Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Tổng Bí thư chủ trì cuộc họp Thường trực Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIII của Đảng

PV - 15:06, 06/12/2018

Chiều 5/12, tại trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, đã chủ trì cuộc họp của Thường trực Tiểu ban.

Đại hội XIII Chiều 5/12/2018, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Thường trực Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIII của Đảng tổ chức Cuộc họp lần thứ nhất dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Tiểu ban Văn kiện. Ảnh: Trí Dũng – TTXVN

Nắm vững, xử lý tốt mối quan hệ giữa kiên định và đổi mới, sáng tạo

Theo chương trình toàn khóa của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Đại hội Đảng lần thứ XIII dự kiến tổ chức vào quý I/2021. Để chuẩn bị cho Đại hội XIII, Hội nghị Trung ương 8, khóa XII đã quyết định thành lập 5 Tiểu ban, trong đó có Tiểu ban Văn kiện. Tiểu ban Văn kiện có nhiệm vụ chuẩn bị báo cáo 10 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011); Báo cáo chính trị trình Đại hội XIII của Đảng. Để giúp việc cho Tiểu ban Văn kiện, Ban Bí thư đã quyết định thành lập Tổ Biên tập Văn kiện.

Tại cuộc họp, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Tổ trưởng Tổ Biên tập Nguyễn Xuân Thắng trình bày Báo cáo các công việc đã triển khai của Tổ Biên tập; dự kiến Kế hoạch hoạt động của Tiểu ban Văn kiện và Thường trực Tiểu ban Văn kiện.

Phát biểu kết luận cuộc họp, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng hoan nghênh, đánh giá cao Tổ Biên tập đã chủ động, khẩn trương, nghiêm túc sớm triển khai các hoạt động, đã tổ chức cuộc họp đầu tiên của Tổ Biên tập vào cuối tháng 11 để xây dựng Quy chế làm việc, Kế hoạch hoạt động của Tổ Biên tập; thành lập các nhóm công tác và Văn phòng hành chính giúp việc; phân công công việc trong Tổ Biên tập. Qua thảo luận, ý kiến chung của Thường trực Tiểu ban cơ bản nhất trí với nội dung Quy chế, Kế hoạch hoạt động và phân công công việc của Tổ Biên tập.

Về tổng kết 10 năm thực hiện Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nêu rõ, ý kiến chung của Thường trực Tiểu ban khẳng định sự cần thiết phải tổng kết 10 năm thực hiện Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011), đồng thời có nhìn lại 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (Cương lĩnh năm 1991).

Điểm lại bối cảnh và dấu mốc “để ra được Cương lĩnh năm 1991 là cực kỳ quan trọng” cũng như những thành tựu to lớn đất nước đã đạt được trong hơn 30 năm qua, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nêu rõ, việc tổng kết 10 năm thực hiện Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) và nhìn lại 30 năm thực hiện Cương lĩnh 1991 nhằm có một căn cứ khoa học, một độ dài nhất định để tổng kết và có tầm nhìn cho giai đoạn tiếp theo trên nền Cương lĩnh đã có.

Việc tổng kết Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) và nhìn lại 30 năm thực hiện Cương lĩnh năm 1991 nhằm khẳng định tính đúng đắn của công cuộc Đổi mới, của Cương lĩnh năm 1991, của đường lối của Đảng, đồng thời uốn nắn những nhận thức lệch lạc, phê phán, bác bỏ những quan điểm sai trái với Cương lĩnh, tạo sự thống nhất rất cao trong Đảng. “Tổng kết để kiên định con đường đi”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Nhấn mạnh ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt của Đại hội XIII sắp tới, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước khẳng định, việc chuẩn bị các văn kiện cho Đại hội phải được tiến hành một cách khoa học, nghiêm túc, phải bảo đảm thật sự có chất lượng, phản ánh đầy đủ thực tiễn mới của đất nước, đặc biệt là Báo cáo Chính trị là báo cáo trung tâm, có ý nghĩa hết sức quan trọng để bảo đảm sự thành công của Đại hội.

Để bảo đảm chất lượng công việc, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề nghị các thành viên Tiểu ban, Thường trực Tiểu ban, đặc biệt là các thành viên trong Tổ Biên tập, Thường trực Tổ Biên tập cần quán triệt sâu sắc và thống nhất cao một số vấn đề về phương châm, phương pháp tư tưởng và cách làm.

Theo đó, cần nắm vững và xử lý tốt mối quan hệ giữa kiên định và đổi mới, vận dụng sáng tạo. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nêu rõ, nếu chỉ kiên định một cách máy móc thì dễ dẫn đến giáo điều, cứng nhắc, bảo thủ, nhưng nếu không kiên định, mà cứ nói “đổi mới, đổi mới một cách ào ào” sẽ “nhảy sang” chủ nghĩa xét lại, vô nguyên tắc, chệch hướng. Cho nên, kiên định nhưng phải sáng tạo và sáng tạo phải trên cơ sở kiên định, phải xử lý tốt quan hệ giữa kiên định và đổi mới, sáng tạo.

Nhấn mạnh hơn 30 năm qua Đảng ta đã xử lý tốt mối quan hệ giữa kiên định và đổi mới, vận dụng sáng tạo, cụ thể là kiên định và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước khẳng định, đây là bài học lớn rất thành công của cách mạng Việt Nam, là sự vững vàng của Đảng ta.

Sản phẩm cuối cùng phải có chất lượng tốt nhất để trình ra Đại hội XIII

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng nêu rõ, một phương châm, phương pháp tư tưởng nữa cần được quán triệt và thống nhất cao là mối quan hệ giữa kế thừa và phát triển. Cụ thể, nên kế thừa những thành quả nào của 5 năm qua, và 5 năm sắp tới nên phát triển thêm cái gì. “Đứng yên có nghĩa là bảo thủ, là tụt lùi, còn nếu tiến ào ào mà không kế thừa những cái cũ, mất gốc, sẽ dẫn đến chệch choạc”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước thẳng thắn.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng lưu ý cần xử lý, kết hợp nhuần nhuyễn mối quan hệ giữa lý luận và thực tiễn. Như Bác Hồ đã từng nói, thực tiễn không có lý luận là thực tiễn mù quáng, lý luận không có thực tiễn là lý luận suông. Theo đó, “Báo cáo Chính trị trình Đại hội XIII của Đảng và Báo cáo 10 năm thực hiện Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) phải là “sản phẩm mang tính lý luận và thực tiễn rất nhuần nhuyễn. Lý luận không phải viết một cách sách vở, khô cứng, giáo điều, mà nó phải quyện vào các chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng”.

Đặc biệt, phải cố gắng trả lời cho được câu hỏi: Sẽ kế thừa cái gì, phát triển cái gì và cái mới của lần này là gì? Mới mà vẫn trên cơ sở kiên định. “Trong toàn bộ các Văn kiện phải quán triệt các tư tưởng này”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước lưu ý.

Về phương pháp và cách thức làm việc bảo đảm hiệu quả, đạt mục đích, yêu cầu đề ra, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước lưu ý, đây là công việc lớn, khó, phức tạp, hệ trọng, là công trình, sản phẩm trí tuệ của tập thể, cho nên phải có cách làm phù hợp, phát huy dân chủ tối đa, thu hút và kết tinh trí tuệ tập thể, tạo ra sự thống nhất cao. “Sản phẩm cuối cùng phải là sản phẩm có chất lượng tốt nhất để trình ra Đại hội XIII”, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nói.

Nhấn mạnh vai trò của các thành viên Tiểu ban, Thường trực Tiểu ban, Tổ Biên tập và Thường trực Tổ Biên tập, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề nghị từng thành viên dành thời gian, tâm sức thỏa đáng, có phương pháp làm việc khoa học, chặt chẽ để hoàn thành công việc với chất lượng cao, đúng tiến độ.

THEO CTT CHÍNH PHỦ

Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ngày 22/11, tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Đến dự có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Nông Thị Hà; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.