Bài 1: Ổn cư trên vùng đất mới
Sau gần 16 năm di dời (2003-2019), nhường đất cho công trình Thủy điện Sơn La, đời sống của người dân tại các khu tái định cư (TĐC) trên địa bàn tỉnh Sơn La đã cơ bản ổn định. Nhưng để giảm nghèo đi lên làm giàu cho người dân ở các điểm TĐC, các cấp chính quyền và các đơn vị liên quan vẫn còn nhiều việc phải làm.
Sinh kế ổn định
Năm 2008, 45 hộ dân tộc Thái của xã Liệp Muội (Quỳnh Nhai) được chuyển về định cư tại bản Quỳnh Châu, xã Phổng Lái (huyện Thuận Châu). Bà con được Nhà nước hỗ trợ làm nhà và được bố trí đất để phát triển sản xuất. Theo đó, diện tích đất được chia theo đầu người, bình quân một nhân khẩu được chia 3.400m2. Có đất để sản xuất nên kinh tế của bà con trong thôn từng bước ổn định.
Ông Mè Văn Dương 86 tuổi, người dân của bản TĐC Quỳnh Châu vui vẻ cho biết: Từ khi chuyển đến nơi ở mới đến nay, cuộc sống của bà con đã ổn định hơn. Gia đình tôi được cấp 1,3ha đất để trồng chè, thu hoạch mỗi năm được 13 tấn chè tươi. Với giá chè hiện nay khoảng 7-8 ngàn đồng/kg thì gia đình có thu nhập khoảng 90-100 triệu đồng/năm. “Có đất để phát triển sản xuất nên bà con yên tâm làm ăn, con cháu được học hành đầy đủ. Chúng tôi rất phấn khởi”, ông Dương cho biết.
Theo Trưởng bản Quỳnh Châu, ông Mè Văn Hốm, khi mới chuyển đến nơi ở mới do địa hình đất đồi, người dân quen với tập quán canh tác cũ là trồng ngô, sắn, lúa nương nên năng suất thấp, đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Từ năm 2012 được chính quyền địa phương vận động chuyển đổi sang trồng cây chè và cây cà phê. Bà con được Nhà nước hỗ trợ cây giống và phân bón, được tập huấn về kỹ thuật trồng và chăm sóc, nên cây chè đạt năng suất cao.
“Sau hơn chục năm chuyển đến nơi ở mới, đời sống của bà con đã khấm khá hơn. Toàn bản hiện có 55 hộ, chỉ còn có 5 hộ nghèo, thu nhập bình quân đầu người của bản khoảng 28 triệu đồng/năm”, anh Hốm cho biết.
Cũng như bản TĐC ở Quỳnh Châu, tại 70 khu, 276 điểm TĐC bố trí cho 12.584 hộ trên địa bàn tỉnh Sơn La thuộc diện di dời, sau gần 16 năm về nơi ở mới, cuộc sống của người dân đã cơ bản ổn định; sinh kế được bảo đảm, góp phần giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo. Theo số liệu của UBND tỉnh Sơn La, so với thời điểm 2003, hết năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo toàn vùng TĐC Thủy điện Sơn La giảm 2,56 lần.
Từng bước tăng thu nhập
Theo ông Đinh Xuân Mến, quyền Trưởng Ban Quản lý Dự án di dân, TĐC tỉnh Sơn La, tỉnh đã tập trung thực hiện đầy đủ, kịp thời các chương trình đầu tư, hỗ trợ các hộ dân TĐC ổn định cuộc sống. Đặc biệt, năm 2013, Ban Quản lý Dự án đã phối hợp với các bộ phận chuyên môn của các bộ, ngành Trung ương xây dựng, rà soát nội dung, danh mục và mức vốn đầu tư Đề án ổn định dân cư phát triển kinh tế-xã hội vùng TĐC Thủy điện Sơn La; tổng mức đầu tư Dự án di dân, TĐC tỉnh Sơn La hơn 16,316 nghìn tỷ đồng.
“Đề án đã xây dựng cơ sở hạ tầng tại tại 70 khu, 276 điểm tái định, trong đó bố trí 12.584 hộ tái định cư, hỗ trợ diện tích đất ở và đất sản xuất là 37.207ha, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo trên địa bàn như: đẩy mạnh phát triển sản xuất theo hướng liên kết hợp tác xã và tạo đầu ra ổn định cho các sản phẩm”, ông Mến cho biết.
Ông Mến dẫn chứng, như ở xã Mường Trai (huyện Mường La), để tận dụng 1.300ha mặt nước lòng hồ Thủy điện Sơn La, chính quyền xã đã định hướng người dân đầu tư nuôi trồng thủy sản. Hiện trên địa bàn Mường Trai có 70 hộ nuôi cá lồng, 1 hợp tác xã nuôi trồng thủy sản và 1 Tổ hợp tác nuôi cá lồng, với tổng số 260 lồng cá các loại như: trắm, chép, rô phi..., và các loại cá đặc sản khác, giá trị kinh tế cao.
Điển hình là gia đình ông Lò Văn Chờ, ở bản Phiêng Xe (xã Mường Trai). Với 10 lồng cá, nuôi các giống cá trắm, chép, rô phi đơn tính, nhờ tuân thủ đúng quy trình mỗi năm, gia đình ông xuất bán khoảng 1 tấn cá thương phẩm, thu về gần 100 triệu đồng.
Mặc dù người dân TĐC trên địa bàn tỉnh Sơn La đã có cuộc sống “tốt hơn nơi ở cũ”, song để cuộc sống của người dân TĐC phát triển ổn định và bền vững các cấp, các ngành cần tiếp tục quan tâm, tháo gỡ những khó khăn vướng mắc phát sinh; Báo Dân tộc và Phát triển sẽ tiếp tục phản ánh tới bạn đọc trong số báo tiếp theo.
Thực hiện Dự án di dân tái định cư Thủy điện Sơn La, từ năm 2003 tỉnh Sơn La đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc và đến ngày 15/4/2010, địa phương đã di chuyển an toàn 12.584 hộ với 58.337 nhân khẩu tại 169 bản của 17 xã thuộc 3 huyện Quỳnh Nhai, Mường La, Thuận Châu đến định cư tại 70 khu, 276 điểm tái định cư tập trung nông thôn, đô thị và xen ghép ở 8/12 huyện, thành phố trong tỉnh.
THÚY HỒNG