Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Tín hiệu tích cực từ mô hình bác sĩ gia đình

PV - 14:17, 03/06/2019

Bác sĩ gia đình (BSGĐ) đang ngày càng trở nên phổ biến và là một giải pháp trọng tâm trong việc triển khai y tế cơ sở. Cùng với việc áp dụng nguyên lý y học, mô hình BSGĐ sẽ giúp nâng cao chất lượng và cung ứng dịch vụ tốt hơn cho người dân, góp phần giảm quá tải ở các bệnh viện. Chính vì vậy, ngành Y tế Hà Giang đã tích cực triển khai mô hình BSGĐ tại 33 xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh.

Mô hình Bác sỹ gia đình là một giải pháp trọng tâm trong việc triển khai y tế cơ sở. Mô hình Bác sỹ gia đình là một giải pháp trọng tâm trong việc triển khai y tế cơ sở.

Xã Lũng Cú (huyện Đồng Văn, Hà Giang) là một trong những xã được lựa chọn thí điểm mô hình BSGĐ, với mục tiêu 100% hộ gia đình, người dân trên địa bàn xã được khám, lập hồ sơ và duy trì quản lý sức khỏe toàn diện. Được triển khai từ tháng 3/2019, đến nay hơn 90% người dân ở Lũng Cú đã được lập bộ hồ sơ quản lý sức khỏe theo hộ gia đình và hồ sơ cá nhân.

Hệ thống quản lý sức khỏe toàn dân sẽ cung cấp thông tin cơ bản về sức khỏe, tiền sử bệnh tật của người dân khi có yêu cầu và theo quy định. Mỗi người dân có thể tự biết tình trạng sức khỏe của mình thông qua hệ thống quản lý sức khỏe toàn dân, qua mã định danh và các thông tin bảo mật khác như điện thoại, số chứng minh Nhân dân, mã vạch... Hệ thống này còn phục vụ cho công tác quản lý y tế như đánh giá, phân tích mô hình bệnh tật theo độ tuổi và vùng miền; đồng thời cũng cảnh báo kịp thời về các loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, hay những thông tin y tế quan trọng đối với cộng đồng.

Anh Lỳ Văn Tiến, một người dân tại xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn đã tham gia khám sức khỏe theo mô hình BSGĐ cho biết, bình thường do nhiều công việc nên anh chưa quan tâm đến việc chăm sóc sức khỏe của gia đình. Từ khi có mô hình BSGĐ, anh đã được khám sàng lọc và phát hiện mình bị bệnh cao huyết áp. “Do được phát hiện sớm nên tôi được tư vấn và điều trị, bệnh đã có phần thuyên giảm. Tôi hy vọng, mô hình BSGĐ sẽ tiếp tục được mở rộng để công tác khám sức khỏe theo định kỳ cho người dân được thường xuyên, liên tục hơn. Từ đó giúp người dân có ý thức chăm sóc sức khỏe, kịp thời phát hiện bệnh sớm để điều trị tích cực, từ đó nâng cao chất lượng cuộc sống”, anh Tiến chia sẻ.

Theo ông Lương Viết Thuần, Giám đốc Sở Y tế cho biết, để việc triển khai mô hình BSGĐ ở Hà Giang đạt hiệu quả, Sở Y tế Hà Giang đã phối hợp với Trường Đại học Y dược Thái Nguyên, Y dược Hà Nội mở 25 lớp đào tạo về nguyên lý y học gia đình cho 875 học viên là các bác sĩ, cán bộ, giảng viên cấp tỉnh, bác sĩ đang công tác tại trạm y tế xã; tổ chức 23 lớp đào tạo về quản lý trạm y tế, siêu âm, nguyên lý y học gia đình cho các dược sĩ, y sĩ, điều dưỡng, hộ sinh đang công tác tại 33 trạm y tế xã trong kế hoạch thực hiện mô hình BSGĐ năm 2018-2019.

Ngoài hoạt động khám, chữa bệnh tại phòng khám, các phòng khám BSGĐ thực hiện quản lý sức khỏe, thực hiện công tác phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe ban đầu, tham gia truyền thông phòng bệnh, vận động tiêm chủng…

Cùng đó, Sở Y tế Hà Giang cũng tổ chức khám, lập hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân, đào tạo quản lý bệnh mãn tính cho tuyến huyện, xã; xây dựng module phần mềm hỗ trợ quản lý sức khỏe cá nhân, hộ dân được tích hợp trên phần mềm quản lý y tế xã, phường liên thông.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc triển khai mô hình BSGĐ ở Hà Giang vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Người đến trạm y tế đa số là người nghèo do không đủ điều kiện chi trả phí dịch vụ. Những danh mục được phép khám, chữa bệnh tại trạm y tế còn hạn chế; các trang thiết bị y tế, thuốc điều trị chưa đầy đủ… Vì thế, các trạm y tế phường/xã triển khai mô hình BSGĐ cũng chưa thu hút được sự quan tâm của người dân. Bên cạnh đó, vì là mô hình mới nên chưa được quan tâm đúng mức, việc cấp chứng chỉ hành nghề BSGĐ cũng gặp khó khăn. Phí dịch vụ khám, chữa bệnh loại hình này còn mang tính tự phát, chưa được cơ quan quản lý Quỹ bảo hiểm y tế thanh toán và chính người dân cũng chưa hiểu rõ về mô hình…

Để mô hình tiếp tục được triển khai có hiệu quả, ngoài sự nỗ lực của ngành Y tế, cần có sự phối kết hợp của của các ban, ngành, đoàn thể và nhất là người dân cần hiểu rõ về những lợi ích của mô hình BSGĐ để đặt trọn niềm tin khi được khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe ngay tại gia đình.

HOÀNG QUÝ

Tin cùng chuyên mục
Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Xác định tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao giáo dục pháp luật cho người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS và miền núi có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Quảng Nam đã tích cực triển khai và bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ.