Hầu hết trẻ em bị nhiễm virus corona SARS-CoV-2 đều phát bệnh nhẹ hoặc không có triệu chứng gì. Nhưng đối với một tỷ lệ nhỏ, các biến chứng nghiêm trọng có thể phát triển.
"Tỷ lệ tử vong ở trẻ em mắc các bệnh suy giảm miễn dịch nguyên phát nhiễm SARS-CoV-2 cao hơn nhiều. Kết quả nghiên cứu của chúng tôi chỉ ra rằng, nên tiến hành kiểm tra miễn dịch cơ bản và phân tích di truyền ở những trẻ mắc hội chứng đa viêm hoặc COVID-19 nghiêm trọng (MIS-C)”, Giáo sư Qiang Pan-Hammarström (Khoa Khoa học Sinh học và Dinh dưỡng, Viện Karolinska), người đứng đầu cuộc nghiên cứu cho biết.
Việc nhiễm trùng ảnh hưởng như thế nào đến những bệnh nhân mắc các bệnh suy giảm miễn dịch nguyên phát (tức là các bệnh di truyền và bẩm sinh của hệ thống miễn dịch) vẫn đang còn nhiều tranh cãi. Ngay cả trong số những bệnh nhân này, một số bị COVID-19 nghiêm trọng, trong khi những người khác bị nhẹ hoặc không có triệu chứng gì.
Để điều tra kỹ hơn vấn đề này, các nhà nghiên cứu của Viện Karolinska đã nghiên cứu những bệnh nhân trẻ tuổi mắc bệnh suy giảm miễn dịch nguyên phát (còn gọi là lỗi miễn dịch bẩm sinh) bị SARS-CoV diễn biến nặng. Theo đó, các phân tích di truyền và miễn dịch đã được thực hiện.
Nghiên cứu bao gồm 31 trẻ em từ 5 tháng đến 19 tuổi. Tất cả trẻ em đều mắc một số loại bệnh suy giảm miễn dịch nguyên phát mà không có chẩn đoán phân tử và bị COVID-19 nặng hoặc nguy kịch. Những người tham gia được tuyển chọn tại Iran năm 2020 và đều chưa được tiêm chủng phòng ngừa COVID-19.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, 11 trong số 31 trẻ em đã chết vì các biến chứng của nhiễm trùng. 5 trẻ em bị hội chứng đa viêm. Một số trẻ em thiếu kháng thể đối với virus corona SARS-CoV-2.
Phó Giáo sư Hassan Abolhassani (Khoa Khoa học Sinh học và Dinh dưỡng, Viện Karolinska), đồng thời là tác giả đầu tiên của nghiên cứu cho biết: “Kết quả nghiên cứu đã cho thấy, trẻ em mắc loại bệnh miễn dịch này không thể tạo ra kháng thể kháng vi-rút, do đó sẽ không có lợi ích đầy đủ của việc tiêm chủng.
Các phân tích di truyền cũng cho thấy, 28 trẻ em (trên 90%) những người tham gia có đột biến trong các gen quan trọng đối với khả năng bảo vệ miễn dịch của cơ thể. Điều đó có thể giải thích cho tình trạng suy giảm miễn dịch của họ. Một cơ chế quan trọng là đột biến ảnh hưởng đến các protein điều chỉnh hệ thống miễn dịch trong quá trình nhiễm virus, được gọi là interferon.
Nghiên cứu cũng chỉ ra một đánh giá tài liệu, trong đó các nhà nghiên cứu trên toàn cầu đã tìm thấy báo cáo của khoảng 1.210 bệnh nhân mắc bệnh suy giảm miễn dịch nguyên phát và COVID-19. Khoảng 30% trong số họ là trẻ em. Tỷ lệ tử vong ở trẻ em mắc bệnh suy giảm miễn dịch nguyên phát và COVID-19 là hơn 8%, so với khoảng 0,01% ở trẻ em trong dân số chung.
Nghiên cứu chỉ giới hạn ở những trường hợp nhiễm COVID-19 nghiêm trọng, bị nhiễm chủng vi rút ban đầu và trẻ em không được tiêm chủng. Cần có các nghiên cứu sâu hơn để đánh giá tầm quan trọng của các biến thể virus và vắc xin khác nhau trong nhóm bệnh nhân này.
Nghiên cứu được thực hiện trong Hiệp hội nghiên cứu ATAC, được tài trợ bởi Ủy ban Châu Âu để ứng phó với đại dịch COVID-19 và được điều phối bởi Viện Karolinska Institutet. Hợp tác với Đại học Uppsala, Đại học Khoa học Y tế Tehran (Iran), Đại học Khoa học Y tế Iran, Đại học Khoa học Y khoa Ahvaz Jundishapur (Iran), Đại học Khoa học Y khoa Bắc Khorasan (Iran), Viện Y khoa Howard Hughes (Mỹ), Đại học Rockefeller (Mỹ). Bệnh viện Necker dành cho trẻ em bị ốm (Pháp) cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện nghiên cứu.
Nghiên cứu cũng được tài trợ bởi Hội đồng Nghiên cứu Thụy Điển và Quỹ Knut and Alice Wallenberg.