Không ít lần dư luận xôn xao trước những cảnh tượng đốt mã to như ngựa, voi thật tốn từ vài triệu đến vài trăm triệu, cá biệt có những người đốt một lần đến cả tỷ đồng. Hay có những lễ mà người ta cúng cả một con bò lên trước đền thánh. Thậm chí, gần đây “cửa hàng thời trang vàng mã” còn cho ra đời cả những bộ “thời trang áo tắm” vô cùng phản cảm.
Cõi âm còn được gọi là tâm linh, có nghĩa là sự linh nghiệm đến từ tâm cảm, tâm thức. Như đã nói từ đầu, “trần sao, âm vậy” là lối duy cảm, duy tình chứ không phải là tư duy vật chất thông thường. Bởi vậy, lấy thước đo vật chất như sự hoành tráng của lễ vật, đốt cả áo tắm, áo lót cho người âm là một lối suy nghĩ thiển cận, sai lầm thậm chí còn là báng bổ.
Xin được nhắc lại rằng, tâm linh là sự linh ứng, linh nghiệm trước hết đến từ cái tâm của mỗi người. Do vậy, “trần sao, âm vậy” cần được hiểu theo đúng nghĩa ban đầu vốn có của nó. Nghĩa là người trần mong muốn những thứ tốt đẹp đến với mình như sự bình yên, công việc thuận lợi, được người khác quan tâm, kính trọng… Thì có lẽ cõi âm cũng như trần mong muốn được người trần tưởng nhớ, thành kính và ngưỡng vọng. Vì thế, từ xa xưa mỗi cộng đồng thường có những biểu lộ thành kính ấy bằng các hình thức khác nhau, như thắp hương, thắp nến, cầu nguyện… hành động ấy chỉ là hình thức chứ không phải là nội dung. Do vậy, lễ vật to hay nhỏ chắc chắn không phải là điều quan trọng mà quan trọng là tâm người đó có đủ sáng không, có đủ lòng thành kính hay chưa?
Tin tưởng ở cõi tâm linh là tin tưởng vào những điều tốt đẹp, sự cao thượng của các bậc tiền nhân, thánh thần. Bởi vậy chỉ khi nào cái tâm thật trong sáng, hành động chính trực thì mới mong được “phù hộ độ trì”.
KẺ SĨ