Tại cơ quan Công an, Trần Văn Thước khai nhận: Do nghe lời người khác đã tiến hành quay clip tòa nhà nơi mình làm và đăng tải lên mạng xã hội kèm thông tin “sự cố điện” khiến 24 người thiệt mạng. Ngay sau khi nắm được thông tin gây hoang mang dư luận, Công an huyện Gia Lâm đã ngay lập tức xác định không có sự việc như trên xảy ra. Vụ việc 24 người tử vong trong khi lao động hoàn toàn chỉ là thông tin bịa đặt.
Nhìn từ góc độ pháp lý, Luật sư Hoàng Đức Anh, Đoàn luật sư Hà Nội cho biết, việc tung tin đồn thất thiệt thông qua mạng xã hội vì bất cứ lý do gì đều là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy thuộc vào nội dung, mức độ hậu quả nghiêm trọng của việc tung tin đồn mà người vi phạm sẽ đối mặt với việc xử lý hành chính, dân sự hoặc hình sự.
Cụ thể, người tung tin đồn thất thiệt có thể bị phạt từ 20.000.000 đến 30.000.000 đồng với hành vi “cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân”. (Theo Nghị định 174/2013 của Chính phủ.
Nếu nghiêm trọng, người tung tin đồn thất thiệt có thể bị xử lý hình sự về tội vu khống (mức phạt tù từ 3 tháng đến 7 năm).
Có thể nói, để giải quyết tận gốc vấn đề này, bên cạnh các chế tài xử phạt, cơ quan chức năng cũng cần tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, văn hóa của người sử dụng mạng xã hội, nhất là giới trẻ, để từng người sử dụng có ý thức, trách nhiệm hơn khi phát ngôn trên mạng xã hội. Khi tham gia mạng xã hội, mỗi cá nhân phải có trách nhiệm với cộng đồng và chịu trách nhiệm về thông tin mình đăng tải. Và người tiếp nhận cần tỉnh táo trước các thông tin mà mình tiếp nhận, nhất là những thông tin chưa được kiểm chứng.
THIÊN ĐỨC