Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Môi trường sống

TP. Đồng Hới: Triển khai nhiều giải pháp bảo vệ rừng trong mùa nắng nóng

PV - 09:34, 27/04/2019

Ông Nguyễn Thế Anh, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Đồng Hới (Quảng Bình) cho biết: TP. Đồng Hới có khoảng 2.443ha rừng tự nhiên; rừng trồng (gồm cả rừng trồng chưa thành rừng) gần 3.043ha và đất khác trên 1.000ha, chủ yếu nằm trên địa bàn của 7 xã, phường, gồm: Đồng Sơn, Thuận Đức, Lộc Ninh, Đồng Phú, Hải Thành, Bảo Ninh, Quang Phú. Những năm qua, diện tích rừng trên địa bàn đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cho địa phương, nhất là góp phần quan trọng bảo vệ môi trường sinh thái và chống biến đổi khí hậu.

 Vệ sinh, xử lý thực bì vào đầu mùa khô năm 2019 tại khu vực rừng TP. Đồng Hới. (Ảnh Thùy Lâm) Vệ sinh, xử lý thực bì vào đầu mùa khô năm 2019 tại khu vực rừng TP. Đồng Hới. (Ảnh Thùy Lâm)

Hiện tại, đất rừng do 4 đơn vị chủ rừng trực tiếp quản lý gồm: Chi nhánh Lâm trường Đồng Hới, Chi nhánh Lâm trường Vĩnh Long, Ban Quản lý rừng phòng hộ Đồng Hới, Trại giam Đồng Sơn và Hạt Kiểm lâm Đồng Hới.

Theo ông Nguyễn Thế Anh, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Đồng Hới, phần lớn nguyên nhân cháy rừng xảy ra trong thời gian qua là do một bộ phận người dân còn thiếu kiến thức về bảo vệ rừng và phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR). Trong khi đó đơn vị khai thác chưa kịp xử lý thực bì, gặp nắng nóng lâu ngày, chỉ cần sơ xuất từ tàn lửa do người dân sống gần khu vực rừng sơ ý cũng gây ra cháy rừng.

Trong khi đó, sự phối hợp trong bảo vệ rừng giữa cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và các chủ rừng còn hạn chế. Khi xảy ra cháy rừng còn lúng túng trong công tác huy động lực lượng tham gia phối hợp dập tắt đám cháy nên để cháy lan ra diện rộng.

Xác định rõ nguyên nhân dẫn đến các vụ cháy rừng, ngay đầu năm 2019, Hạt Kiểm lâm Đồng Hới đã xây dựng kế hoạch hoạt động, tích cực phối hợp với các đơn vị chủ rừng và ban, ngành, đoàn thể, địa phương triển khai nhiều biện pháp PCCCR. Trong đó, lực lượng chức năng, chuyên ngành chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ rừng, PCCCR; tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ về công tác PCCCR, tổ chức ký cam kết PCCCR với hộ gia đình có rừng, sống gần rừng...

Bước vào đầu mùa khô năm 2019, thành phố cũng đã chỉ đạo các xã, phường kiện toàn 15 Ban Chỉ đạo PCCCR, với trên 230 người tham gia; kiện toàn 35 tổ, đội bảo vệ rừng ở các thôn, tổ dân phố và các chủ rừng với tổng số trên 310 người tham gia làm nòng cốt. Theo đó, các xã, phường có rừng, các đơn vị chủ rừng triển khai quyết liệt công tác vệ sinh rừng, xử lý thực bì, nhất là việc phát dọn, thu gom cành nhánh cây bị gãy đổ. Kết quả, đến cuối tháng 3/2019, công tác vệ sinh rừng trên địa bàn thành phố đã đạt trên 85%, qua đó làm giảm nguồn vật liệu cháy trong rừng, hạn chế khả năng xảy ra cháy rừng.

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn TP. Đồng Hới chưa xảy ra cháy rừng. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thế Anh, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Đồng Hới, thời tiết nắng nóng còn kéo dài đến tháng 9, vì vậy, công tác PCCCR cần tiếp tục được triển khai đồng bộ, liên tục và không được chủ quan, lơ là.

TP. Đồng Hới cũng đã chỉ đạo, yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 13 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ rừng; Chỉ thị 557 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về tăng cường ngăn chặn các điểm nóng về phá rừng, cháy rừng; tích cực vận động Nhân dân tham gia phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ rừng”, trong đó, chú trọng nêu cao vai trò trách nhiệm, thực hiện đồng bộ các giải pháp PCCCR gắn với trách nhiệm cá nhân người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương.

QUỲNH CHI

Tin cùng chuyên mục
Hơn 420 hộ dân ở xã miền núi Tân Hóa bị ngập sâu trong nước lũ

Hơn 420 hộ dân ở xã miền núi Tân Hóa bị ngập sâu trong nước lũ

Đầu giờ chiều nay (20/9), trao đổi qua điện thoại với phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển, ông Trương Thanh Duẩn - Chủ tịch UBND xã Tân Hóa (Minh Hóa, Quảng Bình) cho biết: “Hiện toàn xã có 428 hộ dân bị ngập trong nước. Trong đó, các hộ dân ở khu vực Cồn Ba đã ngập sâu 2m”.