Từ làm nông nghiệp sạch…
Ông K’ Sung, Trưởng phòng Dân tộc huyện Đơn Dương cho biết: “Cuộc sống của đồng bào Chu Ru ở đây hiện nay đã khá lên rất nhiều so với trước. Nhiều hộ, từ chăm chỉ làm ăn, đã vươn lên làm giàu. Đặc biệt, từ khi địa phương phát động phong trào xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, đồng bào được hướng dẫn, tham gia các lớp tập huấn, tham quan thực tế các mô hình sản xuất nông nghiệp sạch để học hỏi làm theo.
Hộ Ya Lúc ở thôn Diom A, xã Lạc Xuân là hộ nông dân điển hình sản xuất giỏi của huyện. Ông Ya Lúc kể, năm 2017, sau khi tham quan học hỏi kinh nghiệm tại các trang trại trồng rau sạch theo mô hình hữu cơ, ông đã quyết định đầu tư hệ thống nhà lồng, nhà lưới, áp dụng phương pháp trồng và chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật cho hơn 1ha vườn rau của gia đình. Từ đó đến nay, với nhiều loại cây trồng đa dạng, mỗi năm gia đình ông có thu nhập trên 600 triệu đồng.
Ông Ya Lúc phấn khởi: “Từ khi chuyển mô hình trồng rau sạch, không những sản lượng thu hoạch nhiều hơn, mà còn bán được với giá cao hơn gấp 2 lần so với trồng rau thông thường trước đây. Đến vụ thu hoạch, các thương lái đến vườn thu mua, gia đình không phải lo đầu ra”.
Còn đối với gia đình ông K’ Viêr, ở thôn Ha Wai, xã Tu Tra, nhờ mạnh dạn chuyển đổi giống cây trồng mà những năm gần đây liên tục thu “quả ngọt”. Năm 2016, từ 1ha cà phê kém hiệu quả, ông K’ Viêr quyết định chuyển sang trồng cà chua và ớt chuông theo phương pháp hữu cơ, sản xuất sạch. Hằng năm trừ hết chi phí, gia đình ông cũng thu được gần 400 triệu đồng.
Theo thống kê của huyện Đơn Dương, danh sách những hộ đồng bào DTTS sản xuất, kinh doanh giỏi trên địa bàn hằng năm ngày càng được nối dài thêm.
Đến Tổ hợp tác Iem Gõh Chu Ru
Nói đến sản xuất nông nghiệp hữu cơ (NNHC) của đồng bào Chu Ru ở huyện Đơn Dương, không thể không nhắc tới Tổ hợp tác (THT) Iem Gõh Chu Ru. Đây là một điểm sáng trong sản xuất NNHC tại xã Tu Tra.
Chị Ma Đậm, Tổ trưởng THT cho biết: Từ năm 2016, thông qua những buổi sinh hoạt đoàn thể, các buổi tuyên truyền tập huấn, được nghe về tác hại của thuốc trừ sâu, của phân hóa học, thuốc kích thích tăng trưởng, đồng bào thấy được mối nguy cơ đe dọa sức khỏe đến gia đình và cộng đồng. Vì thế, nhiều hội viên phụ nữ đã tích cực đăng ký tham gia chuyển từ trồng rau thông thường, sang sản xuất NNHC, với mục đích vừa có sản phẩm bảo đảm an toàn, vừa có điều kiện để phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường.
Cũng trong thời gian đó, được sự hỗ trợ của tổ chức Caritas Đà Lạt nên nhiều gia đình trong thôn “rủ nhau” thành lập THT sản xuất rau hữu cơ.
Theo chị Ma Đậm, để sản xuất rau hữu cơ, những thành viên THT trước tiên phải cải tạo diện tích sản xuất rau của gia đình bằng việc “rửa” chất độc. Đồng thời, bổ sung dinh dưỡng để cải tạo đất, thông qua việc trồng các giống cây hỗ trợ cho đất nhằm tạo thêm các loài sinh vật trong đất. Nguồn giống dùng để sản xuất cũng là giống hữu cơ, được cung ứng từ vườn ươm và trang trại sản xuất rau hữu cơ Thiên Sinh ở xã Lạc Lâm (huyện Đơn Dương). Đồng thời, THT cũng được kỹ sư của trang trại này hỗ trợ về kỹ thuật.
Các hộ dân trồng đủ chủng loại rau, toàn bộ quy trình kỹ thuật sản xuất trải qua nhiều công đoạn kiểm tra, giám sát trước khi đưa ra tiêu thụ. Việc cung cấp dinh dưỡng cho rau được thay thế bằng phân hữu cơ trộn phụ phẩm nông nghiệp như vỏ cà phê, thân cây chuối, rơm rạ và ủ trong thời gian 2 - 3 tháng. Trường hợp cây bị sâu, bệnh thì diệt trừ bằng cách bắt thủ công, hoặc sử dụng các chế phẩm sinh học để xử lý.
“Từ ngày tham gia THT trồng rau hữu cơ, đời sống kinh tế của đồng bào đã khá giả hơn trước rất nhiều. Nhà ai cũng rất vui”, chị Ma Đậm chia sẻ.