Quan tâm tới người yếu thế
Với đặc thù địa hình chủ yếu là đồi núi xen lẫn các khe suối có độ dốc lớn nên vào mùa mưa bão, trên địa bàn huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên thường xảy ra các vụ sạt lở, sụt lún đất làm hư hỏng nhà cửa và các công trình công cộng, thậm chí gây thiệt hại về người, đặc biệt tại xã Văn Lăng.
Văn Lãng là xã có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất huyện với số hộ nghèo đa chiều là 445 hộ, chiếm tỉ lệ 30,93% (trong đó 339 hộ nghèo và 119 hộ cận nghèo) đời sống Nhân dân còn gặp nhiều khó khăn nhất là ở tại 2 xóm có đông đồng bào dân tộc Mông sinh sống là xóm Liên Phương và xóm Bản Tèn.
Chúng tôi được chị Hoàng Thị Bích Mai, cán bộ Văn hóa xã Văn Lăng dẫn đi 1 vòng thăm những hộ chịu ảnh hưởng lớn của các đợt mưa lũ tại xóm Liên Phương. Đến con dốc nhỏ, cảnh tượng xung quanh khiến chúng tôi có chút hãi hùng, bởi đất đá sạt lở lấp gần 1 nửa đường, phía bên trên từng là nơi sinh sống của hộ gia đình ông Lý Văn Mái, dân tộc Mông.
Ông Ngô Huy Sợi, Trưởng thôn Liên Phương dẫn chúng tôi đi theo rãnh thoát nước (cũng là con đường đi tạm thời của 2 hộ dân còn đang sinh sống ở khu vực có nguy cơ sạt lở cao) để lên thăm nền nhà của ông Lý Văn Mái, nay chỉ còn lại những mảnh bê tông vỡ vụn. Ông Sợi cho biết, năm 2023, vị trí nhà ở của nhà ông Mái bị sạt lở nên gia đình ông đã được chính quyền địa phương và Nhân dân hỗ trợ di dời đến vị trí an toàn hơn, ở đối diện bên kia đường. Ông Sợi nhận định, nếu chính quyền địa phương không kiên quyết vận động nhà ông Mái chuyển nhà, thì hậu quả khó mà tưởng tượng được.
Chị Hoàng Thị Xúa, con dâu của ông Mái kể với chúng tôi, mấy năm trước khi đất bị sạt đến gần mép nền nhà, được sự vận động của chính quyền địa phương nên gia đình đã chuyển sang nơi ở mới an toàn hơn. Chính quyền địa phương đã huy động lực lượng dân quân xã, các tổ chức đoàn thể thôn, xã đến dỡ, đi chuyển và hỗ trợ kinh phí 10 triệu đồng.
Chị Xúa cười vui, chị được biết tới đây gia đình chị sẽ được di chuyển sang khu tái định cư tập trung mới, cách đây gần 1 cây số an toàn hơn, đông vui hơn, chắc chắn cuộc sống gia đình chị sẽ được ổn định.
Chung niềm vui với chị Xúa và 63 hộ dân khác, bà Sầm Thị Mai, sinh năm 1960, dân tộc Mông cũng chia sẻ, trước kia nhà bà ở trên núi cao mới chuyển xuống đây hơn 4 năm. Tuy nhiên, mấy năm gần đây, gần khu vực nhà bà xảy ra tình trạng sụt lún mất an toàn, có lúc mưa lũ bà lo lắng mà không dám ngủ, sợ nhưng không biết chuyển đi đâu. Khi biết được gia đình mình cũng thuộc diện được hỗ trợ chuyển sang khu tái định mới, bà vui lắm, chỉ biết cảm ơn Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương đã quan tâm đến gia đình mình.
Đảm bảo an cư cho đồng bào DTTS
Theo bà Trần Thị Anh Hoa, Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Đồng Hỷ, để sớm giúp các hộ dân có nguy cơ sạt lở cao ổn định cuộc sống, các cấp, các ngành huyện Đồng Hỷ, đặc biệt là Ban quản lý đầu tư xây dựng huyện đã và đang nỗ lực triển khai thực hiện Dự án 2, Chương trình MTQG 1719.
Theo bà Hoa, hiện nay huyện Đồng Hỷ đang khẩn trương xây dựng 2 khu tái định cư tập trung, với nguồn vốn 32 tỷ 884 triệu đồng, cho 65 hộ đồng bào dân tộc Mông ở xóm Bản Tèn (30 hộ) và xóm Liên Phương (35 hộ) thuộc xã Văn Lăng. Đây là các hộ dân sinh sống ở khu vực ven suối, núi đá, vùng xa xôi hẻo lảnh, nơi có nguy cơ xảy ra thiên tai lũ quét, giúp đồng bào yên tâm ổn định cuộc sống lâu dài.
Các khu tái định cư tập trung được xây dựng đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, đảm bảo đất ở, đất công cộng (nhà văn hóa), đất cây xanh, đất hạ tầng kỹ thuật, đất giao thông…Đặc biệt, không gian kiến trúc cảnh quan trong khu vực quy hoạch có tính chất khu nhà ở kết hợp với những nét kiến trúc riêng của đồng bào DTTS; các khoảng không gian được thiết kế hài hòa giữa khu ở với khu cộng cộng văn hóa và khu vui chơi giải trí là các cây xanh; khu vực cây xanh cảnh quan kết hợp giữa hệ thống cây xanh, đường dạo tạo ra môi trường sống thân thiện với thiên nhiên, nâng cao chất lượng sống cho người dân.
Theo ông Vũ Quang Dũng, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Đồng Hỷ, song song với việc đảm bảo an cư cho đồng bào DTTS, huyện Đồng Hỷ còn tích cực triển khai thực hiện tốt công tác dân tộc, các chính sách dân tộc, các Chương trình MTQG, đặc biệt là Chương trình MTQG 1719.
Theo đó, thực hiện Chương trình MTQG 1719, huyện Đồng Hỷ đã hỗ trợ 35 hộ xây mới nhà ở; xây dựng 05 công trình nước sinh hoạt tập trung; hỗ trợ 1.057 hộ sử dụng nước sinh hoạt phân tán; hỗ trợ xây dựng mới, sửa chữa 22 nhà văn hóa; 29 công trình đường giao thông, cống qua đường; 01 công trình lớp học.
Đặc biệt đầu tư tuyến đường từ xóm Khe Hai đi xóm Văn Khánh (xã Văn Lăng) với chiều dài 6,45 km, số vốn gần 15 tỷ đồng; tuyến đường bê tông xóm Bản Tèn dài 2,31 km, số vốn gần 12 tỷ đồng. Hai tuyến đường này giải quyết cơ bản về giao thông ở những xóm có nhiều đồng bào dân tộc Mông sinh sống.
Một trong những dự án nổi bật là vào năm 2023, đã triển khai mô hình liên kết trồng, tiêu thụ sâm Bố Chính tại Bản Tèn (xã Văn Lăng) với diện tích 3ha. Sau khi thu hoạch vụ sâm đầu tiên với nhiều tín hiệu tích cực, năm 2024, Công ty tiếp tục liên kết với 30 hộ dân xóm Bản Tèn triển khai trồng 7ha sâm Bố Chính. Các hộ được hỗ trợ 100% giống, phân bón hữu cơ, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm bón và bao tiêu sản phẩm…