Hiện, toàn tỉnh Trà Vinh có 165 HTX hoạt động trên các lĩnh vực: Nông nghiệp (120 HTX), phi nông nghiệp (29 HTX) và 16 quỹ tín dụng nhân dân, thu hút hơn 28.500 thành viên tham gia.
Những năm gần đây, tuy gặp không ít khó khăn, thách thức nhưng khu vực kinh tế hợp tác, HTX trên địa bàn tỉnh Trà Vinh đã có những “điểm sáng”. Các HTX hoạt động hiệu quả giúp tăng lợi nhuận đáng kể cho thành viên, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn (đặc biệt là đồng bào DTTS), góp phần thực hiện thành công các Chương trình mục tiêu quốc gia đang được triển khai.
HTX nông nghiệp Ngọc Thạch (tại xã Nhị Trường, huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh) thành lập cuối năm 2019 chỉ với 10 thành viên ban đầu là các hộ dân tộc Khmer, tổng vốn điều lệ 300 triệu đồng. HTX chuyên cung cấp các loại phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, lúa giống, cây giống, liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm.
Anh Thạch Dươne (SN 1985), Giám đốc HTX nông nghiệp Ngọc Thạch cho biết, sau 4 năm phát triển, hiện tại, thành viên HTX đã tăng lên 40 người với vốn điều lệ 600 triệu đồng (hơn 90% thành viên là đồng bào dân tộc Khmer). Tổng diện tích sản xuất của HTX khoảng 100 ha (trong đó có 50 ha trồng lúa, 20 ha trồng lúa hữu cơ, 20 ha trồng ngô giống, diện tích còn lại trồng rau màu các loại…).
Nông dân tham gia HTX nông nghiệp Ngọc Thạch được cung cấp cây giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật chất lượng, các chi phí sản xuất được tối giảm. Đặc biệt, anh Thạch Dươne trực tiếp hướng dẫn các thành viên về kỹ thuật, cách chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh để ngô giống và các loại rau màu đạt năng suất cao. Thông qua HTX, toàn bộ nông sản của thành viên sau khi thu hoạch đều được doanh nghiệp bao tiêu với giá cao hơn giá thị trường từ 20-30%, nên lợi nhuận nông dân tăng đáng kể.
Bình quân mỗi ha trồng lúa cho lợi nhuận 20 triệu đồng/vụ, trồng màu từ 30-35 triệu đồng/vụ; cao hơn từ 5-10 triệu đồng/vụ so với khi chưa tham gia HTX. Ngoài ra, thành viên HTX còn được chia lợi nhuận 12,5%/năm theo mức góp vốn. Hiện tại, HTX giải quyết việc làm thường xuyên cho 5 lao động, với mức lương 200.000 đồng/ngày và 10 lao động thời vụ, với thu nhập từ 300.000-400.000 đồng/ngày.
“Riêng lúa thương phẩm, mỗi năm, HTX cung cấp cho thị trường gần 1.200 tấn. Vụ Hè Thu năm nay, HTX trồng thử nghiệm 20 ha lúa hữu cơ, sắp đến thời điểm thu hoạch. Mô hình thành công sẽ mở hướng đi mới cho HTX, bởi sản xuất hữu cơ là xu thế phát triển nông nghiệp bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu và bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Hiện nay, HTX đang hoàn thiện thủ tục cấp mã số vùng trồng cho cây lúa để hướng đến liên kết xuất khẩu. Ngoài ra, HTX còn phối hợp với Công ty Giống cây trồng miền Nam nghiên cứu các cây giống phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương để đạt năng suất cao hơn”, anh Thạch Dươne cho biết thêm.
Ông Lê Văn Phi, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh cho biết, thời gian qua, khu vực kinh tế hợp tác, HTX có nhiều đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới của địa phương. HTX nông nghiệp Ngọc Thạch là một trong 6 HTX trên địa bàn huyện được đánh giá khá hiệu quả nhờ hoạt động đúng bản chất, có phương án sản xuất kinh doanh phù hợp với cơ chế thị trường.
Cùng đó, hợp tác xã đã làm tốt việc tổ chức sản xuất gắn với chuỗi giá trị, liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ nên giá trị nông sản tăng đáng kể, mang lại hiệu quả kinh tế cho nông dân và giải quyết việc làm cho nhiều lao động nông thôn địa phương.
Tương tự huyện Cầu Ngang, tại huyện Duyên Hải cũng phát triển nhiều HTX, hỗ trợ nông dân từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững.
Điển hình như xã Ngũ Lạc có thổ nhưỡng thích hợp cho việc canh tác 1 vụ lúa và 2 vụ màu. Nhận thấy người dân trên địa bàn xã Ngũ Lạc và vùng lân cận sản xuất theo hình thức cá thể, nhỏ lẻ, giá cả đầu ra của sản phẩm nông sản phụ thuộc vào thương lái, không ổn định, được mùa mất giá diễn ra thường xuyên…Do vậy, ông Lâm Thành Cảnh đã kêu gọi thêm 56 thành viên để thành lập HTX nông nghiệp hữu cơ Ngũ Lạc, với tổng vốn góp gần 500 triệu đồng.
Theo đó, HTX Nông nghiệp hữu cơ Ngũ Lạc được thành lập đã hỗ trợ nông dân, thành viên HTX tiêu thụ nông sản, chuyển đổi sản xuât nông nghiệp theo hướng chuỗi giá trị để nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống. HTX đã chủ động liên kết với doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh trực tiếp ký hợp đồng tiêu thụ nông sản của HTX và của người dân trên địa bàn với mức giá ổn định. Ngoài ra, HTX cùng với chính quyền địa phương xây dựng xã đạt chuẩn NTM với các dự án mô hình trồng rau trong nhà lưới, xây dựng, phát triển vùng chuyên canh trồng ớt tại các xã Ngũ Lạc, Đôn Châu.
Ông Lâm Thành Cảnh, Giám đốc HTX nông nghiệp hữu cơ Ngũ Lạc cho biết: “Từ đầu năm 2022 đến nay, HTX đã ký kết với 3 doanh nghiệp sản xuất bắp giống, giống đậu bắp được trên 40ha, với giá bao tiêu sản phẩm đầu ra 9.000 đồng/kg/đậu bắp; 11.500 đồng/kg/bắp giống cho nông dân. Hiện nay, đậu bắp đang mùa thu hoạch, tạo được niềm tin cho xã viên và nông dân trong đầu tư sản xuất. Từ đó, người dân yên tâm sản xuất, tập trung chăm sóc cây trồng để nâng cao năng xuất, chất lượng và đem lại hiệu quả cao”.
Theo đánh giá của lãnh đạo huyện Duyên Hải, việc HTX nông nghiệp hữu cơ Ngũ Lạc phát triển với mục tiêu hỗ trợ thành viên và nông dân tiêu thụ nông sản đã góp phần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức về mô hình phát triển kinh tế tập thể của các thành viên HTX nói riêng và nông dân các vùng lân cận nói chung. Đây không chỉ là cách để HTX phát triển bền vững mà còn là hướng tiếp cận phù hợp với cuộc cách mạng nông nghiệp 4.0, tạo điều kiện thực hiện thành công tái cơ cấu nền nông nghiệp của huyện. Đồng thời, tạo được sự uy tín với các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh về cơ hội hợp tác phát triển với HTX. Do đó, mô hình HTX nông nghiệp hữu cơ Ngũ Lạc là mô hình phát triển kinh tế tập thể cần được các cấp, các ngành quan tâm và tạo điều kiện để nhân rộng phát triển hơn nữa.
Trong khi đó, ông Nguyễn Quỳnh Thiện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh cho biết, thời gian tới, để tiếp tục phát triển kinh tế tập thể, HTX, đề nghị các sở ban, ngành, địa phương, đơn vị liên quan tiếp tục bám sát, tuyên truyền Luật HTX cùng với các chính sách hỗ trợ HTX. Đồng thời đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng nhãn hiệu, truy suất nguồn gốc sản phẩm, xây dựng sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP...; tổ chức cho các HTX tham gia các hội chợ, xúc tiến thương mại trong và ngoài tỉnh. Đây sẽ là cầu nối giúp các HTX liên kết với các đơn vị, doanh nghiệp kết nối thị trường, tiêu thụ sản phẩm, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.