Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Tìm hạnh phúc trong việc làm thiện nguyện

PV - 16:51, 15/08/2018

Nơi miền gió cát dằng dặc gian khó, hơn 17 năm qua, có một người phụ nữ tự bỏ tiền túi và vận động thêm từ người thân, bạn bè để tổ chức trao quà cho người nghèo với mỗi năm lên đến cả trăm triệu đồng. Chị cũng tự bỏ tiền để đỡ đầu một số hoàn cảnh kém may mắn tại địa phương. Chị là Hồ Thị Mai, 54 tuổi ở thôn Thi Ông, xã Hải Vĩnh, huyện Hải Lăng, Quảng Trị.

việc làm thiện nguyện Chị Mai đang chăm sóc vườn gừng của mình.

Sẻ chia là hạnh phúc

Ngồi trong căn nhà khang trang, ân cần nói chuyện với bà con lối xóm đến thăm con dâu của chị mới sinh, chị Mai bảo rằng nếu không có bà con lối xóm và một số bạn bè động viên, giúp đỡ chắc chị không có được cuộc sống như bây giờ. “Tôi nhớ lại những bát cơm độn khoai sắn, những con cá, mớ tép mùa giáp hạt cùng những lời động viên mà mọi người sẻ chia lúc nghèo khó mà thấm thía. Cái tình, cái ơn của bà con làm sao tôi có thể quên được” .

Chính lòng biết ơn, trân quý tình cảm của bà con đã thôi thúc chị phát tâm thiện nguyện Bắt đầu từ năm 2000, chị chạy đôn chạy đáo vận động bạn bè, người thân tặng quần áo cũ, gạo rồi bỏ tiền mua thêm áo quần hàng thùng, mì tôm… tự tay phân chia gói gém được 30 suất quà (gồm áo quần cũ, 1 thùng mì tôm, 5 kg gạo) để phát cho người nghèo trong thôn. Năm sau tăng lên 50 suất và có thêm gạo, bột ngọt, mì chính… Từ lần đầu tiên ấy, chị duy trì đều đặn cho đến nay với bình quân phát quà 2 đợt mỗi năm. Khoảng 5 năm trở lại đây, số quà chị tặng cho bà con có trị giá lên đến hơn trăm triệu đồng/năm. Trong đó, số tiền túi chị bỏ ra khoảng trên 50% tổng giá trị.

Đặc biệt, trong năm 2015, chị tổ chức được 3 đợt trao quà, trong đó có một đợt trao 600 suất quà trung thu cho các cháu thiếu nhi (trị giá 50.000 đồng/suất), một đợt trao 250 suất quà (300.000 đồng/suất) dành cho các hộ nghèo, đối tượng khuyết tật, chất độc da cam… trong toàn xã. Trước đó, từ đầu năm 2014, chị đứng ra nhận đỡ đầu với thời hạn 5 năm cho 2 địa chỉ nhân đạo tại thôn Thi Ông với số tiền 200.000 đồng/tháng/địa chỉ. Năm 2017, 2018 chị cũng đã vận động và bỏ tiền túi trao gần cả nghìn suất quà cho bà con nghèo, học sinh vượt khó học giỏi trong thôn, xã… “không thể nhớ hết bao nhiêu lần trao quà như vậy, chỉ biết rằng sau mỗi đợt như vậy tôi thấy lòng mình ấm lại”chị Mai chia sẻ.

Chị Nguyễn Thị Tuyết, mẹ của cháu Võ Văn Khoa, người được chị Mai đỡ đầu hơn 5 năm qua xúc động cho biết: “Con tôi bị suy thận, tôi thì sức khỏe yếu may mắn được chị Mai hỗ trợ nên cũng đỡ phần khó khăn. Tấm lòng của chị Mai hiếm người có được, mẹ con tôi luôn trân trọng và mang ơn chị rất nhiều” .

việc làm thiện nguyện Chị Mai trực tiếp trao tiền hỗ trợ cho một địa chỉ do chị đỡ đầu ở thôn Thi Ông.

“Thùng từ thiện” của chị Mai

Tôi thắc mắc, các đợt từ thiện như vậy chị kiếm đâu ra một số tiền khá lớn cùng lúc như thế? Chị Mai khiêm tốn chỉ tay vào chiếc thùng gỗ đặt nơi hiên nhà mà theo chị là chiếc thùng từ thiện của gia đình mình. “Mỗi lần tôi bán được lứa lợn, lứa gừng… thì tôi đều trích một phần bỏ vào. Ngoài ra con trai tôi cũng có thói quen ủng hộ cùng với mẹ nữa. Cộng thêm vận động từ bạn bè, người thân ủng hộ thêm rồi tổ chức trao quà cho bà con” .

Vừa giải thích, chị vừa vui vẻ tâm sự thêm về đứa con trai ngoan ngoãn, có hiếu và biết sẻ chia của mình. Con trai duy nhất của chị là Hồ Duy Khánh, năm nay 26 tuổi, học xong lớp 12 thì tình nguyện đi nghĩa vụ quân sự. Đến năm 2013, Khánh xuất ngũ, được chị cho ít vốn liếng mở cơ sở nước đá và bán tạp hóa, bán thức ăn hàng ngày cho bà con ngay tại xã. Việc làm ăn của Khánh khá thuận lợi nên cũng ủng hộ chị khá nhiều. “Con trai tôi rất ủng hộ mẹ việc làm từ thiện. Cháu bảo, mẹ chịu cực khổ cả đời rồi nên con sẽ nguyện đồng hành cùng tâm nguyện giúp đỡ người nghèo của mẹ. Năm vừa rồi cháu nó ủng hộ 15 triệu đồng để tổ chức trao quà cho người nghèo và Tết trung thu cho các cháu thiếu nhi. Tôi cảm thấy hạnh phúc, mãn nguyện với những gì mình đang có” .

Không chỉ được con trai ủng hộ, việc làm ý nghĩa của chị Mai còn được anh em, bạn bè và những tấm lòng hảo tâm ở trong, ngoài nước đồng hành. “Sự thấu hiểu, ủng hộ của mọi người đã tiếp thêm động lực cho tôi rất nhiều” , chị Mai nói.

Nói về người hội viên chữ thập đỏ Hồ Thị Mai, chị Nguyễn Thị Phượng, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Hải Vĩnh tâm sự: “Những việc làm ý nghĩa, thầm lặng của chị Mai suốt 17 năm qua rất đáng trân trọng. Những hành động đẹp ấy lấp lánh tình yêu thương, sự đồng cảm với những hoàn cảnh khó khăn rất đáng trân quý.

Trò chuyện với chị Mai, tôi hỏi chị, nhiều người thường ghi lại những hình ảnh làm từ thiện của mình để để đưa lên mạng xã hội nhưng sao chị không làm việc đó? Chị Mai thật thà bảo: “Tôi chỉ muốn giúp đỡ bà con nghèo vơi bớt nhọc nhằn bằng tâm nguyện của mình, nên cũng chẳng muốn phô trương làm gì. Giúp được bà con chừng nào là mình vui chừng ấy thôi” .

Lúc sắp chia tay, chị mang cuốn album ảnh cưới con trai ra khoe với chúng tôi. Chị hạnh phúc nói rằng, chị bây giờ đã có con dâu, có cháu trai nội rồi nên rất mãn nguyện, không mong gì hơn nữa. “Chỉ mong ông trời cho được khỏe mạnh lâu để có thể giúp đỡ được nhiều người nghèo hơn! Chỉ khi nào sức khỏe không còn cho phép, tôi mới thôi làm việc thiện và có thể lúc ấy con trai tôi sẽ tiếp tục tâm nguyện của tôi…” .

LÊ ĐỨC VIỆT

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.