Cùng dự buổi làm việc, có đại diện lãnh đạo các cơ quan, bộ, ngành Trung ương.
Báo của Tỉnh ủy Bình Phước tại buổi làm việc cho biết, công tác bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được triển khai với những kết quả tốt, thông qua nhiều kế hoạch, chương trình cụ thể, thiết thực.
Các lực lượng vũ trang trong tỉnh thực hiện hiệu quả công tác nắm tình hình, quản lý, bảo vệ biên cương, giữ vững chủ quyền lãnh thổ.
Công tác đối ngoại được quan tâm triển khai đồng bộ, đi vào chiều sâu với nhiều hoạt động nhằm huy động các nguồn lực bên ngoài, góp phần xây dựng và phát triển kinh tế, xã hội tỉnh, đất nước.
Công tác nội chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và cải cách tư pháp được các cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục triển khai nghiêm túc theo các quy định của Đảng, Nhà nước...
Tại buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh Bình Phước đã kiến nghị, đề xuất với Chủ tịch nước một số nội dung về phát triển dân cư ở một số địa bàn; triển khai các nhiệm vụ bảo vệ an ninh quốc gia; tăng cường xử lý tội phạm trên không gian mạng, đào tạo tiếng dân tộc thiểu số cho cán bộ cơ sở…
Sau khi lắng nghe ý kiến phát biểu, trao đổi của các đồng chí lãnh đạo tỉnh và các cơ quan, bộ, ngành Trung ương, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã điểm lại những thành tựu nổi bật trong thực hiện nhiệm vụ của tỉnh trong thời gian qua, đồng thời khẳng định: Năm 2023, trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, tình hình kinh tế còn khó nhiều khó khăn, song Đảng bộ và nhân dân, cùng lực lượng vũ trang tỉnh Bình Phước đã nỗ lực phấn đấu, vượt qua khó khăn, bảo vệ vững chắc biên giới, giữ vững an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, góp phần quan trọng trong phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh.
Khái quát tình hình thế giới, khu vực còn tiếp tục diễn biến phức tạp, mau chóng, khó lường, tiềm ẩn nhiều yếu tố mất ổn định, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng lưu ý, Bình Phước cần có sự thích ứng, đáp ứng thực tế ngày càng cao. Tỉnh cần tiếp tục quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng về quốc phòng, an ninh, đối ngoại, gắn với phát triển kinh tế-xã hội, cụ thể hóa bằng các kế hoạch, chương trình hành động, giải pháp phù hợp với tỉnh, bảo vệ vững chắc chủ quyền, lãnh thổ, giữ vững an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.
Phải gắn bó chặt chẽ giữa bảo đảm quốc phòng, an ninh với phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng khó khăn.
Về quốc phòng, an ninh, Chủ tịch nước nhấn mạnh, cần tăng cường công tác nắm, phân tích, đánh giá, dự báo tình hình liên quan quốc phòng, an ninh để có phương án đấu tranh hiệu quả. Phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị, nhất là các già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng, trong công tác vận động nhân dân tham gia tố giác với các hành vi sai phạm từ khi còn manh nha.
Tích cực đổi mới, nâng cao chất lượng công tác huấn luyện, diễn tập, nâng cao sức mạnh tổng hợp, trình độ và khả năng sẵn sàng chiến đấu, nền nếp chính quy. Duy trì nghiêm chế độ sẵn sàng chiến đấu, quản lý chặt chẽ biên giới, nội địa. Chủ động ứng phó hiệu quả với các thách thức an ninh phi truyền thống; thực hiện tốt nhiệm vụ phòng thủ dân sự, ứng phó sự cố thiên tai, tìm kiếm, cứu nạn.
Theo Chủ tịch nước, tỉnh cần chú trọng nâng cao chất lượng hoạt động của dân quân tự vệ, dự bị động viên; coi trọng xây dựng lực lượng dân quân thường trực, dân quân ở những địa bàn trọng điểm, tuyến biên giới. Thường xuyên tổ chức tuần tra quản lý biên giới, quản lý xuất nhập cảnh, quản lý cư trú; giữ gìn trật tự trị an, nhất là tại các khu vực cửa khẩu.
Chú trọng công tác bảo vệ an ninh chính trị nội bộ, an ninh thông tin, an ninh kinh tế, triển khai các biện pháp bảo vệ bí mật nhà nước, phòng, chống việc móc nối, thâm nhập, cài cắm nội gián; phát hiện, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm các đối tượng chống đối, phần tử cơ hội, bất mãn chính trị; đấu tranh, phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh từ cơ sở.
Về công tác đối ngoại, Chủ tịch nước đề nghị tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh, phát huy hơn nữa mối quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa Việt Nam và Campuchia. Tăng cường phối hợp giữa đối ngoại với quốc phòng, an ninh, kết hợp với phát triển kinh tế-văn hóa-xã hội với nước bạn, nhất là các địa bàn biên giới.
Phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng của nước bạn Campuchia tổ chức các đợt tuần tra, bảo vệ an toàn đường biên, mốc giới, đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Tỉnh cần tổ chức thực hiện pháp luật nghiêm minh, nhất quán; bảo đảm thượng tôn Hiến pháp và pháp luật. Đẩy mạnh cải cách tư pháp, bảo đảm tính độc lập của tòa án theo thẩm quyền xét xử, thẩm phán, hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực pháp luật; phát triển nhân lực tư pháp đủ số lượng, bảo đảm chất lượng, có cơ cấu hợp lý. Tập trung nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng, xây dựng lực lượng vũ trang trong sạch, vững mạnh…