Tiên phong phòng chống dịch ở thôn bản
Từ khi tham gia vào Tổ truy vết của thị trấn Phố Lu, huyện Bảo Thắng, mỗi ngày anh Trần Công Điền đều dành thời gian để liên lạc với các công dân của địa phương, đang lao động tại các tỉnh có dịch. Theo anh Điền, việc gọi điện vừa để động viên, vừa vận động người dân hạn chế trở về địa phương, nhằm giảm nguy cơ dịch Covid-19 xâm nhập, lây lan vào địa bàn.
“Chúng tôi điện thoại cho những người hiện nay đang làm ăn xa để thăm nắm tình hình, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của các công dân đó. Qua đó, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, khó khăn của bà con để tổng hợp báo cáo lên cấp có thẩm quyền. Qua trao đổi hầu hết bà con hiện đang ở các tỉnh đều yên tâm, có ý thức trong công tác phòng dịch bệnh…”, anh Điền thông tin.
Tại thôn Làng Đẩu, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, đây là địa bàn tiếp giáp với xã An Lạc của huyện Lục Yên (Yên Bái); anh Hoàng Văn Hàn, dân tộc Dao, Trưởng thôn kiêm Tổ trưởng tổ truy vết cho biết: "Với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà", thời gian qua chúng tôi tăng cường tuyên truyền, nắm bắt thông tin, vận động người dân cài đặt ứng dụng Bluezone, chủ động khai báo y tế, thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch Covid-19. Nhờ đó, ý thức phòng, chống dịch của bà con cũng được nâng lên rất nhiều".
Hay như ở thôn Đầm Rụng, do nằm dọc theo Quốc lộ 70, mật độ phương tiện và người qua lại đông, Tổ truy vết của thôn đã có sáng kiến dùng loa kéo để di chuyển dọc theo quốc lộ và các điểm tập trung dân cư, khu vực họp chợ nhỏ lẻ để tuyên truyền về thông điệp 5K, phổ biến quy định mới nhất của địa phương về giãn cách, khai báo y tế và tiêm vắc xin phòng, chống Covid-19…
Ở xã Tân An, huyện Văn Bàn, các thôn Mai Hồng 1, Mai Hồng 2, Khe Bàn, Xuân Sang nằm sát cạnh đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, phần đông là đồng bào dân tộc Dao sinh sống. Tại đây, có nhiều lối mở tự phát, rất khó kiểm soát người từ vùng dịch vào địa bàn.
Chủ tịch UBND xã Tân An, Trần Thị Liên cho biết, xã củng cố các Tổ truy vết, giao cho các tổ này “cắm chốt” liên tục 24 giờ mỗi ngày; “bịt chặt” các lối mở từ đường cao tốc đi vào địa bàn xã, nắm bắt mọi di biến động người lao động từ vùng dịch trở về địa phương, nhờ đó phát hiện kịp thời để đưa đi cách ly tập trung, ngăn ngừa virus lây lan ra cộng đồng.
"Xây rào chắn" phòng chống dịch bệnh hiệu quả
Theo thống kê của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Lào Cai, toàn tỉnh có trên 24 nghìn lao động đang làm việc ngoài tỉnh. Trong đó, có hơn 2.500 lao động làm việc tại tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh. Hiện tại, vẫn còn trên 16.000 lao động ngoài tỉnh chưa trở về. Để kịp thời có các thông tin của số lao động này, các Tổ truy vết thường xuyên liên lạc qua gia đình, điện thoại trực tiếp cho người lao động; đây là cơ sở quan trọng để các cơ quan ban ngành liên quan có kế hoạch, giải pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn cho người lao động.
Bà Giàng Thị Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai cho biết: Tỉnh đã thành lập hơn 20 chốt kiểm dịch y tế tại các lối mở kết nối ở vùng giáp ranh, để kiểm soát người và phương tiện ra vào địa bàn. 100% các thôn, bản, tổ dân phố đã thành lập Tổ truy vết do Bí thư chi bộ hoặc Trưởng thôn làm Tổ trưởng, mỗi tổ có 5 - 7 thành viên là cán bộ Mặt trận, Công an viên, Thôn đội trưởng, y tế, Người có uy tín…
Do bám sát cơ sở, nắm chắc từng hộ, từng khẩu ở địa bàn, am hiểu phong tục tập quán đồng bào dân tộc, các tổ phòng, chống dịch trở thành “cánh tay nối dài”, là “ăng ten” hiệu quả ở cơ sở, trong cộng đồng dân cư; "xây rào chắn" vùng giáp ranh; “phủ sóng” tuyên truyền miệng thực hiện 5K và vận động người dân chấp hành nghiêm các quy định phòng, chống dịch Covid-19 của Trung ương và địa phương, nắm bắt di biến động số lao động đi làm ngoài tỉnh đã trở về, cũng như chưa trở về… Từ đó, thiết lập các vùng an toàn để thực hiện mục tiêu “kép” vừa bảo đảm công tác phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội./.
(Nội dung thông tin, tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)