Tại Hội thảo, các chuyên gia của Công ty AIC đã trình bày các giải pháp tổng thể về xây dựng Chính phủ điện tử, hệ thống quốc gia thông minh, kinh nghiệm của một số quốc gia và một số đơn vị của Việt Nam. Ngoài ra, AIC đã giới thiệu Giải pháp đồng bộ xây dựng mô hình điều hành thông minh cho UBDT. Việc xây dựng hệ thống nhằm tạo bước thay đổi mạnh mẽ, nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý, điều hành; giám sát mọi hoạt động của Cơ quan làm Công tác dân tộc, đưa ra các chỉ đạo chính xác, kịp thời và nâng cao hiệu quả kết nối giữa các đối tượng tác động; giúp đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) có kênh thông tin kết nối với chính quyền các cấp, nắm bắt các chính sách của Nhà nước, có cơ hội học tập nâng cao kiến thức, tìm kiếm việc làm và phát triển kinh tế.
Đề xuất đã đưa ra 12 giải pháp đồng bộ gồm các bước triển khai cơ bản và lộ trình cụ thể để xây dựng mô hình điều hành thông minh cho UBDT. Các hệ thống thông tin đều được xây dựng với nhiều lớp thông tin kết hợp, góp phần xây dựng các báo cáo trực tuyến, thời gian thực với sự phân tích đa chiều từ nhiều dạng dữ liệu khác nhau, đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng khác nhau.
Phát biểu tại Hội thảo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến đánh giá cao đề xuất của Công ty AIC, giải pháp đã thể hiện sự nghiên cứu bài bản và nắm bắt khá rõ một số yếu tố đặc thù của ngành Công tác dân tộc. Bộ trưởng, Chủ nhiệm nhấn mạnh: Thời gian qua, Chính phủ đã thành lập Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử trên cơ sở kiện toàn Ủy ban Quốc gia về công nghệ thông tin, do Thủ tướng Chính phủ làm Chủ tịch Ủy ban. Chính vì vậy, việc xây dựng mô hình điều hành cho UBDT là rất cần thiết và có cơ sở pháp lý, phù hợp với sự chỉ đạo của Chính phủ. Việc xây dựng hệ thống cho UBDT hiện có một số thách thức đặt ra như nguồn vốn đầu tư, việc quản lý vận hành, quản trị hệ thống và đặc biệt là công tác tích hợp dữ liệu từ Trung ương đến địa phương.
Qua các nội dung đề xuất của Công ty AIC và các chuyên gia, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến phân tích thêm một số tác động cho việc triển khai xây dựng hệ thống như: hạ tầng thông tin cơ sở quốc gia chưa được hoàn thiện; một số dữ liệu đặc thù của ngành Công tác dân tộc có yếu tố là thông tin mật nên cần phải có cơ chế và những quy định cụ thể, rõ ràng. Với mục tiêu hỗ trợ cho đồng bào DTTS, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến đề nghị nghiên cứu xây dựng hệ thống trực tuyến, hỗ trợ chữ viết và tiếng nói của đồng bào DTTS để có thể tăng cường trợ giúp trực tiếp cho đồng bào. UBDT sẽ triển khai các hội thảo kỹ thuật để nghiên cứu kỹ các nội dung đề xuất, các ý tưởng và cùng phối hợp tìm nguồn vốn đầu tư để xây dựng hệ thống.
Phát biểu tại Hội thảo, bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng Giám đốc Công ty AIC nhấn mạnh: Với sự hỗ trợ của các chuyên gia nhiều kinh nghiệm, những thách thức trong việc cập nhật thông tin, vận hành quản lý hệ thống trên phạm vi rộng đã được nghiên cứu đầy đủ và cụ thể hóa vào 12 nhóm giải pháp để xây dựng và vận hành hệ thống. Ngoài ra, trục tích hợp liên thông toàn quốc đã được Chính phủ quan tâm, đầu tư xây dựng sẽ hỗ trợ cho quá trình này. Hệ thống quản lý, điều hành của UBDT có nhiều yếu tố đặc thù, đặc biệt là phải có sự hỗ trợ đa ngôn ngữ cho tiếng nói và chữ viết của người DTTS. Công ty AIC sẽ tăng cường tìm và huy động thêm các nguồn kinh phí hỗ trợ khác để cùng phối hợp với UBDT xây dựng hệ thống, để góp phần cùng hỗ trợ cho đồng bào DTTS và miền núi, vùng sâu, vùng xa.
VIỆT CƯỜNG