Triển lãm có 17 nghề, làng nghề tiêu biểu và 35 nghệ nhân, nghệ sĩ từ ba miền Bắc - Trung - Nam tham gia, với nhiều sản phẩm sáng tạo, độc đáo dựa trên những giá trị tinh hoa truyền thống.
Đây là sự kiện nhằm hưởng ứng ngày Quốc tế Bảo tàng 18/5/2022 và giúp cộng đồng thấy được sức sống trường tồn của di sản văn hóa dân tộc, sức sáng tạo bền bỉ của người Việt, đồng thời tôn vinh các nghệ nhân, những người thợ thủ công.
Theo thống kê của Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, hiện cả nước có trên 5.400 làng nghề, trải dài khắp ba miền với khoảng 50 nhóm nghề, bao gồm: Gốm sứ, mây tre đan, sản phẩm từ cói - lục bình, điêu khắc gỗ, sơn mài, thêu, điêu khắc đá, dệt thủ công, giấy, tranh nghệ thuật, kim khí… Các nhóm nghề, làng nghề đang tạo việc làm cho hàng chục triệu lao động.
Triển lãm được bắt đầu từ sản phẩm của các làng nghề, nghề vẫn bảo tồn được quy trình sản xuất thủ công truyền thống, như làng nghề mây tre đan Phú Vinh (Hà Nội), làng tơ lụa Cổ Chất (Nam Định), làng nghề đúc đồng Phước Kiều (Quảng Nam), làng nghề gốm Bàu Trúc (Ninh Thuận)…
Bên cạnh đó, Triển lãm “Vẻ đẹp của Làng nghề Việt” cũng nhận được sự hưởng ứng của nhiều nghệ sĩ trẻ, cùng nhiều sản phẩm thủ công độc đáo được sáng tạo, phát triển từ cảm hứng văn hóa truyền thống, như nghệ thuật giấy Trúc chỉ - đỉnh cao của nghệ thuật làm giấy thủ công Việt Nam, duy nhất có trên thế giới… hay sản phẩm từ sen độc đáo, tinh xảo...
Trong thời gian diễn ra Triển lãm “Vẻ đẹp của làng nghề Việt”, khách tham quan sẽ được tìm hiểu quy trình sản xuất thủ công của các làng nghề, nghề truyền thống, như các hoạt động trải nghiệm cách làm gốm của người Mnông; đúc đồng thủ công, đan lát, cách chế tác nhạc cụ…
Triển lãm diễn ra từ ngày 15/5 - 15/6/2022.
Một số hình ảnh nghề, làng nghề trưng bày sản phẩm tại Triển lãm