Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Phụ nữ sinh con tại nhà: Nỗi lo còn đó

PV - 11:15, 13/06/2018

Thời gian qua, ngành Y tế cùng với các cơ quan trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã có nhiều giải pháp nhằm giảm thiểu tình trạng phụ nữ sinh con tại nhà. Tuy nhiên, với đặc thù là tỉnh vùng cao, nơi có nhiều đồng bào DTTS sinh sống, tình trạng sinh con tại nhà vẫn diễn ra, kéo theo nhiều hệ lụy.

Tháng 3 vừa qua, sản phụ 21 tuổi ở xã Xuân Quang, huyện Bảo Thắng tự sinh con tại nhà được mẹ chồng đỡ đẻ. Tuy nhiên, quá trình chuyển dạ khó khăn, bà mẹ không biết phải làm cách nào để đứa bé chui ra nên dùng dao rạch vùng dưới của con dâu. Đến khi thấy không được, gia đình đưa thai phụ vào bệnh viện. Bác sĩ Hà Duy Bình, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Bảo Thắng cho biết: Thai phụ được đưa vào viện trong tình trạng tầng sinh môn phù nề nhiều máu. Đầu thai nhi đã lộ ra. Thai phụ được hỗ trợ sinh thường, sau sinh trẻ khóc ngay, nặng 3,1kg, không có dấu hiệu bị ngạt. Tuy nhiên, các bác sĩ phát hiện vùng đỉnh đầu có nhiều vết xây xát da, có một vết thương dài 7cm, rộng 4cm.

Nhiều trẻ được sinh tại nhà mắc các biến chứng đặc biệt là bệnh uốn ván sơ sinh. Nhiều trẻ được sinh tại nhà mắc các biến chứng đặc biệt là bệnh uốn ván sơ sinh.

“Mặc dù đã kịp thời cứu được cả mẹ và con nhưng em bé vừa ra đời đã phải trải qua cuộc phẫu thuật mổ khâu cấp cứu phục hồi các lớp ở đầu, để lại vết sẹo dài theo trẻ suốt cuộc đời”, bác sĩ Bình phân tích.

Cũng trong tháng 4/2018, Bệnh viện sản nhi Lào Cai tiếp nhận bệnh nhi Lù Thị Sua ở Bản 9, xã Thượng Hà, huyện Bảo Yên bị uốn ván sau khi sinh tại nhà. Bác sĩ Hồ Thị Kim Hoa, Phó Giám đốc Bệnh viện cho biết: Theo hồ sơ bệnh án và người nhà bệnh nhi cho biết: Khi sinh nở, chị Ly Thị Chá không đến cơ sở y tế mà tự sinh tại nhà. Việc sinh đẻ tại nhà đã rất nguy hiểm, nhưng chị Chá khi sinh còn không có các vật dụng bảo đảm vệ sinh, mà ngồi ngay ở ghế, để chăn dưới đất lúc đẻ con ra con rơi xuống không bị đau. Sau khi sinh 2 ngày cháu bé cứ khóc đến lả đi gia đình mới vội vàng chuyển cháu đến bệnh viện. “Cháu bé nhập viện trong tình trạng rất yếu, qua thăm khám cháu bị uốn ván nặng, chúng tôi phải điều trị tích cực bằng việc đặt ống nội khí quản thở máy và duy trì an thần chống co giật 24/24 giờ”.

Trên đây chỉ là hai trong rất nhiều các ca tai biến do các bà mẹ tự sinh con tại nhà trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Theo thống kê của ngành Y tế thì năm 2017, có 34 trường hợp phụ nữ sinh con gặp tai biến sản khoa, khiến 4 người tử vong. Cùng với đó, có 67 trường hợp trẻ sơ sinh tử vong dưới 28 ngày tuổi. Chỉ tính riêng Bệnh viện Sản nhi trong năm 2017 đã tiếp nhận và điều trị 17 trường hợp trẻ sinh tại nhà bị uốn ván, đều là người Mông chủ yếu ở các huyện: Mường Khương, Văn Bàn, Si Ma Cai, Bắc Hà, Bát Xát, Bảo Yên... trong đó có 2 trẻ tử vong.

Bác sĩ Hồ Thị Kim Hoa cho rằng, trẻ bị uốn ván được gia đình đưa đến đều trong tình trạng sốt, cứng hàm, bỏ bú, co giật. Bệnh uốn ván có thể xuất hiện do các tập quán không tốt của người dân. Ví dụ như đồng bào vùng cao thường nuôi nhốt vật nuôi ở gần nhà. Trẻ sơ sinh bị uốn ván là do nha bào uốn ván có trong ruột và phân gia súc xâm nhập qua dây rốn, vì cắt rốn bằng những dụng cụ không vô khuẩn như kéo, dao, dây lạt… hoặc sau khi sinh trẻ không được chăm sóc rốn sạch sẽ, tay người đỡ đẻ không sạch khuẩn, người mẹ khi mang thai không tiêm phòng uốn ván. Uốn ván ở trẻ sơ sinh vô cùng nguy hiểm vì dễ dẫn đến tử vong.

“Việc phụ nữ vùng cao sinh con tại nhà cũng có nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chính vẫn là do nhận thức còn hạn chế. Nhiều chị em sinh con tại nhà một lần không thấy tai biến gì nên nghĩ việc sinh nở đơn giản nên các lần sinh sau vẫn cứ để tại nhà. Suy nghĩ đơn giản về vấn đề sinh con và tâm lý chủ quan, xấu hổ của chị em phụ nữ là tâm lý chung của hầu hết phụ nữ vùng cao, đặc biệt là phụ nữ dân tộc Mông, khiến họ không đến sinh con tại cơ sở y tế”, bác sĩ Hoa cho biết thêm.

Một nguyên nhân nữa khiến cho tình trạng phụ nữ sinh con tại nhà có chiều hướng gia tăng đó là nạn tảo hôn vẫn còn diễn ra tại các xã vùng sâu vùng xa. Theo số liệu khảo sát của Ban Dân tộc tỉnh Lào Cai thì chỉ tính riêng huyện Sa Pa và 6 xã của huyện Bát Xát, từ năm 2015 đến nay, bình quân mỗi năm có 258 cặp vợ chồng tảo hôn; tập trung chủ yếu ở đồng bào dân tộc Mông.

Để giảm thiểu tình trạng phụ nữ sinh con tại nhà theo ông Nguyễn Văn Sửu, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Lào Cai thì truyền thông thay đổi hành vi là yếu tố quyết định để thay đổi nhận thức của phụ nữ vùng cao. Ngoài ra, chính quyền và các đoàn thể phải cùng vào cuộc, tuyên truyền thường xuyên, đưa vào hương ước, quy ước thôn, bản để gắn trách nhiệm giữa bản thân, gia đình với cộng đồng thì mới có thể giảm tình trạng sinh con tại nhà, cũng như nhiều hủ tục khác, như tảo hôn, sinh con dưới tuổi vị thành niên….

TRỌNG BẢO

Tin cùng chuyên mục
Vĩnh Long: Phát huy vai trò của Người có uy tín trong vận động đồng bào DTTS thực hiện Chương trình MTQG 1719

Vĩnh Long: Phát huy vai trò của Người có uy tín trong vận động đồng bào DTTS thực hiện Chương trình MTQG 1719

Toàn tỉnh Vĩnh Long hiện có 46 Người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS. Thời gian qua, đội ngũ Người có uy tín đã phát huy vai trò tiên phong của mình trong việc vận động đồng bào DTTS tham gia thực hiện có hiệu quả các dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: Từ 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719). Nhờ vậy, trong việc triển khai thực hiện các Chương trình MTQG luôn nhận được sự đồng thuận của đồng bào trong vùng thực hiện dự án, từ đó đời sống bà con ngày càng ấm no, diện mạo nông thôn cũng thay đổi tích cực.