Hiện nay, tỉnh Lai Châu đang dồn toàn lực để khắc phục thiệt hại, tìm kiếm người mất tích. Tuy nhiên, có một thực tế đó là các vùng bị ngập lụt sau mưa lũ, sạt lở đất có nguy cơ cao bùng phát dịch bệnh.
Nguy cơ bùng phát dịch bệnhSìn Hồ là một trong các huyện bị thiệt hại lớn sau mưa lũ. Bác sĩ Hoàng Việt Bắc, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Sìn Hồ cho biết: Ngay sau mưa lũ, ngành Y tế huyện đã tiến hành khử trùng tiêu độc cho tất cả những điểm bị ngập lụt. Việc tiêu trùng, khử độc được tiến hành thường xuyên, liên tục, nước rút đến đâu triển khai đến đó.
“Song song với việc tiêu trùng khử độc, chúng tôi tăng cường công tác truyền thông, hướng dẫn người dân vùng lũ ăn ở vệ sinh, hướng dẫn người dân sử dụng viên CloraminB để khử nước, khơi thông cống rãnh thoát nước, chuồng trại... với mục tiêu giảm thiểu nguy cơ dịch bệnh bùng phát tại các điểm ngập lụt”, bác sĩ Bắc cho biết thêm.
Trận mưa lũ vừa qua khiến cho nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh bị ngập, lượng bùn rác, xác động vật chết... gây ô nhiễm môi trường là những yếu tố có thể gây dịch bệnh rất lớn. Một trong những nguy cơ cao nhất, đó là ô nhiễm nguồn nước sau lũ. Chính vì vậy, ưu tiên hàng đầu hiện nay của ngành Y tế Lai Châu là cung cấp các hóa chất khử khuẩn, trong đó có hóa chất xử lý nguồn nước, hóa chất xử lý môi trường và các hóa chất diệt côn trùng... để giảm nguy cơ dịch bệnh sau lũ.
Bên cạnh đó việc tuyên truyền cũng được đẩy mạnh để người dân nắm vững những yêu cầu tối thiểu trong việc giữ gìn vệ sinh, giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh về tiêu hóa, hô hấp...
Hiện nay, để khắc phục công tác phòng chống dịch bệnh, Sở Y tế tỉnh Lai Châu cũng đề nghị Bộ Y tế cấp bổ sung 300kg CloraminB để tẩy uế môi trường và 1.500 viên CloraminB để xử lý nước ăn cho người dân vùng lũ.
“Tuy nhiên, điều quan trọng trong công tác phòng chống dịch bệnh vẫn là ý thức của người dân. Để chủ động phòng chống dịch bệnh trong mùa mưa lũ, chúng tôi khuyến cáo người dân nên lựa chọn thực phẩm và chế biến thực phẩm an toàn, hợp vệ sinh, thực hiện “ăn chín, uống sôi”. Thau rửa bể nước, dụng cụ chứa nước và dùng hóa chất để khử trùng nước ăn uống và sinh hoạt theo hướng dẫn của nhân viên y tế; thực hiện nguyên tắc nước rút đến đâu làm vệ sinh đến đấy, thu gom, xử lý và chôn xác xúc vật theo hướng dẫn của nhân viên y tế. Khi có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm bệnh, người dân cần đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế gần nhất...”, ông Nguyễn Văn Đối, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Lai Châu khuyến cáo.
Vẫn còn nhiều nơi bị cô lậpĐến thời điểm này, vẫn còn hàng nghìn hộ dân trên địa bàn huyện Mường Tè vẫn đang bị cô lập. Ông Mai Văn Thạch, Chủ tịch UBND huyện Mường Tè cho biết: “Chỉ riêng xã Pa Vệ Sủ, cách trung tâm huyện 20km nhưng có tới 50 điểm bị sạt lở lớn nhỏ, một điểm đứt đường hoàn toàn. Vì vậy, dù mưa lũ đã xảy ra gần một tuần, song hiện tuyến đường vào xã vẫn chưa thể thông tuyến. Do không thể đi lại được nên hiện một số mặt hàng thiết yếu ở xã đã bắt đầu khan hiếm, giá một số mặt hàng đã bắt đầu tăng”, ông Thạch cho biết thêm.
Để khắc phục thiệt hại sau mưa lũ, đặc biệt là đẩy nhanh tiến độ thi công các tuyến đường giao thông bị sạt lở, huyện Mường Tè yêu cầu các đơn vị thực hiện nhiệm vụ phải huy động hết máy móc và nhân công để san gạt đất đá bị sạt lở, nhanh chóng thông đường tạm thời để người dân đi lại. Trước mắt, huyện tập trung khắc phục thông tuyến tới trung tâm các xã.
Một khó khăn hiện nay là nguy cơ thiếu đói đối với các xã, bản đang bị cô lập chia cắt nếu thời gian thông tuyến giao thông kéo dài.
“Để giải quyết nguy cơ thiếu đói của bà con các xã đang bị cô lập, bên cạnh việc đốc thúc các đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ thi công các điểm sạt lở, thông tuyến trong thời gian sớm nhất. Chúng tôi chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các xã tăng cường tuyên truyền, vận động bà con tương trợ, giúp nhau vượt qua khó khăn. Đồng thời, chỉ đạo các lực lượng tìm mọi cách tiếp cận, tiếp tế những mặt hàng thiết yếu cho đồng bào”, ông Thạch chia sẻ.
TRỌNG BẢO