Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Tỉnh Cao Bằng phản hồi thông tin về Dự án Thủy điện Mông Ân

PV - 10:50, 02/08/2019

Báo Dân tộc và Phát triển số 1522, ra ngày 31/5/2019, có đăng bài viết “Thủy điện Mông Ân, Cao Bằng: Nhiều khuất tất cần làm rõ!”. Ngay sau khi bài báo được đăng tải, lãnh đạo UBND tỉnh Cao Bằng đã có buổi làm việc trực tiếp với phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển; đồng thời có công văn trả lời xung quanh vấn đề mà Báo nêu.

Thừa nhận “lỗi đánh máy”

Trong bài báo “Thủy điện Mông Ân, Cao Bằng: Nhiều khuất tất cần làm rõ!” đăng trên số báo 1522, Báo Dân tộc và Phát triển có nêu thông tin “Tại Nghị quyết số 20/NQ- HĐND ngày 8/12/2017 của HĐND tỉnh Cao Bằng, thông qua danh mục các dự án, công trình thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Cao Bằng năm 2018 (NQ 20), đã xếp công trình Thủy điện Mông Ân vào diện công trình do Thủ tướng chấp thuận, quyết định đầu tư mà phải thu hồi đất. Tuy nhiên, qua kiểm chứng tại Bộ Công thương thì công trình Thủy điện Mông Ân không thuộc mục này.”

Trao đổi trực tiếp với phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển, ngày 2/7/2019, ông Nguyễn Trung Thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng thừa nhận, thông tin mà Báo Dân tộc và Phát triển nêu là chính xác. Qua rà soát, UBND tỉnh phát hiện nội dung ghi tại NQ20 là sai sót của bộ phận văn thư, đánh máy.

Lãnh đạo tỉnh Cao Bằng trong buổi làm việc với phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển về vấn đề Thủy điện Mông Ân. Lãnh đạo tỉnh Cao Bằng trong buổi làm việc với phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển về vấn đề Thủy điện Mông Ân.

Công văn số 2392/UBND–NĐ của UBND tỉnh Cao Bằng ra ngày 9/7/2019 về việc thông tin trả lời nội dung của Báo Dân tộc và Phát triển về bài viết “Thủy điện Mông Ân, Cao Bằng nhiều khuất tất cần làm rõ!” (công văn 2392) do ông Lý Văn Kính, Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh Cao Bằng ký cũng một lần nữa khẳng định điều này.

Công văn 2392 nêu: “Đây là sự nhầm lẫn trong việc đưa vào phụ lục, vì theo quy định tại khoản 2 điều 62 Luật Đất đai năm 2013 thì “công trình dự án do Thủ tướng Chính Phủ chấp thuận, quyết định đầu tư mà phải thu hồi đất” đã thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế-xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Còn mục đích tổng hợp danh mục Dự án Thủy điện Mông Ân để trình HĐND tỉnh để thông qua, là thực hiện tại khoản 3 điều 45; điểm b khoản 3 điều 62 của Luật Đất đai năm 2013.

Về bản chất, Dự án Thủy điện Mông Ân thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất theo điểm b khoản 3, điều 62 của Luật Đất đai năm 2013, và từ năm 2016 tại Nghị quyết số 71/NQ-HĐND ngày 8/12/2016 của HĐND tỉnh Cao Bằng, Dự án đã được đưa vào danh mục dự án thu hồi đất để phát triển kinh tế-xã hội vì lợi ích quốc gia công cộng”.

Cần đảm bảo quyền lợi của người dân

Đối với thông tin người dân phản ánh về việc “công trình có mức đầu tư hơn 900 tỷ đồng, nhưng phương án đền bù chỉ vẻn vẹn hơn 5 tỷ đồng”, UBND tỉnh Cao Bằng phản hồi tại Công văn 2392 như sau: “Tổng hợp theo các quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của UBND huyện Bảo Lâm là trên 18,5 tỷ đồng, không như phản ánh của một số hộ dân mà báo đã nêu là “phương án đền bù hỗ trợ chỉ vẻn vẹn hơn 5 tỷ đồng”. (3 quyết định trên cụ thể như sau, tại Quyết định số 1579/QĐ – UBND ngày 12/7/2017, “hạng mục Công trình chính, khu phụ trợ lán trại và điều chỉnh cục bộ Quốc lộ 34” (Đợt 1), với tổng mức giá trị phương án bồi thường trên 13,3 tỷ đồng; Quyết định số 2172/QĐ–UBND ngày 21/9/2018, “hạng mục công trình chính, khu phụ trợ lán trại và điều chỉnh cục bộ Quốc lộ 34 (Đợt 2) với tổng giá trị bồi thường trên 564 triệu đồng; Quyết định số 32/QĐ–UBND ngày 10/1/2019 “hạng mục lòng hồ” với tổng mức giá trị phương án bồi thường là trên 4,6 tỷ đồng”).

Đối với thông tin bài báo nêu: “Năm 2017, công trình Thủy điện Mông Ân triển khai trên địa bàn số diện tích của khoảng 70 hộ dân ở 2 thôn Nà Ca, thị trấn Pác Miầu và thôn Nà Héng, xã Nam Quang với giá đền bù quá thấp”, UBND tỉnh Cao Bằng đã phản hồi: “Theo Quyết định số 1579/QĐ–UBND, ngày 12/7/2017 của UBND huyện Bảo Lâm về việc phê duyệt dự toán bồi thường, hỗ trợ và tái định cư công trình Thủy điện Mông Ân, hạng mục công trình chính, khu phụ trợ lán trại và điều chỉnh cục bộ Quốc lộ 34, thị trấn Pác Miầu, huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng (đợt 1) tổng giá trị phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư là trên 13,3 tỷ đồng, số hộ nhận bồi thường hỗ trợ là 35 hộ”.

Qua trao đổi thêm với người dân tại khu vực bị thu hồi đất lòng hồ Thủy điện Mông Ân; người dân tiếp tục phản ánh, cách đền bù của chính quyền địa phương là chưa công bằng. Bởi lẽ, “Thủy điện Mông Ân” có 2 hạng mục thu hồi, giải phóng mặt bằng. Trong đó, hạng mục chính, công trình phụ trợ lán trại và điều chỉnh cục bộ Quốc lộ 34 cho khoảng 35 hộ với tổng số tiền là trên 14,6 tỷ đồng (chia làm 2 đợt). Còn hạng mục vùng lòng hồ có hơn 70 hộ thuộc diện phải di dời nhưng chỉ đền bù hơn 4,6 tỷ đồng nên người dân không đồng thuận. Vì vậy, họ không đồng ý với phương án đền bù này.

Ngoài ra, một số hộ còn cho rằng, trình tự thủ tục thu hồi đất của chính quyền không hợp lý. Thay vì tiến hành đền bù, hỗ trợ xong mới tiến hành triển khai công trình thì chính quyền huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng lại làm ngược lại.

 

Chính quyền cần sớm giải quyết búc xúc và đảm bảo an toàn cho người dân trong quá trình thi công công trình. Chính quyền cần sớm giải quyết búc xúc và đảm bảo an toàn cho người dân trong quá trình thi công công trình.

Trả lời thông tin bài báo nêu, UBND tỉnh Cao Bằng khẳng định, hiện nay, tỉnh đã thực hiện hoàn thành giải phóng mặt bằng hạng mục công trình chính, khu phụ trợ lán trại và điều chỉnh cục bộ Quốc lộ 34, thị trấn Pác Miầu, xã Nam Quang, huyện Bảo Lâm. Riêng hạng mục lòng hồ thị trấn Pác Miầu, xã Nam Quang chưa thực hiện giải phóng xong mặt bằng.

“Chính quyền các cấp cũng đã cam kết với các hộ dân tại khu vực lòng hồ, khi giải phóng mặt bằng mới tích nước, nếu sau khi vận hành ảnh hưởng đến đất đai, hoa màu, vật kiến trúc của dân sẽ thực hiện đền bù bổ sung”, nội dung trong Công văn 2392 nêu rõ.

Tuy nhiên, với cách làm mà nội dung công văn đề cập cho thấy, chính quyền các cấp tỉnh Cao Bằng đã không rà soát, khảo sát kỹ mức độ ảnh hưởng, thiệt hại trước khi tiến hành tích nước thủy điện. Ngoài ra, tỉnh Cao Bằng cũng không có phương án bố trí tái định cư cho người dân bị mất đất vùng lòng hồ. Thực tế này sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro, nếu quá trình thi công tích nước có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc sạt lở đất, khi ấy thiệt hại không chỉ là tài sản mà còn có thể là tính mạng và sức khỏe của người dân.

Có thể nói, với sự vào cuộc của lãnh đạo UBND tỉnh Cao Bằng đã thể hiện sự quan tâm tới những phản ánh, bức xúc của người dân xung quanh Dự án Thủy điện Mông Ân. Báo Dân tộc và Phát triển và đông đảo bạn đọc ghi nhận sự cầu thị, tiếp thu của lãnh đạo UBND tỉnh Cao Bằng đối với những vấn đề báo chí phản ánh. Tuy nhiên, để giải quyết dứt điểm vấn đề trên, chính quyền địa phương và chủ đầu tư cần xem xét, giải quyết thỏa đáng những tồn tại để đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân.

HIẾU ANH

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.