Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Tìm lại giá trị cho áo dài nam

Hồng Minh - 10:29, 18/08/2020

Trong suốt chiều dài lịch sử, nếu áo dài nữ được cách tân, phát triển không ngừng, mang lại sức sống mới cho trang phục, phù hợp với bối cảnh xã hội và thẩm mỹ đương thời thì áo dài nam lại bị lãng quên. Việc tìm lại giá trị cho áo dài nam là rất cần thiết. Dù muộn còn hơn không.

Những năm gần đây, áo dài nam đã được quan tâm và xuất hiện nhiều trong đời sống thường nhật. (Ảnh: Nhóm Đình làng Việt)
Những năm gần đây, áo dài nam đã được quan tâm và xuất hiện nhiều trong đời sống thường nhật. (Ảnh: Nhóm Đình làng Việt)

Ngược dòng lịch sử tìm lại nguồn gốc sự ra đời của áo dài ngũ thân nam giới, ông Nguyễn Đức Bình, Chủ nhiệm nhóm Đình Làng Việt cho biết, theo những tài liệu nghiên cứu văn hóa cổ truyền Việt Nam, áo dài ngũ thân nam ra đời năm 1744, do chúa Nguyễn Phúc Khoát là người đặt nền móng. Áo dài ngũ thân được coi là di sản văn hóa truyền thống bởi khi nhà Nguyễn kế nghiệp đã có công hoàn thiện, trải dài vài ba trăm năm. Chiếc áo dài nam truyền thống có những đặc điểm riêng như: Khi mặc sẽ tạo vẻ khoan thai, tự tin, khiêm nhường, kín đáo và thoải mái. 

Từ sau 1945 trở lại đây, chiếc áo dài truyền thống của đàn ông Việt không còn thịnh hành và cũng ít được nhắc đến. Những tà áo dài ngũ thân nam, khăn đóng chỉ còn tồn tại trong các viện bảo tàng, trong các tác phẩm văn học đương đại, sân khấu điện ảnh, nghệ thuật hội họa và trong tiềm thức của những người cao niên.

Theo các nhà nghiên cứu, những năm 1950, áo dài nam đã có những cải biên nhất định để xuất hiện trên sân khấu; qua thời gian, đã ngấm dần vào thị giác khán giả, hồn nhiên bước vào đời sống. Tuy nhiên, những chiếc áo dài với sự cải biên tùy tiện, đơn giản, giá thành rẻ, thiếu tìm hiểu của người may và cả người mặc.

Những năm gần đây, điều đáng mừng là áo dài nam đã được quan tâm trở lại, với sự xuất hiện thường xuyên hơn trong đời sống thường nhật, trong các sự kiện, nghi lễ ngoại giao. Nhiều nam giới, nhất là thanh niên (cả 3 miền) đã mặc áo dài trong các ngày lễ, từ ngày cưới đến dịp đầu Xuân năm mới, trình diễn nghệ thuật, giao lưu văn hóa… 

Các thành viên trong Nhóm Đình làng Việt mặc áo dài nam truyền thống. (Ảnh: Nhóm Đình làng Việt)
Các thành viên trong Nhóm Đình làng Việt mặc áo dài nam truyền thống. (Ảnh: Nhóm Đình làng Việt)

Bên cạnh sự hồi sinh của trang phục áo dài nam truyền thống trong các dịp lễ, tết, hiện có một số cá nhân, số nhóm đã cố gắng tìm tòi trong di sản văn hóa của dân tộc để bảo tồn, tôn vinh những giá trị của áo dài ngũ thân nam. Trong đó, phải kể đến Câu lạc bộ (CLB) Áo dài nam truyền thống của nhóm Đình Làng Việt được thành lập vào tháng 11/2017. CLB đã quy tụ nhiều người yêu và thể nghiệm áo dài nam truyền thống. Đây là hướng đi đúng đắn nhằm phục dựng áo dài nam truyền thống một cách khoa học, có kế thừa, có thích ứng.

Theo ông Nguyễn Đức Bình, Chủ nhiệm nhóm Đình Làng Việt, để chiếc áo dài nam vừa giữ được vẻ đẹp truyền thống, vừa ứng dụng được trong đời sống ngày nay cần phải nghĩ ra cách để khi mặc không bị nhìn cổ quá nhưng vẫn bám sát truyền thống. Ví dụ không đi guốc như xưa mà đi giầy đen bóng. Quần chỉnh nhỏ đi một chút, quần tây cũng được nhưng phải màu sáng. Hoa văn trang trí trên áo không quá sặc sỡ. Làm sao để áo dài nam phải đi vào đời sống trong những cuộc hội họp, giao lưu.

Từ khi thành lập, những thành viên CLB này chính là những sứ giả tích cực quảng bá thương hiệu quốc gia, văn hóa trang phục và vận động mọi người tự tin mặc áo dài nam trong các dịp lễ, tết. 

Cuối năm 2019, tại Lễ hội Văn hóa dân gian trong đời sống đương đại lần đầu tiên được tổ chức tại Hà Nội hưởng ứng sự kiện Hà Nội gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, CLB Áo dài nam truyền thống đã tổ chức trưng bày, tổ chức các cuộc hội thảo để tiếp nối các hoạt động quảng bá hình ảnh mà nhóm Đình làng Việt triển khai nhiều năm qua. Nhiều hoạt động được tổ chức như: Giao lưu về áo dài nam, lịch sử, đặc điểm, bản sắc văn hóa của áo dài ngũ thân nam giới. CLB còn giới thiệu về cách may, mặc, những vấn đề bảo tồn và phát huy trang phục này.

Ông Nguyễn Đức Bình, Chủ nhiệm nhóm Đình Làng Việt mong rằng, các cơ quan chức năng cần nghiêm túc xem xét sử dụng áo dài ngũ thân cho cả nam và nữ làm lễ phục Nhà nước. “Trong quá trình xây dựng quy định sử dụng áo dài ngũ thân làm lễ phục Nhà nước, cần khẳng định giá trị và biểu tượng văn hóa của trang phục này. Chúng ta nên đề nghị UNESCO ghi danh, khi đó tầm quan trọng của áo dài sẽ được nâng lên rất nhiều”.

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.