Khó thay đổi nhận thức
Mặc dù các sản phụ ở các xã Tả Ngảo, Sà Dề Phìn, Làng Mô (huyện Sìn Hồ) đều có thẻ bảo hiểm y tế. Khi đến bệnh viện, trạm y tế, chị em không phải đóng viện phí, nhưng nhiều sản phụ vẫn lựa chọn sinh con tại nhà. Người đỡ đẻ thường là những người bà, người mẹ hoặc là bà lang của bản. Trẻ sinh ra thường được cắt rốn bằng dao, hoặc kéo có sẵn trong nhà; có khi chẻ cây nứa làm dao cắt rốn dẫn đễn dễ bị nhiễm trùng rốn. Theo số liệu thống kê của Trung tâm Y tế huyện Sìn Hồ, năm 2021, trên địa bàn huyện có 220 trẻ dưới 1 tuổi bị viêm phổi, nhiễm trùng rốn, vàng da.
Chúng tôi gặp vợ chồng em Giàng Thị Di (SN 2002) ở bản Hồ Suối Tổng, xã Làng Mô, huyện Sìn Hồ đang chăm sóc đứa con thứ 2 bị ốm. Dù đã 2 tuổi nhưng em bé mới được 6kg, vẫn chưa biết đi, chậm nói so với các em bé cùng lứa tuổi.
Theo chia sẻ của Di, cả hai lần sinh con, Di đều "vượt cạn" tại nhà. Di tâm sự: “Em và một số chị em phụ nữ trong bản muốn đến trạm y tế để đẻ. Nhưng phần vì ngại, phần vì do tục sinh ở nhà có người đỡ đẻ nên thành thói quen rồi. Ở đây đẻ con tại nhà là chuyện thường, ít người đi bệnh viện lắm”.
Ngoài ra, trong quá trình mang thai, Di cũng không đến trạm y tế để thăm khám nên từ ngày em bé sinh ra, cứ một năm lại nhập viện ở Trung tâm Y tế huyện 2 - 3 lần, bác sĩ kết luận em bé bị suy dinh dưỡng, viêm phổi. Cuộc sống lại càng khó khăn hơn với đôi vợ chồng trẻ khi hàng tháng phải tiết kiệm tiền chữa bệnh cho con.
Chia sẻ với chúng tôi về những khó khăn trong việc vận động chị em đến trạm y tế sinh, chị Mùa Thị Sùng, Phó Trạm Y tế xã Tả Ngảo, huyện Sìn Hồ cho biết: Mặc dù trạm đã được đầu tư trang thiết bị đầy đủ, đội ngũ cán bộ y tế không ngừng học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Tuy nhiên, tình trạng sinh con tại nhà trên địa bàn xã Tả Ngảo khá cao, một phần cũng vì nguyên nhân tảo hôn nên sản phụ ngại đến bệnh viện.
"Đội ngũ y tế của trạm cùng với cán bộ xã thường xuyên xuống bản phối hợp trưởng bản, già làng, dòng họ để tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho bà con về việc sinh đẻ tại nhà rất nguy hiểm; những lợi ích khi sinh tại cơ sở y tế nhằm đảm bảo sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh. Nhưng để thay đổi nhận thức của bà con, không phải “một sớm một chiều”, chị Sùng buồn bã chia sẻ.
Cùng lời chia sẻ này, y sĩ Đinh Thị Na, Trạm y tế Mồ Sì San, huyện Phong Thổ cho biết: “Trạm Y tế phối hợp các ban, ngành, đoàn thể xã tuyên truyền, vận động bà con khi mang thai đến trạm để đăng ký quản lý thai, tiêm phòng uốn ván. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng các phụ nữ ngại ra trạm và chỉ muốn đẻ tại nhà”.
Trước thực trạng tỷ lệ đẻ tại nhà còn cao, trong khi nhận thức của người dân trên địa bàn huyện Phong Thổ còn nhiều hạn chế, nhất ở các xã vùng cao, biên giới. Bên cạnh đó, do bất đồng ngôn ngữ, nhiều chị em không biết tiếng phổ thông, bà con thường đi làm trên các lán nương nên cán bộ y tế khó gặp để tuyên truyền.
Bác sĩ Nguyễn Trung Quyền, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Sìn Hồ cho biết: Trung tâm cũng đã khuyến cáo về tình trạng, có rất nhiều nguy cơ khi sinh con tại nhà như: viêm phổi sơ sinh, nhiễm trùng rốn và nguy cơ về phía người mẹ hậu sản cao. Khuyến cáo bà con đến cơ sở y tế để được thăm khám, chờ đẻ là tốt nhất. Tuy nhiên, vẫn chưa giải quyết thấu đáo được việc này.
Đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân
Để giảm thiểu tình trạng sinh con tại nhà, những năm qua, Trung tâm Y tế huyện Sìn Hồ đã tích cực tham mưu cho UBND huyện, chỉ đạo các trạm y tế xã đẩy mạnh công tác phối hợp với các ngành, đoàn thể ở cơ sở, tăng cường công tác rà soát, tuyên truyền, vận động chị em nên đến các cơ sở y tế để sinh con.
Đặc biệt, trong các đợt triển khai chiến dịch chăm sóc sức khỏe sinh sản, tiêm chủng, cán bộ y tế luôn chú trọng tuyên truyền, tư vấn cho phụ nữ độ tuổi sinh đẻ cách chăm sóc thai nhi và sự an toàn khi sinh tại trạm y tế xã.
Trung tâm cũng đã tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân và mối nguy hại khi sinh con tại nhà. Tập huấn, nâng cao tay nghề cho cô đỡ thôn bản .
Tương tự, xác định công tác truyền thông là một trong những giải pháp để nâng cao nhận thức cho bà con, trạm y tế các xã, thị trấn trên địa bàn, huyện Phong Thổ đã đẩy mạnh truyền thông trực tiếp tới các gia đình, lồng ghép tại các cuộc họp bản. Hàng tháng thực hiện thông báo và mời phụ nữ có thai trên địa bàn đến khám, tư vấn, tiêm phòng uốn ván.
Đồng thời, phối hợp với nhân viên y tế thôn bản phát hiện sớm những trường hợp có thai, để tuyên truyền, tư vấn, vận động các chị em đi đến cơ sở y tế đẻ. Các trạm y tế chuẩn bị đầy đủ các dụng cụ, gói đẻ sạch, thuốc men…
Bác sĩ chuyên khoa I Phan Thị Thu Hương, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Lai Châu cho biết: “Trong thời gian qua, số phụ nữ đẻ tại nhà tỷ lệ còn khá cao. Công tác này luôn được Trung tâm quan tâm, chỉ đạo các tuyến cơ sở, tăng cường nâng cao các dịch vụ để giảm thiểu sinh con tại nhà.
Trung tâm đẩy mạnh công tác truyền thông trực tiếp, cũng như gián tiếp dưới nhiều hình thức nhằm chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em. Nâng cao kỹ năng, chất lượng khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe sinh sản; đào tạo, tập huấn cho cán bộ y tế trực tiếp chăm sóc sức khỏe sinh sản trên địa bàn tỉnh tại các tuyến cơ sở”.
Được biết, trước đây tất cả các tuyến xã, bản ở huyện Phong Thổ đều có “cô đỡ thôn bản” đây là đội ngũ tiếp cận cơ sở gần nhất nên hoạt động rất hiệu quả, hàng tháng giúp các trạm y tế xã quản lý, tư vấn, chăm sóc sức khỏe bà mẹ mang thai, sau đẻ và trẻ sơ sinh.
Tuy nhiên, từ tháng 8/2020, nguồn kinh phí chi trả cho cô đỡ thôn bản bị cắt do tỉnh không bố trí được nguồn ngân sách để chi trả phụ cấp hỗ trợ hoạt động cho các cô đỡ. Hiện tại, trên địa bàn huyện có các xã: Nậm Xe, Bản Lang, Mồ Sì San, Ma Ly Pho, Sin Suối Hồ, Hoang Thèn vẫn còn duy trì “cô đỡ thôn bản” nhờ có Tập đoàn Vingroup tài trợ, còn các xã khác hầu như không có. Vì vậy, nếu duy trì được đội ngũ "cô đỡ thôn bản" sẽ góp phần quan trọng trong chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ và trẻ em ở tuyến cơ sở, hạn chế được tỷ lệ sinh con tại nhà.
Những năm qua, ngành Y tế tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp huy động sự vào cuộc của các ban ngành đoàn thể, chính quyền địa phương. Tuy nhiên trong thời gian qua, số phụ nữ sinh con tại nhà vẫn còn cao (chiếm 36,37%), phụ nữ đẻ tại nhà không được cán bộ y tế đỡ 21,7%.
Người xưa có câu: “Người chửa, cửa mả” để nói về mức độ khó khăn, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm đối với mẹ và trẻ trong khi “vượt cạn”. Tuy nhiên, để hạn chế những câu chuyện buồn về sinh đẻ không an toàn, ngoài sự vào cuộc của các cấp, ngành, địa phương, người dân cũng cần nâng cao nhận thức, thay đổi tư duy trong việc sinh con tại nhà. Từ đó, có thể tránh được những sự việc đáng tiếc xảy ra, góp phần giảm tỷ lệ đẻ tại nhà, giảm tai biến sản khoa đến mức thấp nhất.