Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Tiếp tục phát huy vai trò của đồng bào DTTS trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc: Đổi mới phương thức vận động (Bài 4)

Tùng Nguyên - 08:22, 17/12/2023

Công tác dân vận có ý nghĩa chiến lược đối với sự nghiệp cách mạng nước ta, là điều kiện quan trọng bảo đảm cho sự lãnh đạo của Đảng và củng cố, tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân. Với vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng của vùng đồng bào DTTS và miền núi, để phát huy hơn nữa vai trò của đồng bào các dân tộc trên tất cả các mặt trận, công tác dân vận là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục.

Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm mô hình thâm canh xoài hữu cơ tại xã Hát Lót, huyện Mai Sơn chiều 28/5/2023.
Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm mô hình thâm canh xoài hữu cơ tại xã Hát Lót, huyện Mai Sơn chiều 28/5/2023.

Nói đi đôi với làm

Kế thừa, phát triển tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta luôn xác định dân vận là nhiệm vụ chính trị quan trọng. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng yêu cầu “tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác dân vận, tăng cường quan hệ mật thiết giữa Đảng với Nhân dân”, là một trong những nhiệm vụ quan trọng về xây dựng Đảng trong điều kiện hiện nay.

Đối với vùng đồng bào DTTS và miền núi, ý nghĩa của công tác dân vận và yêu cầu đổi mới công tác vận động được phân tích, làm rõ hơn tại Hội thảo khoa học “Đổi mới nội dung, phương thức vận động nhằm phát huy tính tích cực, ý chí tự lực tự cường của đồng bào DTTS trong phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) và giảm nghèo bền vững các tỉnh khu vực Trung du và miền núi phía Bắc”. Hội thảo do Ban Dân vận Trung ương tổ chức ngày 27/10/2023.

Các ý kiến tại Hội thảo đã đề xuất những việc cần phải làm để đổi mới công tác dân vận trong tình hình hiện nay. Trong đó, theo ông Lò Văn Mừng, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Điện Biên, điều quan trọng trong vận động đồng bào DTTS là “Nói phải đi đôi với làm, làm phải thực chất, có kết quả để người dân thấy, thì người dân sẽ tin tưởng, ủng hộ”.

Trên thực tế, phương châm “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin” đã được các cấp ủy, chính quyền các địa phương quán triệt trong quá trình triển khai công tác vận động ở vùng đồng bào DTTS và miền núi. Nhưng sẽ hiệu quả hơn, phát huy được vai trò của đồng bào các dân tộc hơn trong thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước khi thực hiện “nói đi đôi với làm”, nhất là đối với chính người đứng đầu các cơ quan, đơn vị.

Hội thảo khoa học “Đổi mới nội dung, phương thức vận động nhằm phát huy tính tích cực, ý chí tự lực tự cường của đồng bào DTTS trong phát triển KT – XH và giảm nghèo bền vững các tỉnh khu vực Trung du và miền núi phía Bắc” do Ban Dân vận Trung ương tổ chức ngày 27/10/2023.
Hội thảo khoa học “Đổi mới nội dung, phương thức vận động nhằm phát huy tính tích cực, ý chí tự lực tự cường của đồng bào DTTS trong phát triển KT – XH và giảm nghèo bền vững các tỉnh khu vực Trung du và miền núi phía Bắc” do Ban Dân vận Trung ương tổ chức ngày 27/10/2023.

Tại Hội nghị Quân ủy Trung ương lần thứ 6, nhiệm kỳ 2023-2025 được tổ chức ngày 23/7 vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trong đã nêu 7 phẩm chất cần có của đội ngũ cán bộ hiện nay là: “Dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, và dám hành động vì lợi ích chung”. Đây là những phẩm chất không chỉ riêng cán bộ quân đội mà là chung cho tất cả đội ngũ cán bộ của cả nước.

Trên thực tế có nhiều cán bộ đứng đầu cơ quan, đơn vị đã “dám nghĩ, dám làm”, sẵn sàng nhận nhiệm vụ khó vì lợi ích chung. Đại tá - Giám đốc Công an tỉnh Tuyên Quang Phạm Kim Đĩnh là một ví dụ. Trước tình hình tổ chức bất hợp pháp Dương Văn Mình núp bóng tín ngưỡng, tôn giáo, lôi kéo, dụ dỗ, lừa gạt đồng bào dân tộc Mông, ông đã mạnh dạn đăng ký với Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhiệm vụ tạo đột phá trong phong trào toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc ở 10 xã thuộc 5 huyện trên địa bàn có tổ chức này hoạt động.

Với phương châm “4 cùng, 4 bám”, ông đã cùng lực lương Công an tỉnh Tuyên Quang vận động được 4.080 người thoát khỏi ảnh hưởng của tà đạo. Hiện 10/10 xã thường niên thực hiện lựa chọn, xây dựng, tôn vinh hình ảnh “cá nhân, hộ gia đình đồng bào dân tộc Mông gương mẫu, tiêu biểu trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”.

Giám đốc Công an tỉnh Tuyên Quang Phạm Kim Đĩnh nắm tình hình an ninh trật tự tại xã Thượng Nông, huyện Na Hang.
Giám đốc Công an tỉnh Tuyên Quang Phạm Kim Đĩnh nắm tình hình an ninh trật tự tại xã Thượng Nông, huyện Na Hang.

Nắm bắt nhu cầu thực tiễn

Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, vùng đồng bào DTTS và miền núi đã và đang triển khai nhiều chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội; giai đoạn 2021 – 2025 trọng tâm là Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi. Theo quy định hiện nay, việc ban hành chính sách thuộc thẩm quyền cấp Trung ương và tỉnh; cấp huyện, xã chủ yếu là triển khai nên việc đổi mới cách thức công tác dân vận, nhất là ở cấp cơ sở càng có ý nghĩa quan trọng.

Như bài báo trước đã phản ánh, ở xã Trung Hà của huyện Chiêm Hóa (Tuyên Quang), năm 2021, xã được bố trí vốn để đầu tư nâng cấp tuyến đường đi vào nghĩa trang của xã. Nhưng kinh phí được cấp chỉ có vốn đầu tư xây dựng, không có vốn đền bù, giải phóng mặt bằng; trong khi để mở rộng tuyến đường từ 3m lên 6m, phải thu hồi khoảng 1.120 m2 đất của 9 hộ ở thôn Nà Dầu. Nhờ làm tốt công tác dân vận, 9/9 hộ dân đồng tình hiến đất để hoàn thành tuyến đường này.

Khẳng định công tác dân vận có ý nghĩa đặc biệt quan trọng ở cấp cơ sở, nhưng theo ông Lưu Minh Quân,Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Sơn La, việc lựa chọn ban hành những chủ trương lãnh đạo, chỉ đạo trúng, đúng, sát thực tế, hợp lòng dân của cấp tỉnh có ý nghĩa then chốt trong quá trình triển khai các chính sách của Trung ương trong phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi. Ý kiến của ông Quân cũng đã được nhiều đại biểu dự hội thảo khoa học ngày 27/10/2023 do Ban Dân vận Trung ương tổ chức đồng tình

Sơn La đạt kết quả tích cự trong việc thực hiện chủ trương trồng cây ăn quả trên đất dốc, chuyển diện tích trồng cây ngắn ngày, sang trồng cây ăn quả. (Trong ảnh: Yên Châu là một trong những vùng có diện tích và sản lượng trái cây lớn của tỉnh Sơn La hiện nay)
Sơn La đạt kết quả tích cự trong việc thực hiện chủ trương trồng cây ăn quả trên đất dốc, chuyển diện tích trồng cây ngắn ngày, sang trồng cây ăn quả. (Trong ảnh: Yên Châu là một trong những vùng có diện tích và sản lượng trái cây lớn của tỉnh Sơn La hiện nay)

Tại hội thảo này, lấy dẫn chứng ở Sơn La, ông Quân cho biết, từ năm 2015, tỉnh chủ trương triển khai trồng cây ăn quả trên đất dốc, chuyển diện tích trồng cây ngắn ngày, sang trồng cây ăn quả. Với cách vận động sáng tạo, phù hợp, giai đoạn 2015 - 2023, tỉnh Sơn La đã đưa diện tích trồng cây ăn quả từ 26.000ha lên 84.000ha, giúp xây dựng nền kinh tế nông nghiệp theo nhu cầu thị trường, giúp giảm nghèo bền vững, đem lại thu nhập cao và ổn định cho bà con nông dân trên địa bàn.

Đồng quan điểm, Đại tá - PGS. TS. Vi Thái Lang (Học viện Chính trị Công an Nhân dân) cho rằng, công tác dân vận cần tập trung đổi mới hướng về cơ sở, làm tốt ngay từ cơ sở, bởi khi ở cơ sở đã ổn thì xã cũng ổn, huyện cũng ổn, tỉnh cũng ổn. Ở những nơi nào KT - XH phát triển ổn định thì tình hình an ninh trật tự cũng sẽ ổn định. 

Đại tá Vi Thái Lang mong muốn Đảng, Nhà nước tiếp tục ban hành những chủ trương, chính sách đặc thù trong phát triển KT-XH, chăm lo đời sống đồng bào DTTS, nhất là ở khu vực biên giới, để người dân sinh sống ổn định, gắn bó với quê hương, từ đó phát huy vai trò của mình trong bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước.

Tin cùng chuyên mục
Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Ngày 27/12, UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội nghị biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh năm 2023. Dự hội nghị có: Vụ trưởng Vụ Chính sách Dân tộc (Ủy ban Dân tộc) Lưu Xuân Thủy; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Tuấn Sinh; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa Phạm Thị Thanh Thủy; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đầu Thanh Tùng; lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh, một số sở, ngành, đơn vị của tỉnh, UBND 11 huyện miền núi và 6 huyện, thị xã giáp ranh có xã, thôn, bản miền núi cùng 150 đại biểu điển hình tiên tiến đại diện cho trên 701.000 người DTTS toàn tỉnh.