Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Tình trạng vượt biên trái phép ở Tây Nguyên vẫn chưa có hồi kết: Chiêu bài cũ - Nỗi đau mới (Bài 1)

Ngọc Thu - Lê Hường - 21:16, 17/05/2023

Nhẹ dạ, cả tin, thiếu hiểu biết và mong muốn sớm giàu có, không ít người DTTS ở khu vực Tây Nguyên bị các đối tượng xấu dụ dỗ vượt biên trái phép. Đặc biệt, gần đây, tình trạng này đang có dấu hiệu gia tăng gây mất an ninh trật tự, tiềm ẩn nhiều hệ lụy.

Cán bộ Công an tỉnh Gia Lai làm việc với các nạn nhân bị Siu H’Bẽo và các đối tượng khác lừa đảo vượt biên.
Cán bộ Công an tỉnh Gia Lai làm việc với các nạn nhân bị Siu H’Bẽo và các đối tượng khác lừa đảo vượt biên.

Trắng tay vì tin lời dỗ ngọt

Vừa qua, trên địa bàn huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai, một số người DTTS nghe theo lời dụ dỗ của đối tượng xấu vượt biên trái phép sang Thái Lan để tìm “miền đất hứa”. Không ít gia đình bán hết gia sản nộp lộ phí để lên đường.

Nghe theo lời dụ dỗ của Siu H’Bẽo, ở xã Chư Don, huyện Chư Pưh, tháng 1/2023, anh Siu Phương, SN 1992, xã Ia Hla, huyện Chư Pưh đã bán hết gia sản, đưa vợ con vượt biên sang Thái Lan tìm cuộc sống sung túc. Anh Phương kể: Thông qua mạng xã hội Zalo, tôi nghe một số người nói đi sang Thái Lan sẽ có công việc lương cao nên tò mò tìm hiểu. Họ bảo nếu đi thì chỉ mất chi phí dẫn đường người lớn 26 triệu đồng/người, trẻ con thì tính bằng 1/2 người lớn. Tôi bán đàn bò 6 con, cho thuê rẫy và cầm hết tiền tiết kiệm của hai vợ chồng tổng cộng được 113 triệu đồng, tôi chuyển cho Siu H’Bẽo 3 lần tổng cộng 78 triệu đồng làm chi phí dẫn đường đưa hai vợ chồng và 2 con trai đi Thái Lan. Theo hướng dẫn của các đối tượng, gia đình tôi đón xe khách vào TP. Hồ Chí Minh rồi bắt xe ô tô đi xuống huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp để vượt biên. Trên đường đi, chúng tôi bị cơ quan Công an phát hiện, tạm giữ rồi hỗ trợ quay trở về địa phương.

Cũng tin vào lời hứa có việc làm ổn định, mức thu nhập cao mà giờ đây, gia đình chị Siu H’Piep, SN 1995, xã Ia Le, huyện Chư Pưh rơi vào cảnh trắng tay. Nghe theo lời của đối tượng Siu H’Bẽo, chị Siu H’Piep đã bán chiếc xe công nông đi rẫy, chở nông sản thuê của gia đình và toàn bộ số tiền tiết kiệm nhiều năm để chuyển 90 triệu đồng cho Siu H’Bẽo dẫn đường đi Thái Lan.

Chị Siu H’Piep cho biết: “Chuyển đủ tiền chi phí dẫn đường cho Siu H’Bẽo cả gia đình 4 người, chúng tôi di chuyển theo hướng dẫn của các đối tượng, qua mấy chặng xe mới tới khu vực biên giới của tỉnh Đồng Tháp. Xuống đến nơi, trong lúc hoang mang, lo lắng ngồi chờ để vượt biên thì lực lượng Công an phát hiện, hỗ trợ chúng tôi quay trở về”.

Theo thông tin từ Công an tỉnh Gia Lai, chỉ trong nửa đầu tháng 2/2023, Phòng An ninh điều tra và Phòng An ninh nội địa, Công an tỉnh đã kịp thời phát hiện, ngăn chặn và hỗ trợ 5 nhóm, 19 người DTTS trú tại 2 xã Ia Hla, xã Ia Le (huyện Chư Pưh) và xã Chư Rcăm (huyện Krông Pa) trở về địa phương. Tất cả họ đều bị các đối tượng lừa vượt biên sang Campuchia, Thái Lan để chiếm đoạt tài sản.

Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân bị kẻ xấu dụ dỗ vượt biên trái phép sang Campuchia (tháng7/2022) tại sân bay
Bộ đội Biên phòng tỉnh Gia Lai tiếp nhận và hỗ trợ nạn nhân bị kẻ xấu dụ dỗ vượt biên trái phép sang Campuchia (tháng7/2022) tại sân bay

Giấc mơ thiên đường thành ác mộng

Vượt biên thành công, đến được miền đất hứa, những tưởng cuộc sống sẽ như lời dụ ngọt của các đối tượng xấu, nhưng đó chỉ là mơ. Họ phải sống cảnh cơ cực trong các trại tị nạn, không có tiền, không có việc làm nên ai cho gì ăn đó, bữa đói, bữa no.

Nhớ lại những ngày tháng bị lừa vượt biên sang Campuchia làm việc, Puih Thái ở làng Kloong, xã Ia O, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai thấy mình vẫn còn may mắn khi được trở về quê hương với gia đình. Puih Thái bảo: Hoàn cảnh gia đình khó khăn, không có công ăn việc làm, nương rẫy ít nên muốn tìm công việc mới có thu nhập ổn định đỡ đần gia đình. Không ngờ sang đó, mình không làm được việc theo yêu cầu của họ, bị họ đánh đập hằng ngày, khắp người lúc nào cũng đầy những vết bầm tím, đau lắm, còn nhốt vào phòng kín không có chỗ đi vệ sinh và bị bỏ đói. Không chịu được nữa mình gọi điện về nhà cầu cứu gia đình kiếm tiền chuộc mình về. “Lúc bước chân đi làm ai cũng chỉ nghĩ là sẽ có tiền phụ giúp gia đình, đâu có ngờ sự việc lại ra nông nỗi như thế. Việc làm không như ý, vừa bị hành hạ lại còn mang nợ về cho gia đình”.

Tình trạng dụ dỗ đồng bào DTTS vượt biên trái phép, lừa đảo chiếm đoạt tài sản không chỉ có ở Chư Pưh, Krông Pa mà còn xảy ra ở một số địa phương khác trên địa bàn tỉnh Gia Lai như Đăk Đoa, Chư Sê, Phú Thiện… Hầu hết người lao động khi đặt chân đến các miền đất hứa như Campuchia, Thái Lan, Canada… đều bị đối xử lạnh nhạt, cưỡng ép lao động khổ sở, hoặc phải gọi điện người thân để đưa số tiền lớn chuộc về. Khi không có tiền chuộc thì các đối tượng dọa giết, đánh đập, hành hạ.

Bằng những lời hứa ngon ngọt về “thiên đường” sung sướng và chiêu thức hoạt động tinh vi, các đối tượng đã lừa đảo nhiều người dân nhẹ dạ.


Tin cùng chuyên mục