Dự án “Trao quyền kinh tế cho thanh niên dân tộc thiểu số tại Lai Châu” do Bộ Ngoại giao Nhật Bản và Tổ chức Plan International Nhật Bản tài trợ, thực hiện trong 3 năm. Tại tỉnh Lai Châu, Dự án được triển khai trên địa bàn huyện Phong Thổ năm thứ nhất từ tháng 3/2021-2/2022, năm thứ 2 từ tháng 3/2022-2/2023 với ngân sách đầu tư lần lượt qua các năm là 3,1 tỷ đồng, 4,9 tỷ đồng. Dự án được triển khai ở 5 xã gồm: Dào San, Bản Lang, Nậm Xe, Khổng Lào, Hoang Thèn. Qua 2 năm đầu triển khai, Dự án đã có nhiều hoạt động đào tạo sinh kế, thúc đẩy bình đẳng giới, tạo môi trường cho thanh niên phát triển.
Kết quả nổi bật là Dự án đã giúp đào tạo, tập huấn và hỗ trợ triển khai 4 mô hình sinh kế về nuôi gà, ong, trồng lạc, đậu tương cho 800 thanh niên; đào tạo về kỹ năng sử dụng máy tính cơ bản cho 225 học viên; tập huấn về kỹ năng xanh, áp dụng các biện pháp thân thiện với môi trường trong trồng trọt, chăn nuôi; tổ chức 40 lớp tập huấn, 30 sự kiện thôn bản, sinh hoạt định kỳ 10 câu lạc bộ về bình đẳng giới; xây dựng 4 trung tâm học tập cộng đồng (tại Bản Lang, Hoang Thèn, Khổng Lào, Nậm Xe), cung cấp trang thiết bị và tổ chức tập huấn về quản lý, sử dụng, bảo trì trung tâm…
Thông qua Dự án đã xây dựng môi trường thuận lợi cho thanh niên DTTS tại huyện Phong Thổ vượt khó, vươn lên phát triển kinh tế, tăng thu nhập từ các hoạt động sinh kế. Bình quân 4 mô hình sinh kế triển khai mang lại tiền lãi từ trên 1 triệu đến gần 3 triệu đồng/chu kỳ chăn nuôi, trồng trọt.
Phát huy kết quả đạt được, trong năm thứ 3 (từ tháng 3/2023 - 2/2024), Dự án tiếp tục xây dựng, hỗ trợ trang thiết bị cho trung tâm học tập cộng đồng tại xã Dào San; tổ chức tập huấn, triển khai các mô hình trình diễn về trồng trọt, chăn nuôi, quản trị kinh doanh về chế biến thực phẩm cho đoàn viên… với kinh phí 3,5 tỷ đồng.
Tại Hội nghị, đại diện các thanh niên đã chia sẻ những khó khăn, thuận lợi trong thực hiện mô hình chăn nuôi gà đẻ trứng và ấp trứng, sản xuất và tiêu thụ chuối sấy tăng thu nhập; đề xuất giải pháp thực hiện trong năm thứ 3. Chị Pờ Thị Thắm - một trong các thanh niên được hỗ trợ về mô hình nuôi gà tại xã Khổng Lào chia sẻ: Trung bình mỗi tháng mô hình đem lại thu nhập cho gia đình hơn 2 triệu đồng. Chị thấy mô hình này rất phù hợp cho các hộ gia đình, vừa đem lại thu nhập vừa cải thiện bữa ăn cho gia đình. Chị tiếp tục duy trì mô hình và hướng dẫn mọi người về kỹ thuật kinh nghiệm đã học được.
Ông Otsuka Mitsuru - Bí thư thứ Nhất Bộ Ngoại giao Nhật Bản (đại diện nhà tài trợ) nhấn mạnh: Dự án bắt đầu từ 2021 với mục tiêu xây dựng môi trường thuận lợi cho thanh niên DTTS Lai Châu gia tăng thu nhập từ các hoạt động sinh kế, không bị hạn chế bởi những tập tục, kiến thức và kỹ thuật truyền thống địa phương. Bí thư thứ Nhất Bộ Ngoại giao Nhật Bản trân trọng cảm ơn những nỗ lực của các đối tác và thanh niên trực tiếp tham gia để tạo ra thành công cho Dự án. Đồng thời mong muốn, trong năm thứ 3, Dự án tiếp tục nhận được sự quan tâm của chính quyền địa phương và sự tham gia nhiệt tình của thanh niên dân tộc thiểu số để đạt nhiều thành công hơn nữa.
Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Thổ Mai Thị Hồng Sim đề nghị triển khai xây dựng kế hoạch đảm bảo tiến độ, lồng ghép các nguồn lực địa phương với nguồn lực của Dự án để thực hiện hiệu quả; duy trì những mô hình hiệu quả, những kết quả đạt được, đảm bảo tính bền vững. Huyện cam kết thực hiện nghiêm túc nguồn kinh phí đối ứng theo đúng quy định. Thời gian tới, huyện mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm hỗ trợ, huy động thêm nguồn kinh phí hỗ trợ mô hình sinh kế cho thanh niên và phụ nữ, góp phần xóa đói giảm nghèo, từng bước phấn đấu đưa huyện Phong Thổ ra khỏi huyện nghèo vào năm 2025.