Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Triển lãm di sản văn hóa và nhạc cụ dân tộc Việt Nam tại Pháp

PV - 09:20, 17/02/2022

Theo phóng viên tại Paris, nhân dịp đầu xuân năm mới Nhâm Dần, Trung tâm văn hóa Việt Nam tại Pháp phối hợp với Hội Aurore - Ánh sáng và thành phố Arcueil tổ chức triển lãm về di sản văn hóa và nhạc cụ truyền thống Việt Nam tại tòa thị chính thành phố, từ nay đến hết ngày 17/2.

Biểu diễn nhạc cụ dân tộc. Ảnh: TTXVN
Biểu diễn nhạc cụ dân tộc. Ảnh: TTXVN

Từ Vịnh Hạ Long, Phong Nha Kẻ Bàng, khu dự trữ sinh quyển Kon Hà Nừng..., đến nhã nhạc cung đình Huế, bài chòi Hội An, ca trù Bắc Bộ.., hội trường của tòa thị chính thành phố Arcueil, tỉnh Val-de-Marne, dường như rực rỡ hơn với những bức ảnh giới thiệu các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của Việt Nam được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận. Bên cạnh đó, các trang phục truyền thống đủ màu sắc như áo dài, áo tứ thân, và một số nhạc cụ dân tộc độc đáo của Việt Nam như đàn bầu, đàn T'rưng, đàn đáy... cũng được trưng bày lần đầu tiên tại đây.

Triển lãm không chỉ mời khách tham quan đi du lịch bằng hình ảnh qua các miền di sản, mà còn giúp họ chiêm ngưỡng các trang phục truyền thống và làm quen với nhạc cụ dân tộc, giúp người xem khám phá phần nào kho tàng phong phú về di sản văn hóa các dân tộc Việt Nam. Không những thế, khách tham quan còn được thưởng thức các tiết mục biểu diễn độc đáo bằng nhạc cụ dân tộc do các nghệ sĩ Việt Nam và Pháp trình bày.

Theo bà Trần Thu Dung, Chủ tịch Hội Aurore - Ánh sáng, thành viên ban tổ chức, triển lãm nhằm giới thiệu những di sản văn hóa độc đáo của dân tộc tới bạn bè Pháp và cộng đồng người Việt đang sinh sống, học tập và làm việc tại đây. Sự kiện đã thu hút đông đảo sự quan tâm của người dân địa phương, giúp họ hiểu hơn các nét văn hóa của Việt Nam. Ông Gerard Moiser, Tổng thư ký Hội Auro - Ánh sáng, cũng nhấn mạnh rằng triển lãm không chỉ thể hiện sự độc đáo và ấn tượng thông qua những bức ảnh, hiện vật và cả âm nhạc dân gian, sự kiện còn góp phần tăng cường trao đổi văn hóa giữa Việt Nam và Pháp.

Triển lãm tuy nhỏ, nhưng cũng đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp cho người xem. Chị Damarys Marchand chia sẻ: "Chúng tôi đã có những giây phút tuyệt vời khi vừa được nghe, lại vừa được xem nhiều thứ. Các làn điệu âm nhạc dân tộc rất hay và các loại nhạc cụ cũng rất độc đáo, cùng với tranh ảnh về các di sản, tất cả gói gọn trong khuôn khổ của cuộc triển lãm khiến chúng tôi có cảm giác như đang ở Việt Nam mà chẳng cần phải lên máy bay đến tận nơi". Còn ông Roger Bessiere, Chủ tịch Trung tâm văn hóa Arcueil cho biết đây không phải là sự kiện đầu tiên của các bạn Việt Nam tổ chức ở thành phố này. Ông chia sẻ: "Từ 10 năm nay, họ đã tổ chức nhiều sự kiện và luôn tạo ra sự thú vị, thậm chí các hoạt động đó đã trở thành một phần di sản của thành phố Arcueil và hàng năm, người dân địa phương luôn chào đón họ".

Khách tham quan triển lãm. Ảnh: Thu Hà/TTXVN
Khách tham quan triển lãm. Ảnh: Thu Hà/TTXVN

Ông Nghiêm Xuân Đông, Giám đốc Trung tâm văn hóa Việt Nam tại Pháp, cho biết 2023 tới sẽ là năm Việt Nam và Pháp kỷ niệm 50 thiết lập quan hệ ngoại giao và 10 năm quan hệ đối tác chiến lược. Trung tâm có kế hoạch phối hợp với chính quyền các địa phương ở Pháp để tổ chức những hoạt động có quy mô lớn và đa dạng hơn góp phần chào mừng các sự kiện này, đồng thời cũng để quảng bá văn hóa và du lịch Việt Nam tại Pháp.

Việt Nam có một nền văn hóa rất đa dạng và phong phú với 54 dân tộc cùng sinh sống. Việc giới thiệu ra thế giới những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đã được UNESCO vinh danh và công nhận, những bộ trang phục truyền thống, cũng như những nhạc cụ dân tộc của Việt Nam... sẽ giúp bạn bè Pháp hiểu và thêm yêu những nét văn hóa của một đất nước phương Đông xa xôi nhưng lại rất gần gũi về văn hóa và lịch sử.

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.