Hơn 10 năm trước (ngày 17/3/2014), đồng bào các dân tộc thiểu số xã Hồng Hạ (huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế) vinh dự đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đoàn công tác Trung ương đến thăm, khảo sát tình hình xây dựng nông thôn mới, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội tại đây.
Trong chuyến thăm này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dành tặng 2 món quà đặc biệt cho xã Hồng Hạ (huyện A Lưới), đó là công trình nhà Gươl truyền thống và cầu dân sinh Ưng Hồng, bắc qua thượng nguồn sông Bồ.
Ông Hồ Viết Lương, Chủ tịch UBND xã Hồng Hạ cho biết, nhà Gươl truyền thống là một thiết chế văn hóa tiêu biểu, độc đáo, có ý nghĩa quan trọng trong văn hóa tinh thần, đời sống xã hội và tín ngưỡng của đồng bào các dân tộc thiểu số tại Hồng Hạ nói riêng, huyện A Lưới nói chung.
Cùng với đó, khu tái định cư Cu Mực - Căn Hoa, nơi sinh sống của 66 hộ dân bị cách trở bởi con sông Bồ. Người dân muốn ra ngoài phải lội qua sông, vào mùa mưa lũ, nơi đây bị cô lập hoàn toàn với bên ngoài.
"Hôm đó tôi đã thay mặt Đảng ủy xã và Nhân dân báo cáo tình hình thực tế với Tổng Bí thư, mạnh dạn đề xuất chủ trương xây dựng 2 công trình nhà Gươl truyền thống và cầu Ưng Hồng bắc qua thượng nguồn sông Bồ, nằm trên tuyến đường dẫn vào khu tái định cư Cu Mực - Căn Hoa.
Tổng Bí thư đã đồng ý ngay với đề xuất rất thiết thực này của tôi và chỉ đạo bộ, ban, ngành Trung ương phối hợp chính quyền địa phương triển khai các thủ tục đầu tư xây dựng", ông Lương nhớ lại.
Với sự quan tâm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, công trình nhà Gươl truyền thống xã Hồng Hạ được khánh thành, đưa vào hoạt động từ năm 2018, với các hạng mục: nhà Gươl, sân thể thao, không gian ngoài trời để trưng bày hiện vật, không gian sinh hoạt các lễ hội đặc trưng, hệ thống đường nội bộ, cây xanh, thảm cỏ. Tổng mức đầu tư công trình là hơn 7 tỷ đồng.
Đồng thời, cây cầu Ưng Hồng cũng được xây dựng hoàn thành với tổng vốn khoảng 13 tỷ đồng, giúp người dân khu tái định cư Cu Mực - Căn Hoa đi lại thuận lợi, giao thương hàng hóa với bên ngoài, qua đó phát triển kinh tế hộ gia đình…
Tiếp đó, tháng 4/2017, trong chuyến thăm và làm việc tại tỉnh Gia Lai, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến thăm cán bộ và Nhân dân xã Ayun, huyện Chư Sê. Đây là xã anh hùng, giàu truyền thống cách mạng, có nhiều đóng góp trong thời kỳ kháng chiến nhưng kinh tế còn rất khó khăn, hoạt động sản xuất chủ yếu của địa phương là nông nghiệp nhưng chỉ chờ vào trời mưa, mỗi năm sản xuất một vụ lúa, thời gian còn lại đất đai bỏ hoang.
Sau khi lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của bà con xã Ayun, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ đạo Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương và địa phương ưu tiên bố trí nguồn vốn để triển khai dự án hồ thủy lợi Plei Keo. Nhờ sự chỉ đạo sâu sát của Tổng Bí thư, vào tháng 6/2018, dự án hồ thủy lợi Plei Keo được khởi công xây dựng với tổng mức đầu tư 120 tỷ đồng. Đến cuối năm 2019, công trình hoàn thành và phục vụ nước tưới cho khoảng 500ha cây nông nghiệp.
Niềm vui khôn xiết của bà con nơi đây khi dòng nước mát đã về tưới cho khắp các cánh đồng. Ông Đinh A Nhur (SN 1951, trú tại làng Achông, xã Ayun) cho hay, trước đây, đời sống dân làng gặp rất nhiều khó khăn, làm không đủ ăn, thường xuyên thiếu đói.
“Từ khi có công trình hồ thủy lợi Plei Keo, nước được đưa vào chân ruộng, dân làng đã biết sản xuất lúa nước 2 vụ, 3 vụ. Nhờ đó, đời sống khấm khá lên, không còn lo đói nữa, nhiều hộ mỗi vụ thu cả trăm bao lúa. Cảm ơn Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tặng cho bà con món quà thiết thực này”, ông A Nhur bày tỏ.
Cũng vào cuối năm 2017, trong buổi chiều ngày 18/12, tại trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có buổi gặp mặt thân mật 80/512 đại biểu tiêu biểu dự Lễ Tuyên dương Người có uy tín, nhân sỹ trí thức, doanh nhân dân tộc thiểu số tiêu biểu toàn quốc năm 2017.
Tại buổi gặp mặt, thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng biểu dương và gửi lời chúc mừng nồng nhiệt đến những Người có uy tín, các nhân sỹ trí thức, doanh nhân tiêu biểu người dân tộc thiểu số nhân buổi gặp mặt. Tổng Bí thư hoan nghênh UBDT đã có sáng kiến tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ tổ chức “Lễ Tuyên dương Người có uy tín, nhân sĩ trí thức, doanh nhân DTTS tiêu biểu toàn quốc năm 2017 ”. Đây là hoạt động có ý nghĩa thiết thực, nhằm tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của cộng đồng các dân tộc.
Tổng Bí thư nhấn mạnh, những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; dành nguồn lực đáng kể để đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói giảm nghèo, kết quả đạt được rất quan trọng. Đời sống mọi mặt của đồng bào các DTTS cũng vì thế được nâng lên rõ rệt.
Tuy vậy, Tổng Bí thư vẫn bày tỏ băn khoăn trước những khó khăn khách quan của đồng bào DTTS và vùng DTTS ở nhiều địa phương. Tổng Bí thư mong muốn, đội ngũ Người có uy tín, nhân sĩ trí thức và doanh nhân DTTS tiếp tục phát huy trí tuệ và tinh thần trách nhiệm cao để biến quyết tâm ấy thành hiện thực, đưa các vùng đồng bào DTTS phát triển.
Để làm được điều đó, Tổng Bí thư cho rằng, các cấp ủy, chính quyền, đồng bào cả nước và nhất là đồng bào DTTS cần tiếp tục quán triệt, vận dụng tư tưởng của Bác Hồ về tinh thần đại đoàn kết. Phải xác định các dân tộc Việt Nam là anh em một nhà, phải luôn đoàn kết, chia bùi sẻ ngọt, cùng nhau xây dựng địa phương, đất nước phát triển. Lịch sử cho thấy, dân tộc Việt Nam thắng được kẻ thù xâm lược hùng mạnh, khắc phục những khó khăn, thử thách to lớn trong nhiều giai đoạn cách mạng là nhờ sức mạnh đoàn kết. Đó là sự đoàn kết trong mỗi dân tộc, giữa các dân tộc, giữa Việt Nam với bạn bè thế giới.
Tổng Bí thư mong muốn, đội ngũ nhân sĩ trí thức người DTTS phải thực sự là nhân tố quan trọng, tạo sức lan tỏa, truyền cảm hứng, khơi dậy tinh thần học tập toàn diện; dành tâm huyết nghiên cứu, góp phần giải quyết những vấn đề nổi lên trong cuộc sống, làm sâu sắc thêm lòng tự hào, tự tin của đồng bào; góp phần tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao để thúc đẩy vùng DTTS và miền núi hội nhập, phát triển cùng đất nước. Các đại biểu phải ý thức về việc tiếp tục làm giàu cho bản thân và địa phương, đó là sự làm giàu không chỉ về kinh tế, mà giàu về cả trí tuệ, năng lực, sức khỏe....
Nhân dịp này, Tổng Bí thư đề nghị các đại biểu tiếp tục quán triệt sâu sắc và thực hiện có hiệu quả các quan điểm, chủ trương, đường lối, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước; tập trung xây dựng vùng dân tộc và miền núi phát triển nhanh về kinh tế, văn hóa, xã hội, vững mạnh về an ninh, quốc phòng cùng với sự phát triển chung của cả nước. Tổng Bí thư cũng gợi ý, việc tuyên dương Ncó uy tín trong đồng bào DTTS nên tổ chức thường xuyên, với hình thức phong phú, tạo ý nghĩa xã hội và sức lan tỏa trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam…
Còn đối với đồng bào các dân tộc ở xã Dur Kmăl, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk đến bây giờ vẫn nhớ như in những cử chỉ ân cần của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi về thăm và dự Ngày hội đại đoàn kết các dân tộc tại xã vào cuối năm 2018.
Ông Trần Quốc Toàn, Bí thư, Chủ tịch UBND xã Dur Kmăl cho biết, những lời căn dặn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong buổi nói chuyện với cán bộ và Nhân dân tại Ngày hội đã trở thành kim chỉ nam để địa phương nơi đây phấn đấu và đoàn kết một lòng cùng nhau xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Ông Toàn xúc động nhớ lại, ngày hôm ấy, ngoài việc ân cần thăm hỏi, động viên, chia sẻ những khó khăn với đồng bào các dân tộc trong xã, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói: “Hôm nay tôi về thăm xã, đi trên đường tận mắt, đến đây nghe báo cáo và gặp bà con, thấy có nhiều đổi thay phát triển. Ở xã có 99% con em được đi học tiểu học, đời sống kinh tế sản xuất đổi thay phát triển, tôi rất ghi nhận! Xã ta xứng đáng là xã Anh hùng… Đố các ông, các bà và mọi người biết vì sao xã ta được xã Anh hùng? Chắc mọi người sẽ nói là nhờ sự lãnh đạo của Đảng và sự đóng góp công sức, lao động của Nhân dân. Không chỉ có thế, mà điều quan trọng nhất đó là nhờ có sự đoàn kết, đại đoàn kết các dân tộc. Như Bác Hồ đã nói “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công!". Xã ta và đất nước ta cũng nhờ có xây dựng khối đoàn kết mới có sức mạnh to lớn. Và muốn đoàn kết phải có Mặt trận. Lâu nay, Đảng ta và Bác Hồ chủ trương đoàn kết ngày càng rộng rãi. Vì vậy mà có những thành công vang dội, cả thế giới biết đến. Bác Hồ đã từng nhấn đi nhấn lại, sự đoàn kết là vô cùng quan trọng!”…
Cũng trong những ngày cuối năm 2018, dù bộn bề việc nước nhưng tại Phủ Chủ tịch, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng vẫn dành thời gian gặp mặt, thăm hỏi động viên và dặn dò 163 đại biểu Người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số khu vực biên giới về dự chương trình “Điểm tựa của bản làng” do Tạp chí Cộng sản phối hợp với Ủy ban Dân tộc, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng tổ chức.
Tại buổi gặp mặt, qua báo cáo của Ủy ban Dân tộc và ý kiến của các đại biểu, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước bày tỏ sự vui mừng, phấn khởi, vì cùng với sự phát triển của cả đất nước, cả dân tộc thì vùng đồng bào DTTS và tất cả mọi miền của đất nước, trên các vùng biên giới cũng phát triển nhanh và đời sống được cải thiện nhiều.
Trò chuyện, tâm tình với các đại biểu, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cho rằng, nguyên nhân căn bản của những thay đổi này là sự đoàn kết vững chắc của 54 dân tộc anh em trên mọi miền Tổ quốc dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, thực hiện đúng theo lời Bác Hồ dạy: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, các già làng, trưởng bản là những người tiêu biểu, gương mẫu, là “điểm tựa cho mọi điểm tựa khác” của bản làng. Thời gian tới, trong bối cảnh đất nước còn phải đối mặt với nhiều thách thức về kinh tế, thiên tai bão lũ, thế lực chống phá của kẻ địch từ bên ngoài…, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước mong muốn đồng bào các dân tộc thiểu số tiếp tục đồng hành cùng Nhân dân cả nước, phát huy truyền thống, sự kiên cường, bất khuất, tinh thần đoàn kết dân tộc, tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc vững chắc ở cả vùng biển, vùng trời, đặc biệt là các vùng biên giới…
Những câu chuyện thực tế về tình cảm đặc biệt của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với đồng bào DTTS và đội ngũ Người có uy tín trong cả nước đã để lại ấn tượng sâu sắc và tình cảm đặc biệt trong lòng đồng bào cả nước. Những câu chuyện thực tế và những lời dặn dò của Tổng Bí Thư chính là tài sản vô giá trong sự nghiệp xây dựng, phát triển khối đại đoàn kết toàn dân tộc.