Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Tình trạng xâm hại di tích ở Bình Định, Phú Yên: Cần xử lý nghiêm!

PV - 15:28, 05/08/2019

Theo phản ánh của người dân 2 tỉnh Bình Định, Phú Yên thời gian vừa qua, họ rất bức xúc trước hiện tượng các di tích lịch sử, văn hóa bị xâm hại một cách nghiêm trọng. Điều đáng nói, đối tượng xâm hại di tích không chỉ là những người dân thiếu ý thức mà còn có cả cơ quan nhà nước quản lý về văn hóa.

Thi nhau xâm hại di tích

Nhiều ngày đi thực tế ở các tháp Chăm trên địa bàn tỉnh Bình Định, nhìn thấy trên thân các tháp chi chít các vết viết, vẽ, rạch, cào… khiến chúng tôi không khỏi xót xa.

Anh Hoàng Xuân Cường, một du khách đến từ TP. Hồ Chí Minh chia sẻ: Từ lâu tôi đã nghe ở Bình Định có nhiều tháp Chăm đẹp nên lần này tôi quyết định đi thăm quan. “Phải công nhận là tháp Chăm đẹp thật nhưng điều tôi thấy đáng tiếc nhất là nhiều người đã vẽ bậy, thậm chí dùng vật nhọn rạch lên tháp những dòng chữ nguệch ngoạc trông rất phản cảm. Tôi mong các ngành chức năng tỉnh Bình Định quan tâm hơn công tác bảo vệ di tích và có biện pháp mạnh tay với những người thiếu ý thức vẽ bậy lên di tích”, anh Cường chia sẻ thêm.

Nhiều tháp Chăm ở Bình Định bị người dân, du khách viết, vẽ bậy lên thân tháp. (Trong ảnh, những dòng chữ trên thân tháp Bánh Ít) Nhiều tháp Chăm ở Bình Định bị người dân, du khách viết, vẽ bậy lên thân tháp. (Trong ảnh, những dòng chữ trên thân tháp Bánh Ít)

Còn tại tỉnh Phú Yên, chúng tôi thấy khá bất ngờ khi chứng kiến Tháp Nhạn (thuộc TP. Tuy Hòa, Phú Yên), dù là di tích quốc gia đặc biệt nhưng lại bị xuống cấp trầm trọng. “Mục sở thị” quanh khu tháp này chúng tôi nhận thấy có rất nhiều viên gạch trên tháp đã bị bào mòn, thậm chí bị mục nát. Điều đáng nói, nhiều điểm trên bề mặt tháp bị khoan đục nhiều nơi, bắt vít sắt, ốc sắt, đinh sắt chi chít, trông rất phản cảm. Một số điểm trên tháp còn bị đục những lỗ rất lớn, bắt những thanh sắt đã hoen rỉ lòi ra ngoài mặt tháp.

Điều đáng nói, đối tượng xâm hại vào di tích không chỉ có người dân thiếu ý thức mà còn có cả cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa. Cách đây hơn 2 tháng, dư luận ở Bình Định một phen “dậy sóng” vì Sở Văn hóa, Thể Thao và Du lịch (VHTT&DL) tỉnh Bình Định cho khoan vào tháp Tháp Đôi (TP. Quy Nhơn) và Tháp Bánh Ít (huyện Tuy Phước) để gắn khung sắt treo câu slogan quảng bá du lịch. Tương tự, tháp Nhạn cũng bị khoan đục để gắn biển quảng cáo. Sau khi dư luận lên tiếng, cơ quan chức năng của hai tỉnh này đã tháo dỡ các biển quảng cáo. Thế nhưng những vết đinh, khoan găm trên công trình lịch sử hàng trăm năm thì khó có thể xóa hết được.

Các ngành chức năng vẫn còn thờ ơ…

Việc khách thăm quan, du lịch viết, vẽ bậy và hành vi “găm đinh” vào di tích không chỉ phản cảm mà còn vi phạm Luật Di sản văn hóa. Thế nhưng, các cơ quan chức năng ở Bình Định cũng như Phú Yên vẫn còn thờ ơ, chưa có biện pháp quyết liệt để bảo vệ di tích.

Đơn vị quản lý di tích đóng đinh để nẹp dây điện trên thân tháp Nhạn. Đơn vị quản lý di tích đóng đinh để nẹp dây điện trên thân tháp Nhạn.

Theo ông Bùi Tĩnh, Phó Giám đốc phụ trách Bảo tàng Tổng hợp Bình Định, việc bảo vệ di tích nói chung và các tháp Chăm trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn. Một phần do ngân sách dành cho việc duy tu, bảo dưỡng các di tích thấp. Ngoài ra, đội ngũ làm công tác này mỏng nên không thể quản lý hết được. Đặc biệt, là ý thức của một bộ phận người dân và khách du lịch còn kém nên đã xâm hại di tích. Khi phát hiện người nào có hành vi viết, vẽ bậy lên di tích thì cũng chỉ mới nhắc nhở chứ chưa có hình thức xử phạt nên chưa đủ tính răn đe.

Trao đổi với chúng tôi về việc tháp Nhạn bị xâm hại, ông Lê Hoàng Phú, Chánh Văn phòng Sở VHTT&DL tỉnh Phú Yên cho hay: Chúng tôi mới nghe thông tin và sẽ tham mưu lãnh đạo Sở có hướng xử lý. “Do nguồn ngân sách chi cho công tác đầu tư tôn tạo các di tích, danh thắng tại địa phương còn hạn chế nên công tác trùng tu di tích gặp nhiều khó khăn, trong đó có tháp Nhạn”, ông Phú cho biết thêm.

Còn ông Phạm Văn Bảy, Giám đốc Sở VHTT&DL Phú Yên cho biết: Cách đây không lâu, di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt tháp Nhạn bị khoan đục, treo biển quảng cáo điểm đến du lịch của tỉnh Phú Yên. “Việc đó, gây phản cảm nên chúng tôi đã cho tháo dỡ những tấm biển quảng cáo nói trên. Theo phản ánh, hiện nay trên mặt tháp này vẫn còn các lỗ khoan, đóng đinh sắt, vít sắt chi chít mà chưa được khắc phục. Việc này Sở cũng vừa mới nắm được thông tin, tôi sẽ cho kiểm tra, xử lý ngay. Nếu cơ quan quản lý chưa khắc phục, có sai phạm sẽ xử lý nghiêm theo quy định”, ông Bảy nói.

Thiết nghĩ, viện dẫn lý do thiếu kinh phí dẫn đến khó quản lý các di tích của cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa 2 tỉnh Bình Định, Phú Yên là chưa thuyết phục. Bởi lẽ, việc xâm hại này xuất phát từ lỗi chủ quan, do đó, cần phải giải quyết từ góc độ này. Theo đó, cơ quan nhà nước tỉnh Bình Định, Phú Yên cần xử lý nghiêm những sai phạm của cán bộ trong việc xâm hại trực tiếp các di tích. Đồng thời, về lâu dài cần tuyên truyền vận động ý thức của người dân trong bảo tồn di tích.

LÊ PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục
Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Xác định tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao giáo dục pháp luật cho người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS và miền núi có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Quảng Nam đã tích cực triển khai và bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ.