Lợi dụng thế mạnh này, trong những năm qua đồng bào các DTTS ở các huyện Ba Tơ, Sơn Hà, Sơn Tây, Tây Trà, Trà Bồng đã phát triển nghề nuôi cá ở hộ gia đình. Đặc biệt, ở xã Ba Liên, huyện miền núi Ba Tơ (Quảng Ngãi) ra đời một tổ hợp tác nuôi cá nước ngọt ở đập thủy lợi hồ Núi Ngang phát triển khá mạnh so với cả vùng.
Theo lời giới thiệu của ông Phạm Giang Nam, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Tơ, chúng tôi về xã Ba Liên một ngày trung tuần tháng ba. Biết tôi có ý định tìm hiểu về nghề nuôi cá nước ngọt thoát nghèo của đồng bào dân tộc Hrê, anh Thới Xuân Sơn, Phó Chủ tịch UBND xã Ba Liên phấn khởi, tạo điều kiện đưa tôi đến gặp những hộ nuôi cá giỏi trong vùng.
Ông Xuân Sơn cũng cho biết: “Tổ hợp tác nuôi cá ở Ba Liên được thành lập trên tinh thần tự phát, bà con trong tổ hợp tác rất đoàn kết giúp nhau xóa đói giảm nghèo từ nghề nuôi cá...”.
Tổ trưởng tổ hợp tác nuôi cá Phạm Văn Lênh khoe với tôi. “Ba Liên không có nghề gì thuận lợi và có thu nhập bằng nghề nuôi cá. Mỗi năm từ nghề này, bà con trong tổ hợp tác thu hoạch được từ 80 đến 90 tấn cá các loại, tính ra tổng thu cũng được gần một tỷ đồng”.
Qua tìm hiểu được biết, đây là mô hình hợp tác nuôi cá nước ngọt hiệu quả nhất ở miền núi Quảng Ngãi. Hiện nay tổ hợp tác này, có 43 hộ đồng bào dân tộc Hrê tham gia nuôi các loại cá mè, cà trôi, cá trắm cỏ trên diện tích mặt hồ hơn 200ha...
Tổ hợp tác nuôi cá Ba Liên xây dựng những qui định hoạt động trên tinh thần dân chủ, hợp lý. Mỗi thành viên tổ hợp tác trang bị phương tiện đánh bắt ghe, xuồng và lưới giống nhau. Mỗi năm mỗi hộ đóng góp tiền xây dựng quỹ cho tổ 1,2 triệu đồng để tổ chi cho việc mua con giống thả nuôi tái tạo nguồn lợi thủy sản và bồi dưỡng cho đội bảo vệ cá. Hàng năm thời gian chăm sóc, bảo vệ từ tháng 1 đến tháng 5. Mùa thu hoạch cá từ tháng 6 đến tháng 12. Mùa thu hoạch cá ghe thuyền đông vui cả một vùng sông nước. Hằng ngày tư thương đến tận hồ để mua cá. Thu nhập từ nghề nuôi cá của các thành viên trong tổ cũng khác nhau. Người đánh bắt giỏi thì có mức thu nhập cao hơn. Có hộ đạt mức thu nhập 30 triệu đồng/tháng. Từ ngày xây dựng tổ hợp tác bà con trong tổ rất phấn khởi, đoàn kết giúp nhau thoát nghèo.
Hiện tại, mô hình này đang được nhiều hộ gia đình các dân tộc, các địa phương trong tỉnh thăm quan học tập kinh nghiệm để tìm cách thoát nghèo.