Ba nghệ nhân mới được phong tặng dịp này gồm: Bà Nguyễn Thị San, dân tộc Tày, thôn Nà Khương, xã Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên với lĩnh vực: Thực hành và truyền dạy dệt thổ cẩm truyền thống dân tộc Tày; ông Lương Văn Giang, dân tộc Tày, thôn Bản Hón, xã Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên với lĩnh vực: Thực hành và truyền dạy nghi lễ Then Tày; bà Hoàng Thị Huyền, dân tộc Tày, thôn Khuổi Vèng, xã Vĩnh Yên, huyện Bảo Yên với lĩnh vực: Thực hành và truyền dạy hát Then - đàn Tính.
Như vậy, đến thời điểm này, toàn tỉnh Lào Cai có 8 nghệ nhân vinh dự được Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian và tặng Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp văn nghệ dân gian Việt Nam.
Những năm qua, công tác đầu tư phát triển làng nghề đã được triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh Lào Cai, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng thu nhập, tạo việc làm cho lao động nông nhàn; cải thiện, nâng cao đời sống nông thôn, góp phần xóa đói giảm nghèo; đồng thời tận dụng được nguồn nguyên liệu tại chỗ của địa phương. Định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Lào Cai phát triển ngành nghề nông thôn trong các làng nghề tiểu thủ công nghiệp gắn với phát triển sản phẩm OCOP để bảo đảm đầu ra cho các sản phẩm, tạo động lực để các cơ sở sản xuất phát triển về quy mô và chất lượng; tiếp tục đẩy mạnh lồng ghép nguồn kinh phí hỗ trợ khuyến công để hỗ trợ đầu tư các làng nghề, cơ sở ngành nghề nông thôn.
Đồng thời, rà soát quy hoạch ngành nghề nông thôn, xây dựng các dự án thành phần, trong đó tập trung ưu tiên xây dựng các đầu tư vào các lĩnh vực trọng điểm và là lợi thế của tỉnh; xây dựng Chương trình bảo tồn làng nghề gắn với du lịch và xây dựng nông thôn mới; tham mưu ban hành chính sách hỗ trợ các làng nghề sau công nhận và chính sách hỗ trợ phát triển các nghề mới; tiếp tục rà soát và lập hồ sơ công nhận danh hiệu các nghề và làng nghề. Quy hoạch, thành lập các cụm công nghiệp làng nghề để thu hút, bố trí các cơ sở vào sản xuất tập trung.