Ngày 28/12, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao tổ chức Hội nghị triển khai công tác năm 2023 của ngành kiểm sát nhân dân (KSND). Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tuyến, kết nối điểm cầu chính tại trụ sở Viện KSND Tối cao đến hơn 817 điểm cầu trong toàn ngành.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị. Đến dự hội nghị có nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc.
Chống oan, sai, chống bỏ lọt tội phạm và chống tham nhũng, tiêu cực quan trọng hàng đầu
Năm 2022, tình hình an ninh, chính trị của cả nước được bảo đảm, nhưng tình hình tội phạm vẫn có những diễn biến phức tạp. Trong đó, phát sinh nhiều loại tội phạm với phương thức, thủ đoạn phạm tội mới, hoạt động tinh vi, có tổ chức, núp bóng doanh nghiệp, sử dụng CNTT, phạm tội trên không gian mạng... liên quan đến nhiều lĩnh vực, như chứng khoán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp, tài chính, giáo dục, y tế, công tác phòng, chống dịch COVID-19... Ngành kiểm sát đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng đấu tranh, phát hiện, khởi tố mới 86.756 vụ án hình sự, tăng 2,4% so với năm 2021.
Đáng chú ý, ngành đã xác định chống oan, sai, chống bỏ lọt tội phạm và chống tham nhũng, tiêu cực là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu.
Viện trưởng Viện KSND Tối cao yêu cầu toàn ngành tiếp tục nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra, truy tố; nâng cao chất lượng và kỹ năng tranh tụng của kiểm sát viên tại các phiên tòa; thực hiện nghiêm các nguyên tắc của pháp luật hình sự, tố tụng hình sự, trong đó chú trọng nguyên tắc “suy đoán vô tội”, không làm oan sai, không bỏ lọt tội phạm, quá trình giải quyết vụ án chú trọng phát hiện, điều tra, thu thập chứng cứ vật chất để buộc tội, khi các đối tượng khai nhận hành vi phạm tội phải khẩn trương, kịp thời kiểm tra, củng cố, chuyển hóa thành các chứng cứ vật chất để kết hợp chứng minh tội phạm bảo đảm chặt chẽ, đúng pháp luật. Thận trọng, không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự, khoan hồng với những người ăn năn hối cải, tích cực khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại.
Viện trưởng Viện KSND Tối cao đã trực tiếp chỉ đạo công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế, chức vụ thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo. Đồng thời, chỉ đạo ban hành các quy chế, quy định, quy trình và nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về nghiệp vụ; tăng cường công tác kiến nghị các cơ quan, tổ chức liên quan để phòng ngừa vi phạm, tội phạm; nâng cao chất lượng kháng nghị, đảm bảo chặt chẽ, thuyết phục.
Cơ quan điều tra Viện KSND Tối cao đổi mới phương thức hoạt động, chủ động trong thu thập và thụ lý nguồn tin báo, tố giác tội phạm. Xác định những khâu, lĩnh vực trong hoạt động tư pháp có nhiều vi phạm, gây bức xúc để tập trung phát hiện, điều tra, xử lý nghiêm; qua đó góp phần chấn chỉnh hoạt động của các cơ quan tư pháp, bảo đảm việc thực thi pháp luật nghiêm minh; đồng thời có tác dụng răn đe, cảnh tỉnh và phòng ngừa chung trong toàn hệ thống các cơ quan tư pháp.
Trong công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết vụ án hình sự, toàn ngành đã thực hành quyền công tố, kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết 144.487 nguồn tin về tội phạm (tăng 5,3%); ban hành 119.643 văn bản yêu cầu cơ quan điều tra kiểm tra, xác minh nguồn tin về tội phạm (tăng 9,6%); trực tiếp kiểm sát việc giải quyết nguồn tin về tội phạm 1.602 cuộc tại cơ quan điều tra (tăng 14%)… Kết quả, đã yêu cầu khởi tố 568 vụ án; ra quyết định hủy 83 quyết định không khởi tố vụ án, quyết định khởi tố vụ án không đúng pháp luật; trực tiếp ra 23 quyết định khởi tố vụ án và yêu cầu cơ quan điều tra tiến hành điều tra.
Về kết quả cụ thể, trong thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra 111.808 vụ/173.161 bị can (tăng 2,4% về số vụ, 5,7% về số bị can). Ban hành 89.012 yêu cầu điều tra. Tham gia hỏi cung và trực tiếp hỏi cung 113.723 bị can. Không phê chuẩn 328 lệnh, quyết định áp dụng biện pháp ngăn chặn; hủy 420 quyết định tạm giữ, 32 quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ điều tra vụ án không đúng pháp luật của cơ quan điều tra. Số vụ án truy tố đúng thời hạn đạt 100% (vượt 10%) và số bị can truy tố đúng tội danh đạt 99,99% (vượt 4,99% theo yêu cầu của Quốc hội).
Thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử 101.095 vụ/191.255 bị cáo (tăng 4% về số vụ, 9,3% về số bị cáo). Thông qua công tác kiểm sát xét xử đã phát hiện nhiều vi phạm và đã ban hành 828 kháng nghị phúc thẩm (tăng 4,5%), được hội đồng xét xử chấp nhận đạt tỉ lệ 75,8% (vượt 5,8% chỉ tiêu của Quốc hội). Tỉ lệ giải quyết đơn đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm, tái thẩm về hình sự đạt 93%, vượt 33% so với chỉ tiêu của Quốc hội.
Bên cạnh đó, công tác điều tra tội phạm của viện KSND có nhiều tiến bộ. Cơ quan điều tra Viện KSND Tối cao đã đạt và vượt tất cả các chỉ tiêu của Quốc hội, như: Tỉ lệ giải quyết nguồn tin về tội phạm đạt 90,7% (vượt 0,7%); tỉ lệ điều tra khám phá các loại tội đạt 74,6% (vượt 4,6%); tỉ lệ điều tra khám phá các tội phạm rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng đạt 90% (đạt chỉ tiêu của Quốc hội); tỉ lệ thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng đạt 89% (tăng 24,3% so với cùng kỳ và vượt 29% so với chỉ tiêu của Quốc hội).
Trong công tác giải quyết các vụ án về tham nhũng, kinh tế, chức vụ: Năm 2022, Viện KSND tối cao tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, Tòa án nhân dân Tối cao tập trung chỉ đạo điều tra, truy tố, xét xử các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo; đã phát hiện, khởi tố mới để điều tra, truy tố nhiều vụ án trong một số lĩnh vực liên quan đến chứng khoán, cổ phiếu, trái phiếu... với quy mô đặc biệt lớn và tính chất rất phức tạp, chưa từng có tiền lệ, đến nay đã được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nhân dân đánh giá cao, như: Các vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á và các địa phương có liên quan, Công ty cổ phần Tiến bộ quốc Tế (AIC), Tập đoàn FLC, Công ty Tân Hoàng Minh...
Toàn ngành đã kiểm sát thụ lý thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra 907 vụ/2.043 bị can, tăng 189 vụ/434 bị can so với năm 2021; đã giải quyết 494 vụ/1.115 bị can. Trong giai đoạn truy tố, viện kiểm sát các cấp đã thụ lý giải quyết 437 vụ/1.134 bị can, đã giải quyết 432 vụ/1.063 bị can, đạt tỉ lệ 99%; kiểm sát xét xử sơ thẩm 430 vụ/1.120 bị cáo. Trong đó, án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo đã giải quyết 15 vụ/231 bị can; đã truy tố 11 vụ/178 bị can.
Năm 2022, một số Viện KSND cấp tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan điều tra, tòa án nhân dân cùng cấp phát hiện, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án lớn, phức tạp về tham nhũng, kinh tế, chức vụ, như viện KSND các tỉnh, thành phố: Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Đồng Nai, An Giang...
Ngành kiểm sát đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tố tụng tăng cường các biện pháp nhằm thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng, kinh tế, chức vụ, yêu cầu và phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan áp dụng biện pháp phong tỏa tài khoản, thu giữ, kê biên tài sản có giá trị lớn, như cổ phiếu, bất động sản… Theo đó, đã thu hồi được số tiền gần 365.000 tỷ đồng bị chiếm đoạt, thất thoát, tăng gần 350.000 tỷ đồng so với năm 2021.
7 nhiệm vụ trọng tâm của năm 2023
Chỉ thị công tác năm 2023 của ngành KSND xác định, năm 2023, với phương châm công tác: “Đoàn kết, trách nhiệm - kỷ cương, liêm chính - bản lĩnh, hiệu quả”, đã xác định 7 nhiệm vụ trọng tâm yêu cầu toàn ngành KSND tập trung thực hiện có hiệu quả trong năm 2023. Trong đó, thủ trưởng đơn vị, người đứng đầu viện kiểm sát các cấp và tập thể lãnh đạo đơn vị phải tập trung xây dựng và giữ gìn sự đoàn kết, nêu cao hơn nữa vai trò trách nhiệm nêu gương, tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, gương mẫu trong công việc; phân công và sử dụng hợp lý, hiệu quả biên chế cán bộ hiện có của từng đơn vị;
Tăng cường công tác đào tạo và tự đào tạo cán bộ thông qua phân công giao việc theo hướng “chọn người theo yêu cầu công việc”; đánh giá đúng khả năng công tác của mỗi cán bộ để sắp xếp, phân công, chuyển đổi vị trí công tác nhằm đào tạo, phát huy sở trường của từng cán bộ và phòng chống tham nhũng, tiêu cực, đồng thời bảo vệ cán bộ trong thực hiện nhiệm vụ;
Siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ; tăng cường công tác thanh tra, tự kiểm tra trong đơn vị, xử lý nghiêm những vi phạm, tiêu cực của cán bộ, công chức trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao. Những đơn vị nào lãnh đạo chủ động phát hiện và xử lý nghiêm vi phạm thì căn cứ tính chất mức độ, hậu quả của vi phạm được ngăn chặn, khắc phục sẽ không đánh giá vào thành tích thi đua của đơn vị. Nếu thông qua kiểm tra, thanh tra của cấp trên phát hiện vi phạm và xử lý thì sẽ xem xét xử lý nghiêm trách nhiệm người phụ trách, người đứng đầu đơn vị đó.
Cùng với đó, toàn ngành kiểm sát tiếp tục xác định chống oan sai, chống bỏ lọt tội phạm, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu. Tăng cường hơn nữa vai trò, trách nhiệm công tố, gắn công tố với hoạt động điều tra ngay từ giai đoạn đầu thụ lý giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; chủ động đề ra các biện pháp nâng cao chất lượng công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra, truy tố, xét xử;
Nâng cao chất lượng tranh tụng của kiểm sát viên tại các phiên tòa; thực hiện nghiêm các nguyên tắc của pháp luật hình sự, trong đó chú trọng nguyên tắc suy đoán vô tội, trọng chứng hơn trọng cung, kịp thời chuyển hóa chứng cứ chứng minh tội phạm trong giải quyết các vụ án hình sự.
Viện kiểm sát các cấp chủ động phối hợp, tập trung rà soát giải quyết dứt điểm đối với các vụ án, tin báo tạm đình chỉ còn tồn đọng; tập trung triển khai nghiêm túc, có hiệu quả quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự trong công tác kiểm sát việc tiếp nhận, kiểm tra xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm của công an cấp xã.
Lãnh đạo viện kiểm sát các cấp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tăng cường công tác phối hợp nhằm đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý nghiêm minh các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, nhất là các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo;
Tham mưu chỉ đạo tập trung vào những lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, những vấn đề dư luận xã hội bức xúc, những vấn đề nổi cộm; phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng trong xử lý tội phạm tham nhũng, nghiêm trị kẻ chủ mưu, cầm đầu; khoan hồng với những người ăn năn hối cải, tích cực khắc phục hậu quả, bồi thường thiệt hại. Quyết liệt hơn trong áp dụng các biện pháp nhằm thu hồi tài sản Nhà nước bị thiệt hại, thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng.
Tăng cường hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm có yếu tố nước ngoài; thực hiện tốt vai trò cơ quan Trung ương trong tương trợ tư pháp về hình sự. Chủ động, tích cực trao đổi, đàm phán, ký kết các hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự và trao đổi kinh nghiệm với viện kiểm sát, cơ quan công tố các nước trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ…
Ngành kiểm sát có nhiều đóng góp quan trọng trong thành tựu chung của đất nước
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, những thành tựu quan trọng, toàn diện mà đất nước đạt được trong năm 2022 là do sự nỗ lực, chung sức, chung lòng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cả hệ thống chính trị, trong đó sự có đóng góp rất quan trọng của ngành KSND.
Điểm lại 7 nhóm nhiệm vụ, kết quả nổi bật mà ngành KSND đạt được trong năm 2022, Chủ tịch nước khẳng định, những kết quả công tác của ngành trong năm 2022 đã góp phần rất quan trọng vào công cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật; giữ vững an ninh, trật tự, bảo vệ pháp chế XHCN, bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân; góp phần xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh theo tinh thần, chủ trương cải cách tư pháp của Đảng ta. Qua đó, tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của ngành KSND trước Đảng, Nhà nước và nhân dân.
“Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tôi nhiệt liệt biểu dương và đánh giá cao những nỗ lực cố gắng và những đóng góp quan trọng của ngành KSND đối với thành tựu chung của đất nước trong năm 2022”, Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Về phương hướng nhiệm vụ trong năm 2023 và thời gian tới, Chủ tịch nước nhấn mạnh một số nhiệm vụ chủ yếu.
Theo đó, VKSND cần khẩn trương xây dựng chương trình, kế hoạch để triển khai thực hiện kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trong Nghị quyết số 27 của Trung ương (khóa XIII) về “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới”; trong đó liên quan đến ngành KSND là “Hoàn thiện thể chế để viện KSND thực hiện tốt chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp; hoàn thiện cơ chế tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, tăng cường kiểm soát bên trong việc thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động xét xử...”.
Ngành kiểm sát chủ động nghiên cứu, đề xuất với Đảng, Nhà nước những giải pháp tăng cường năng lực của ngành. Qua đó, tiếp tục nâng cao vị thế, vai trò và uy tín của ngành trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, nhất là tội phạm về tham nhũng, kinh tế, chức vụ. Đồng thời, chủ động nghiên cứu, báo cáo với cơ quan có thẩm quyền những cơ chế, chính sách phù hợp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc bảo đảm điều kiện hoạt động của viện kiểm sát các cấp để tạo động lực mới, tinh thần mới, khí thế mới, quyết tâm mới cho sự phát triển của ngành KSND trong thời gian tới.
Nâng cao hơn nữa vai trò của Cơ quan điều tra của Viện KSND Tối cao để khởi tố, điều tra hành vi xâm phạm hoạt động tư pháp, hành vi tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp theo đúng quy định. Qua đó, làm tốt vai trò của viện KSND trong cơ chế phân công, phối hợp và kiểm soát quyền lực tư pháp dưới sự lãnh đạo toàn diện của Đảng.
Bên cạnh đó, Chủ tịch nước cho rằng, ngành KSND tiếp tục nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp. Tăng cường hơn nữa vai trò, trách nhiệm công tố, gắn công tố với hoạt động điều tra ngay từ giai đoạn đầu tiên của tố tụng hình sự, thực hiện tốt các nguyên tắc tố tụng trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ, như nguyên tắc suy đoán vô tội, đảm bảo chặt chẽ, trọng chứng hơn trọng cung; không để oan sai, bỏ lọt tội phạm; vừa đảm bảo xử lý nghiêm kẻ chủ mưu, vụ lợi, đồng thời đảm bảo tính nhân văn, thuyết phục.
Tiếp tục chủ động phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với Chính phủ, Bộ Công an, Tòa án nhân dân Tối cao, Văn phòng Chủ tịch nước trong nhiệm vụ nghiên cứu, tham mưu trình Chủ tịch nước xem xét, quyết định về đặc xá; xét đơn xin ân giảm án tử hình và tổ chức thi hành án tử hình.
Chủ tịch nước lưu ý, xác định con người là yếu tố quyết định, công tác cán bộ là “then chốt của then chốt” nên ngành kiểm sát cần tập trung tiếp tục sắp xếp cơ cấu tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, phân công và sử dụng hợp lý, hiệu quả biên chế cán bộ hiện có; tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ để nâng cao chất lượng hoạt động của ngành.
Toàn ngành cần tiếp tục tổ chức và triển khai học tập và làm tốt lời Bác Hồ dạy cán bộ kiểm sát là phải "Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn" bằng những nội dung, hình thức cụ thể phù hợp trong công tác của ngành.
Mặt khác, ngành cần tiếp tục chủ động, tích cực xây dựng, hoàn thiện thể chế; hoàn thiện cơ chế tăng cường trách nhiệm công tố trong giải quyết các vụ án hình sự; tăng cường kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tư pháp nói chung và quyền quyết định việc buộc tội của viện kiểm sát nói riêng. Khẩn trương tổng kết thực tiễn, phối hợp với Tòa án Nhân dân tối cao nghiên cứu hoàn thiện quy định pháp luật về cơ chế bảo vệ lợi ích công và nhóm dễ bị tổn thương nhưng chưa có người đứng ra bảo vệ theo tinh thần Nghị quyết số 27 của Trung ương (khóa XIII) mới ban hành. Đồng thời, tiếp tục kiện toàn lực lượng và triển khai thực hiện công tác giám định theo quy định của Luật Giám định tư pháp.
Ngoài ra, ngành cần tăng cường hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm có yếu tố nước ngoài; thực hiện tốt vai trò cơ quan đầu mối Trung ương trong tương trợ tư pháp hình sự. Chủ động, tích cực trao đổi, đàm phán, ký kết các hiệp định tương trợ tư pháp hình sự và trao đổi kinh nghiệm với viện kiểm sát, cơ quan công tố các nước trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Đồng thời, cùng với việc xác định năm 2023 là năm đột phá về ứng dụng CNTT và chuyển đổi số, thì ngành KSND cũng cần hết sức quan tâm đến vấn đề an toàn thông tin trong hệ thống thông tin của ngành KSND nói chung, của Viện KSND Tối cao nói riêng.
Chủ tịch nước tin tưởng, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với truyền thống đoàn kết, năng động, đổi mới và trách nhiệm, kỷ cương của ngành kiểm sát, đồng thời, với sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và sự ủng hộ phối hợp của các bộ, ngành Trung ương, ngành kiểm sát sẽ tiếp tục thể hiện được trí tuệ, bản lĩnh và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, góp phần “Tiếp tục xây dựng nền tư pháp Việt Nam chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân”, đáp ứng lòng mong đợi của Đảng, Nhà nước và nhân dân./.