Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Trà Vinh thúc đẩy xây dựng nông thôn mới bền vững từ sản phẩm du lịch đặc trưng

Như Tâm - 08:54, 30/11/2024

Trà Vinh đang hoàn thiện hồ sơ để trình Trung ương xét công nhận tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (NTM). Đây là “quả ngọt” cho quyết tâm của Trà Vinh, trong đó có nỗ lực không ngừng nghỉ của ngành Nông nghiệp tỉnh. HIện nay, Trà Vinh đã và đang phát huy thành quả xây dựng NTM để phát triển du lịch, với “mũi chủ công” là các sản phẩm du lịch nông nghiệp đặc trưng. Phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển đã có cuộc phỏng vấn ông Trần Trường Giang, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh xung quanh nội dung này.

Trà Vinh tăng cường mở rộng sản phẩm du lịch đặc trưng thu hút khách du lịch
Trà Vinh tăng cường mở rộng sản phẩm du lịch đặc trưng thu hút khách du lịch

Tỉnh Trà Vinh có dân số trên 01 triệu người, với 03 dân tộc chính là Kinh, Khmer, Hoa. Toàn tỉnh có 106 xã, phường, thị trấn (trong đó có 59 xã, phường, thị trấn có trên 20% đồng bào dân tộc Khmer sinh sống). Hiện các xã vùng đồng bào DTTS của tỉnh đều đã đạt chuẩn NTM. Tỉnh phấn đấu đến năm 2029, 100% số xã vùng đồng bào DTTS đạt chuẩn NTM nâng cao.

Phóng viên: Ông có thể chia sẻ một số kết quả nổi bật trong xây dựng NTM của tỉnh Trà Vinh?

Ông Trần Trường Giang: Qua hơn 13 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn tỉnh Trà Vinh đồng tình ủng hộ, tích cực tham gia bằng hành động, việc làm cụ thể.  Theo đó, bằng nhiều cách làm hay, sáng tạo, tỉnh đã tập trung mọi nguồn lực, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc từng bước hoàn thành các tiêu chí NTM.

Đến nay, tỉnh Trà Vinh đã đạt được một số kết quả nổi bật như: có 100% xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 51/85 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 9 xã NTM kiểu mẫu; 9/9 huyện, thị xã, thành phố được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, 2 huyện (Tiểu Cần và Cầu Kè) đạt chuẩn NTM nâng cao. Thực hiện hoàn thành 08/08 nội dung tỉnh NTM, đã trình hồ sơ để Trung ương xem xét.

Bộ mặt nông thôn của tỉnh có nhiều khởi sắc, kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội ngày càng đồng bộ, hoàn thiện theo hướng hiện đại. Ðời sống vật chất và tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao; khoảng cách giữa thành thị và nông thôn ngày càng thu hẹp; an ninh trật tự, an toàn xã hội ở nông thôn được bảo đảm.

Ông Nguyễn Trường Giang, Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh chia sẻ với báo Dân tộc và Phát triển
Ông Trần Trường Giang, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Trà Vinh chia sẻ với Phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển

Phóng viên: Người dân Trà Vinh đánh giá như thế nào về thành quả xây dựng NTM của tỉnh, thưa ông?

Ông Trần Trường Giang: Xác định người dân là chủ thể thụ hưởng trong xây dựng NTM với phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng lợi”, những năm qua, các cấp ủy, chính quyền địa phương chú trọng phát huy vai trò của người dân. Đặc biệt, phát huy quyền làm chủ của người dân trong việc trực tiếp tham gia các công việc cụ thể để hoàn thành các tiêu chí xây dựng NTM.

Mức độ hài lòng về xây dựng NTM của Nhân dân được xem là thước đo chính xác về kết quả xây dựng NTM của các địa phương. Vì vậy, việc tổ chức lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của người dân trong xây dựng NTM, là nhiệm vụ quan trọng được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) tỉnh cụ thể hóa và hướng dẫn đối với từng nội dung, tiêu chí. 

Theo đó, ngày 24/6/2024, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Trà Vinh đã ban hành Kế hoạch số 25/KH-MTTQ-BTT về tổ chức lấy ý kiến sự hài lòng của người dân về kết quả xây dựng tỉnh Trà Vinh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM năm 2024. Kết quả lấy ý kiến Nhân dân với tỷ lệ hài lòng đạt 99,53% – 99,95%. Kết quả này cho thấy, người dân trên địa bàn tỉnh rất hài lòng với thành quả xây dựng NTM của tỉnh.

Việc tổ chức lấy ý kiến hài lòng của người dân, không phải để hoàn thiện thủ tục theo quy định, mà để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, đề xuất và phát huy vai trò làm chủ của người dân. Qua đó, thể hiện được ý chí, nguyện vọng và sự tham gia giám sát của người dân trong xây dựng NTM theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Trường Giang trao đổi với Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau về định hướng nghiên cứu mô hình kinh tế của cây dừa tại tỉnh Trà Vinh.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Trường Giang trao đổi với Công ty Cổ phần Phân bón Dầu khí Cà Mau về định hướng nghiên cứu mô hình kinh tế của cây dừa tại tỉnh Trà Vinh

Phóng viên: Theo ông, thành quả xây dựng NTM sẽ có tác động như thế nào đến mục tiêu phát triển du lịch của tỉnh. Ngược lại, vùng nông thôn của tỉnh sẽ được hưởng lợi gì khi du lịch có sự phát triển đột phá, thưa ông?

Ông Trần Trường Giang: Tỉnh Trà Vinh xác định phát triển du lịch và xây dựng NTM là 02 nhiệm vụ trọng tâm, tác động hỗ trợ tích cực lẫn nhau. Xây dựng NTM là nền tảng hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển đa dạng, bền vững của du lịch tại các vùng nông thôn, nhất là du lịch cộng đồng. 

Hoạt động du lịch cộng đồng gắn với xây dựng NTM sẽ tận dụng lợi thế hạ tầng cơ sở sẵn có, giúp người dân có ý thức hơn trong việc bảo tồn bản sắc, truyền thống văn hóa và môi trường, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.

Ngược lại, du lịch nông thôn góp phần nâng cao chất lượng xây dựng NTM bền vững thông qua việc nâng cao thu nhập, tạo sinh kế cho người dân ở nông thôn, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm đặc sản địa phương, góp phần phát triển ngành nghề nông thôn bằng các sản phẩm OCOP; gắn kết tình làng, nghĩa xóm, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa của địa phương, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Du khách tham gia thu hoạch khoai lang tại mô hình du lịch nông thôn
Du khách tham gia thu hoạch khoai lang tại mô hình du lịch nông thôn

Phóng viên: Ông đánh giá như thế nào về tiềm năng phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng gắn với xây dựng NTM của tỉnh?

Ông Trần Trường Giang: Trà Vinh là tỉnh đồng bằng ven biển nằm giữa sông Cổ Chiên và Sông Hậu, có 65km bờ biển, khí hậu ôn hòa với ba vùng sinh thái, có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển du lịch. Trong đó, du lịch văn hóa gắn với du lịch tâm linh, du lịch xanh với hệ sinh thái đa dạng của vùng duyên hải, tạo sản phẩm khác biệt so với các tỉnh trong Đồng bằng sông Cửu Long.

Tỉnh đã xây dựng thêm nhiều sản phẩm du lịch gắn với nhiều hệ sinh thái, văn hóa đa dạng, giàu bản sắc, hội tụ các yếu tố nhằm phát triển sản phẩm du lịch đặc trưng gắn với xây dựng NTM. Trà Vinh theo triết lý “thuận thiên” trong phát triển du lịch, khai thác giá trị văn hóa Khmer, du lịch cộng đồng, vấn đề bảo vệ môi trường, gìn giữ tài nguyên, tạo sinh kế ổn định trong phát triển du lịch. Đặc biệt, phát huy hệ sinh thái môi trường xanh của tỉnh, quan tâm mô hình du lịch sức khỏe, nghỉ dưỡng, tạo sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh.

Một số mô hình du lịch gắn với xây dựng NTM tại các địa phương như: Cồn Chim, xã Hòa Minh (huyện Châu Thành); Cồn Hô, xã Đức Mỹ (huyện Càng Long); Làng Văn hóa – Du lịch Khmer tỉnh Trà Vinh, xã Lương Hòa (huyện Châu Thành) và điểm du lịch nông nghiệp Sokfarm thị trấn Tiểu Cần (huyện Tiểu Cần). Hoạt động du lịch đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn, thúc đẩy kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân địa phương, góp phần xây dựng NTM.

Phóng viên: Tỉnh đặt mục tiêu gì trong việc thúc đẩy phát triển du lịch gắn với thành quả xây dựng NTM, thưa ông?

Ông Trần Trường Giang: Với tiềm năng, lợi thế và sự quan tâm đầu tư, hiện Trà Vinh đã có vị trí trên bản đồ du lịch cả nước với các sản phẩm du lịch xanh, du lịch bền vững. Thời gian tới, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh phát triển du lịch gắn với phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, văn hóa và môi trường sinh thái trên địa bàn, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng tích cực, bền vững.

Ngày 25 tháng 11 năm 2022 Ủy ban Nhân dân tỉnh ban hành Quyết định số 2291/QĐ-UBND đạt mục tiêu đến năm 2025: tỉnh sẽ phát triển, chuẩn hóa các điểm đến và sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn; phấn đấu có ít nhất 3 điểm du lịch nông thôn được công nhận gắn với lợi thế về nông nghiệp, văn hóa, làng nghề, môi trường sinh thái; Đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn gắn với quá trình chuyển đổi số; ít nhất 50% điểm du lịch nông thôn được công nhận được số hóa và kết nối trên trang quảng bá, xúc tiến du lịch bằng công nghệ số. Phấn đấu 100% điểm du lịch nông thôn được giới thiệu, quảng bá; 50% điểm du lịch nông thôn ứng dụng các giao dịch điện tử trong hoạt động du lịch; 

Phấn đấu mỗi huyện NTM có tiềm năng du lịch, xây dựng ít nhất 01 mô hình chuỗi liên kết du lịch nông nghiệp nông thôn đặc thù; ít nhất 90% chủ cơ sở du lịch nông thôn được đào tạo, tập huấn về nghiệp vụ quản lý du lịch; 90% lao động du lịch nông thôn được bồi dưỡng, tập huấn và nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng phục vụ khách du lịch.

Người dân đồng thuận cao trong việc xây dựng sản phẩm đặc trưng cho địa phương
Người dân đồng thuận cao trong việc xây dựng sản phẩm đặc trưng cho địa phương

Phóng viên: Để phát huy thành quả xây dựng NTM gắn với việc thúc đẩy phát triển du lịch bền vững, Trà Vinh đã có những cơ chế, chính sách gì để hỗ trợ, khuyến khích người nông dân và thu hút doanh nghiệp tham gia, thưa ông?

Ông Trần Trường Giang: Theo Quyết định số 2291/QĐ-UBND ngày 25 tháng 11 năm 2022 của Ủy ban Nhân dân tỉnh. Đến năm 2025, tỉnh Trà Vinh rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách về phát triển du lịch nông thôn như: Đánh giá hiện trạng, tiềm năng du lịch nông nghiệp, nông thôn và tích hợp, bổ sung định hướng phát triển du lịch nông thôn vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch xây dựng nông thôn mới của tỉnh (cấp tỉnh, huyện, xã); xây dựng và hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, tiêu chí, định mức kỹ thuật về du lịch nông thôn gắn với hoạt động quản lý nhà nước về du lịch; Xây dựng và hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, tiêu chí, định mức kỹ thuật về du lịch nông thôn gắn với hoạt động quản lý nhà nước về du lịch.

Từ nguồn vốn các chương trình, dự án, nhất là 03 Chương trình MTQG gồm: xây dựng NTM, giảm nghèo bền vững và Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I: từ 2021-2025, tỉnh đã hỗ trợ các hộ gia đình, doanh nghiệp xây dựng cơ sở dữ liệu và bản đồ số các điểm du lịch nông thôn; đào tạo, tập huấn nhân viên phục vụ về nghiệp vụ quản lý du lịch, kỹ năng phục vụ khách du lịch; đồng thời huy động, lồng ghép và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển du lịch nông thôn; ứng dụng công nghệ, thúc đẩy chuyển đổi số và tăng cường phối hợp liên ngành.

Xin cảm ơn ông!

Tin cùng chuyên mục
Đăk Hà (Kon Tum): Đánh giá kết quả triển khai thực hiện Dự án 8

Đăk Hà (Kon Tum): Đánh giá kết quả triển khai thực hiện Dự án 8

Ngày 30/12, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Đăk Hà (Kon Tum) tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả triển khai thực hiện Dự án 8 năm 2024, thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 - 2025 (Chương trình MTQG 1719).