Ông Hồ Văn Thuần, Chủ tịch UBND xã A Xing cho biết, qua nghiên cứu cây chanh leo phù hợp với chất đất, khí hậu tại địa phương. Trước khi trồng, người dân đã được tìm hiểu kỹ về nguồn giống. Đặc biệt, địa phương đã kết nối với một doanh nghiệp ở Đăk Lăk bao tiêu tiêu sản phẩm cho bà con nên rất yên tâm. “Bước đầu, cây chanh leo đã mang lại nguồn thu nhập khá cho bà con”, ông Thuần cho biết.
Khu vườn nhà rộng gần 1ha đã được gia đình chị Hồ Thị Liên, ở thôn Kỳ Rỹ, xã A Xing quy hoạch, vun xới để trồng chanh leo. Khoảng 1 năm trở lại đây, gia đình chị đã quyết định vay vốn, đầu tư 150 triệu đồng để mua giống chanh leo, xây dựng hệ thống tưới tiêu tự động và dựng cọc, kéo giàn. Nhờ học hỏi, kinh nghiệm của những người đã trồng chanh leo hiệu quả, đồng thời áp dụng khoa học kỹ thuật nên vườn chanh leo gia đình chị Liên cho năng suất khá cao. Lứa thu hoạch đầu tiên đạt thu nhập trên 50 triệu đồng.
Chị Liên cho biết: “Trồng chanh leo không quá phức tạp. Quan trọng nhất vẫn là khâu chọn giống tốt, vì chu kỳ từ khi trồng đến khi thu hoạch năng suất đạt cao nhất trong vòng 2 năm. Quá trình chăm sóc cần tạo độ ẩm, đồng thời có biện pháp hạn chế mưa ngấm nước khi ra quả thì tỷ lệ thành công rất cao. Tôi thấy cây chanh leo rất có triển vọng vì phù hợp với chất đất tại địa phương, giá bán cao so với một số loại cây trồng khác.
Cũng như gia đình chị Liên, hàng chục gia đình ở xã A Xing cũng đã có nguồn thu nhập bước đầu từ loại cây trồng mới này. Được biết, giống chanh leo được các hộ gia đình ở xã A Xing lựa chọn là giống địa phương, có sức kháng bệnh tốt, quả lớn, sai quả, có vị ngọt thanh, thời gian từ khi trồng đến khi thu hoạch là sau khoảng hơn 5 tháng. Trước khi thực hiện mô hình này, các hộ đã được chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động, tư vấn kỹ càng về cách chọn giống, xây dựng giàn, hệ thống tưới tiêu cũng như cách chăm bón, thu hoạch đúng kỹ thuật, quy trình nên bà con nông dân ở đây rất yên tâm đầu tư. Nhờ vậy, năng suất, chất lượng chanh leo thu về đạt khá cao.
Đặc biệt là địa phương đã thực hiện tốt khâu kết nối với doanh nghiệp, nên sản phẩm chanh leo đã được thu mua toàn bộ, với giá cả bình quân từ 15.000-20.000 đồng/kg. Qua hơn 1 năm triển khai, đến nay xã A Xing đã phát triển được gần 5ha chanh leo, số diện tích này đều đang phát triển tốt. “Nhận thấy đây là mô hình phù hợp với địa phương, thu nhập khá cao nên thời gian tới địa phương sẽ vận động, khuyến khích người dân phát triển loại cây này, trong đó ưu tiên chuyển đổi cho những hộ có nhu cầu”, ông Thuần cho biết thêm.
Các mô hình chanh leo ở xã A Xing hiện nay được xem là mô hình điểm, đang được nghiên cứu để nhân rộng, nhất là trong vùng đồng bào DTTS của huyện Hướng Hóa; mở ra một hướng đi phù hợp thay đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao thu nhập cho người nông dân.
Để thực hiện thành công, người dân cần được hỗ trợ về kiến thức khoa học kỹ thuật, vốn vay; nhất là làm tốt khâu liên doanh liên kết với các doanh nghiệp của chính quyền các cấp tìm đầu ra ổn định lâu dài cho nông dân.
ĐỨC VIỆT