnh, trái nhỏ và cả những trái bình thường cho mật độ trái phù hợp với từng cây.

+ Khi cây 1 năm tuổi: nên tỉa bỏ chỉ chừa một trái/lứa.

+ Năm thứ hai: để 2 trái/lứa, thu hoạch được 4 trái/năm.

+ Năm thứ ba: để 3 trái/lứa, một năm 2 lứa, sẽ được 6 trái và như thế tăng số trái/cây theo từng năm tuổi.

Thu hoạch:

Thu trái chín khi đã thơm, từ 90 – 120 ngày sau khi trổ hoa. Trái mít già, các gai nở căng, chuyển từ màu xanh sang màu xanh vàng hoặc nâu nhạt, mủ lỏng và trong, vỗ kêu bồm bộp. Mít Thái tự chín ở nhiệt độ bình thường, trái mít có thể để lâu trong 6 tuần ở nhiệt độ 11 – 130C, nếu điều kiện bình thường thì để được 7 – 10 ngày./.

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.