Sau khi nhận được thông tin con trai chuyển tiền, ông Bùi Đình Thọ có ra ngân hàng để làm thủ tục rút tiền. Tại đây, ông Thọ có đưa giấy chứng minh nhân dân cùng các giấy tờ liên quan để rút tiền. Tại quầy giao dịch ông Trương Ngọc Quang là nhân viên ngân hàng làm thủ tục cho ông Thọ. Tuy nhiên, do ngân hàng đông người, ông Quang đã đánh nhầm số tiền mà ông Thọ rút ra là 50 triệu đồng cùng tất cả các giấy tờ liên quan.
Sau khi nhận được số tiền đã rút, ông Thọ ung dung trở về nhà. Ngày hôm sau ông Quang phát hiện mình bị nhầm lẫn, ông Quang đã báo lên giám đốc của chi nhánh ngân hàng. Sau đó, giám đốc chi nhánh ngân hàng này cùng ông Quang đã đến tận nhà ông Thọ xin lỗi và xin lại số tiền này. Tuy nhiên ông Thọ không đồng ý. Ông Quang cũng có nhã ý bồi dưỡng 1 phần tiền cho ông Thọ nhưng ông Thọ vẫn không trả lại số tiền. Sau nhiều lần thuyết phục ông Thọ không được, phía ngân hàng đã trình báo sự việc lên công an.
Nhận được thông tin trên cơ quan công an đã vào cuộc xác minh và quyết định khởi tố ông Thọ về tội “chiếm giữ trái phép tài sản” (theo Điều 176 Bộ Luật hình sự). Tại phiên tòa sơ thẩm, ông Thọ đã bị Hội đồng Thẩm phán tuyên phạt 5 tháng tù, cho hưởng án treo và buộc trả lại số tiền chiếm giữ trái phép.
Điều 176. Tội chiếm giữ trái phép tài sản
1. Người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản trị giá từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc dưới 10.000.000 đồng nhưng tài sản là di vật, cổ vật bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được, sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội chiếm giữ tài sản trị giá 200.000.000 đồng trở lên hoặc bảo vật quốc gia, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
THIÊN ĐỨC