Kiểm soát chặt đường mòn, lối mở
Đại tá Bùi Văn Nhị, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Cao Bằng cho biết, tỉnh Cao Bằng có 3 cửa khẩu phụ gồm Hạ Lang, Lý Vạn (huyện Hạ Lang), Pò Peo (huyện Trùng Khánh) và 9 lối mở qua biên giới cùng rất nhiều lối mòn dân sinh. Đây là khu vực người dân thường xuyên qua lại nhưng người dân rất chủ quan trong phòng chống dịch. Do đó thời gian qua, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Cao Bằng đã chỉ đạo các đơn vị tăng cường kiểm soát người dân qua lại khu vực cửa khẩu phụ, lối mở và các khu vực khác trên biên giới.
Các đồn Biên phòng tham mưu địa phương huyện, xã biên giới chỉ đạo lực lượng chức năng phối hợp với BĐBP kiểm soát dịch, trao đổi với lực lượng biên giới nước bạn để kiểm soát cư dân qua lại biên giới. Cùng với kiểm soát chặt chẽ các tuyến biên giới, BĐBP tỉnh còn tổ chức phát khẩu trang miễn phí cho người dân.
Anh Đàm Văn Bành, người dân xóm Đông Căm, xã Tri Phương, huyện Trà Lĩnh cho biết, trên địa bàn có đường mòn qua mốc 757. Bình thường, người dân vẫn qua lại đi nương, chăn thả gia súc. Tuy nhiên, từ khi được chính quyền thông tin về dịch virus corona bùng phát tại Trung Quốc, người dân đã không qua lại đường mòn này.
Cùng với việc kiểm soát chặt đường mòn, lối mở, các địa phương biên giới cũng tích cực áp dụng nhiều biện pháp khác nhau trong phòng chống dịch, như chủ động áp dụng công nghệ thông tin (CNTT) để khuyến cáo, hướng dẫn người dân phòng tránh bệnh.
Bà Lê Ngọc Hân, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Quảng Ninh cho biết, việc ứng dụng CNTT trong tuyên truyền, khuyến cáo người dân có ý nghĩa vô cùng quan trọng, bởi trong thời đại hiện nay, nhiều người dùng điện thoại thông minh. Đây là cách tiếp cận đến người dân một cách nhanh nhất, chính xác, ngắn gọn và dễ hiểu, giúp tiết kiệm chi phí, thời gian.
Thay vì việc in tờ rơi để phát cho người dân hay khách du lịch, Quảng Ninh sử dụng tin nhắn, bảng thông báo để người dân có thể tiếp cận và nắm được. Đồng thời, các thông tin về dịch bệnh được cập nhật liên tục trên cổng thông tin điện tử của tỉnh, báo, truyền hình, đài phát thanh.
Sở TT&TT tỉnh đã làm việc với các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tỉnh như Viettel, Mobiphone, Vinaphone nhắn tin cho tất cả các thuê bao di động trên địa bàn về cách phòng ngừa dịch theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) để người dân chủ động phòng ngừa ngay từ ban đầu.
Quảng Ninh còn sử dụng mạng xã hội như zalo, facebook, nhắn tin để tuyên truyền, khuyến cáo, cung cấp thông tin cho người dân, cho các cơ quan truyền thông. Trung tâm điều hành thành phố thông minh cũng được sử dụng để cung cấp những thông tin cập nhật, khuyến cáo người dân chủ động phòng tránh.
Đồng thời, Sở Y tế Quảng Ninh đã thành lập 3 nhóm giám sát, hỗ trợ công tác đáp ứng điều trị tại các cơ sở điều trị trong toàn ngành từ 30/1; cấp phát bổ sung môi trường lấy mẫu bệnh phẩm cho các đơn vị; bổ sung vật tư phòng chống dịch.
Hy vọng rằng, các biện pháp tích cực này sẽ góp phần nâng cao ý thức của người dân, hạn chế mức thấp nhất sự lây lan của dịch bệnh, qua đó giúp cho các địa phương ổn định tình hình, phát triển sản xuất.