Mô hình thiết thực
Trong buổi tổng kết Dự án “Nâng cao chất lượng chăm sóc và giáo dục cho trẻ em dân tộc thiểu số và khó khăn” (Dự án) vào cuối tháng 11 vừa qua, ông Trương Quốc Cần, Viện trưởng CISDOMA cho biết, từ năm 2016, Dự án được triển khai tại huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu với tổng ngân sách khoảng 13 tỷ đồng.
Ông Cần cho biết thêm, Tam Đường là một trong những huyện khó khăn của tỉnh Lai Châu. Đây là nơi tập trung nhiều đồng bào DTTS sinh sống như Dao, Thái và Mông. Đáng chú ý ở 3 xã Tả Lèng, Nùng Nàng và Khun Há, người Mông chiếm tới 90% dân số, nơi đây trẻ em còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình học tập. Rào cản ngôn ngữ cùng với phương pháp giảng dạy hạn chế, điều kiện kinh tế gia đình khó khăn khiến trẻ em DTTS không được học tập một cách tích cực và chủ động, là một trong những nguyên nhân dẫn tới kết quả học tập kém, các em bỏ học giữa chừng và mất đi nhiều cơ hội trong suốt cả cuộc đời.
Để khắc phục vấn đề này, Dự án đã thí điểm áp dụng phương pháp giảng dạy lấy học sinh làm trung tâm và giáo dục dựa trên tiếng mẹ đẻ. Theo đó, Dự án đã khuyến khích phụ huynh tham gia cùng giáo viên giảng dạy ngôn ngữ cho trẻ. Học sinh cũng được tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa.
Đặc biệt, Dự án áp dụng phương pháp giáo dục sử dụng hai ngôn ngữ là tiếng mẹ đẻ và tiếng Việt. Dự án đã xây dựng thí điểm bộ tài liệu giáo dục bổ trợ song ngữ bằng tiếng Việt và tiếng Mông. Tập tài liệu này gồm 55 câu chuyện ngắn, được giáo viên địa phương ở các trường mầm non và tiểu học huyện Tam Đường sáng tác, biên soạn.
Cần nhân rộngTrẻ thích đến trường hơn nhờ phương pháp dạy tích cực.
Đánh giá việc triển khai Dự án, bà Tẩn Mý Khé, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lai Châu cho biết: “Vì các em được trải nghiệm phương pháp dạy học tích cực, các em vui hơn khi đến trường, được chăm sóc chu đáo nên không muốn nghỉ học ở nhà nữa. Dự án cũng đã nâng cao nhận thức, kiến thức cho phụ huynh, từ đó nhận thức cả cha mẹ tăng lên và phối hợp cùng nhà trường chăm sóc, nuôi con rất tốt.”.
Ông Trương Quốc Cần cho biết thêm, qua khảo sát hơn 1.000 học sinh từ mầm non đến tiểu học của 3 dân tộc Mông, Jrai và Khmer ở 3 tỉnh Lào Cai, Gia Lai và Trà Vinh, chúng tôi thấy rằng, việc triển khai chương trình giáo dục song ngữ trên cơ sở tiếng mẹ đẻ (Tiếng Việt-Tiếng DTTS) đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục ở vùng sâu, vùng xa. Các em đạt được tiến bộ không chỉ ở những môn khoa học tự nhiên, mà cả ở những môn khoa học xã hội, nhất là môn tiếng Việt. Tỷ lệ xếp loại khá, giỏi của học sinh học song ngữ cao hơn hẳn so với học sinh không học.
Từ những kết quả trên, các chuyên gia cho rằng, cần tăng cường nhân rộng mô hình giáo dục song ngữ cho trẻ em DTTS. Tài liệu song ngữ cần được lấy ý kiến rộng rãi và thử nghiệm cẩn thận trước khi áp dụng trên diện rộng, đặc biệt là hỏi ý kiến người dân. Khi thực hiện Dự án song ngữ, cần có đánh giá cẩn thận, đầy đủ, trong đó phải lường hết các khó khăn khi thực hiện chính sách để có những sự điều chỉnh, hỗ trợ phù hợp.
THIÊN ĐỨC